Thực tế hiện nay cho thấy người dân rất khó bảo vệ thông tin cá nhân của mình ngay cả khi hoàn toàn nhận thức được những hiểm họa của nạn đánh cắp thông tin định danh.
Todd Davis, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo mật LifeLock, đã hiển thị công khai mã số an sinh xã hội của mình trên website công ty để quảng cáo cho dịch vụ bảo vệ chống lợi dụng thông tin cá nhân. Và ông ta đã nhận được bài học đích đáng sau khi trở thành nạn nhân của tội phạm đánh cắp định danh ít nhất 13 lần.
Ví dụ hài hước và cũng khá đau xót này cho thấy nạn đánh cắp thông tin định danh đã trở nên kinh khủng đến mức nào ở Mỹ và nhiều nước khác.
Việt Nam ta cũng không phải là một ngoại lệ. Báo chí và cả cơ quan công an đã nhiều lần khuyến cáo người dân về các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân: Cảnh báo về việc người lạ trả tiền cho người dân để chụp 2 mặt chứng minh nhân dân (CMND)/căn cước công dân (CCCD); Khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp CCCD/CMND; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND lên mạng xã hội.; Khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin CCCD/CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
Sau khi có thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD/CMND của người dân, các nhóm tội phạm có thể trao đổi, mua bán với nhau để sử dụng vào mục đích phạm tội như: làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền rồi yêu cầu chuyển tiền phí, lệ phí và tiền “bôi trơn” vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt.
Đó là vì hiện nay việc vay tín chấp tại một số tổ chức tín dụng tương đối dễ dàng khi người vay chỉ cần cung cấp số CMND/CCCD, số điện thoại... là có thể được xét duyệt khoản vay. Các thông tin trên CCCD cũng có thể bị dùng để đăng ký sim trả sau, lúc này người bị hại sẽ phải chịu những khoản phí nợ cước điện thoại trả sau vô lý mặc dù không hề sử dụng. Các trường hợp trên nếu xảy ra sẽ rất khó đòi lại tiền cũng như tìm ra kẻ lừa đảo.
Hơn thế nữa, nhiều công ty ma thường dùng bản photo hoặc ảnh chụp 2 mặt CMND/CCCD của người khác để đăng ký mã số thuế cá nhân, từ đó khai khống chi phí lương và giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong trường hợp này, rất nhiều người đã bị đăng ký mã số thuế cá nhân với thông tin chưa chính xác và phải liên hệ cơ quan thuế để giải quyết.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy người dân rất khó bảo vệ thông tin cá nhân của mình ngay cả khi hoàn toàn nhận thức được những hiểm họa của nạn đánh cắp thông tin định danh. Chẳng hạn, khi ra vào một số tòa nhà, dù là để liên hệ công tác hay thi công công trình, đều yêu cầu xuất trình CCCD và bị giữ lại giấy tờ, chỉ khi rời đi mới được trả lại. Hoặc khi đi du lịch, các khách sạn cũng yêu cầu cung cấp CCCD để lưu bản sao. Ngân hàng và nhiều công ty yêu cầu sao chụp CCCD trước khi cung cấp dịch vụ. Dù chính phủ mới ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng việc triển khai nghị định không hề đơn giản và không thể đảm bảo dữ liệu cá nhân do các tổ chức thu thập sẽ được bảo vệ an toàn 100%.
Để có thể bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, người dân cần được tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn như, cần làm gì để tự kiểm tra khả năng bị lộ thông tin CCCD?
Nếu nghi ngờ bị lấy CCCD đăng ký mã số thuế ảo, hãy kiểm tra thông tin qua cổng thông tin của Tổng Cục thuế.
Muốn kiểm tra xem số CCCD đã đăng ký bao nhiêu sim chính chủ, cần soạn tin nhắn TTTB gửi 1414.
Nếu muốn biết mình có bị giả thông tin để vay nợ hay không, cá nhân có thể kiểm tra thông qua trung tâm Thông tin Tín dụng CIC bằng cách truy website https://cic.gov.vn/ hoặc tải ứng dụng CIC Credit Connect trên thiết bị điện thoại thông minh.
Ngoài ra, người dân cần hiểu rõ các trường hợp tạm giữ chứng minh nhân dân theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP như sau: Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân; Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Điều 11 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 106/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân như sau: Cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân có thẩm quyền thu hồi chứng minh nhân dân; Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có thẩm quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân.
Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014 cũng quy định tương tự cho căn cước công dân.
Người dân cũng cần được biết những tổ chức nào có quyền yêu cầu bản sao của CMND/CCCD.
Trang thông tin về gian lận danh tính trên website của Chính phủ Hà Lan nêu rõ những tổ chức được phép yêu cầu người dân nước này cung cấp bản sao của giấy tờ tùy thân (bao gồm các cơ quan chính phủ, ngân hàng, công chứng, sòng bạc, bảo hiểm nhân thọ, tổ chức sử dụng lao động) đồng thời chỉ ra rằng các tổ chức đó phải thông báo cho cá nhân được yêu cầu về quy định pháp luật đòi hỏi họ nhận bản sao giấy tờ tùy thân. Với những tổ chức như khách sạn hay trường học, người dân Hà Lan chỉ cần cung cấp thông tin về mã số và loại giấy tờ tùy thân.
Hơn thế nữa, trang thông tin trên còn hướng dẫn người dân Hà Lan cách che bớt các chi tiết khi cần sao chụp hay quét ảnh giấy tờ tùy thân để cung cấp cho các tổ chức. Theo đó, người dân được khuyên bôi đen dòng mã số công dân và viết rõ đó là bản sao, ngày tháng cung cấp bản sao, tổ chức nhận bản sao.