Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng

ThS. Trần Trọng Triết 03/06/2024 - 08:47

Trên “con tàu” chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành “hoa tiêu”, trụ cột của việc chuyển đổi số ở địa phương.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận nhiều bước phát triển vượt bậc cả về hạ tầng, phương thức, cách thức thanh toán và lĩnh vực, giá trị triển khai trên thực tế, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi số của địa phương.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng trong quý I/2024 đạt 166.478 tỷ đồng/11.569.745 món, tăng 47.119 tỷ đồng (tăng 44%) và tăng 4.732.625 món (tăng 82%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 115.831 tỷ đồng/9.566.704 món, chiếm 75,0%, tăng 40.820 tỷ đồng (tăng 54,4%) và tăng 5.238.869 món (tăng 121,1%) so với cùng kỳ năm 2023.

Việc chuyển đổi số ngân hàng hướng đến xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao sự am hiểu và thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng số trong cộng đồng, góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, hướng đến xã hội số trên địa bàn tỉnh.

chuyen-doi-so.jpeg
Ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng

Đáng chú ý, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng địa bàn nông thôn của hệ thống Ngân hàng Agribank tỉnh Tiền Giang là những giải pháp phù hợp với thực trạng hiện nay của vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua, như: ứng dụng Agribank E-Mobile Banking – “Ngân hàng trong tầm tay”; ra mắt sản phẩm thẻ Lộc Việt 1 chip 2 tính năng vừa là thẻ ghi nợ nội địa hàng chuẩn vừa là thẻ tín dụng hạng chuẩn giúp khách hàng chi tiêu trước, trả tiền sau, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” khu vực nông thôn đáng kể; giới thiệu tính năng khác biệt với ATM là có thể nộp tiền trực tiếp vào tài khoản và gửi tiền tiết kiệm chủ động lựa chọn kỳ hạn và lãi suất không phụ thuộc vào thời gian ngay tại máy CDM.

Ông Trương Văn Đoàn, Phó Giám đốc Agribank Tiền Giang chia sẻ, những giải pháp công nghệ hiện đại phục vụ quá trình chuyển đổi số, hướng đến hoạt động ngân hàng phát triển bền vững của Agribank, như: giao dịch rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip; rút tiền bằng QR Code trên máy ATM không cần thẻ; dịch vụ ngân hàng số đa kênh dành cho khách hàng doanh nghiệp Agribank Corporate Ebanking; trục thanh toán Agribank Payment Hub tiên tiến; dịch vụ OPEN API và Hệ thống thu thập, quản lý xác thực và làm sạch dữ liệu khách hàng tại quầy giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính chính xác của các giao dịch.

Với những sản phẩm, dịch vụ và tiện ích số vượt trội của Agribank, đã mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt truyền thống, tiến tới sử dụng giao dịch bằng căn cước công dân gắn chip và QR Code tại các máy CDM để khách hàng thuận tiện hơn trong giao dịch.

Bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang cho biết, những năm gần đây, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng; phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng...

Thông qua chuyển đổi số, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện bằng việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân, tổ chức, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-NHNN ngày 1/2/2024 của Ngân hàng Nhà nước về ban hành Kế hoạch năm 2024 của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, truyền thông về kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Để triển khai công tác chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiển Giang đã xây dựng và ban hành Kế hoạch để tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được giao tại Kế hoạch thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bám sát định hướng của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo của chính quyền địa phương cùng sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành liên quan cùng sự chủ động tích cực của toàn ngành, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lấy tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ làm thước đo hiệu quả, ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: thể chế, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn... cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục tài chính cũng được đẩy mạnh.

Một trong những hoạt động tiêu biểu, mang dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trên địa bàn, đặc biệt trong các cơ quan thực hiện dịch vụ công, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng không chỉ là xu hướng mà còn là bước tiến quan trọng tiến tới nền tài chính hiện đại, góp phần phát triển kinh tế số, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia qua những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số. Agribank chi nhánh tỉnh Tiền Giang lấy khách hàng làm trung tâm để cung cấp các sản phẩm dịch vụ và tiện ích hiện đại phù hợp với khách hàng, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cam kết đồng hành và trách nhiệm cùng công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Đậm cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 182/QĐ-NHNN ngày 01/02/2024 của Ngân hàng Nhà nước; Đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp; đổi mới hoạt động quản lý theo hướng hiện đại; phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình tạo thuận lợi cho người dân lẫn doanh nghiệp ở địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO