Chủ Nhật, 6/7/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tại phiên thảo luận "Trí tuệ nhân tạo và chiến lược chuyển đổi số của các tòa soạn báo chí Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc, sáng ngày 20/6, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo tòa soạn đã chỉ ra những thách thức, đưa ra các cảnh báo và giải pháp để tránh “bẫy AI” cũng như giải quyết được nỗi lo về tin giả.
Trình bày khảo sát của IPS (phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam) về mức độ ứng dụng AI tại các cơ quan báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho hay, tỷ lệ các cơ quan báo chí đã và đang ứng dụng AI hoặc có kế hoạch ứng dụng đã tăng gấp đôi so với năm 2023, đạt hơn 60% trong năm 2024.
Tuy nhiên, phần lớn các ứng dụng AI hiện nay vẫn tập trung vào các khâu sản xuất nội dung như: Gợi ý, chỉnh sửa tiêu đề và tóm tắt thông tin, biên tập, kiểm tra chính tả, tạo hình ảnh/video hay dịch thuật. Việc ứng dụng AI vào các hoạt động nghiên cứu sâu hơn hoặc để phục vụ bài toán kinh doanh, phân tích hành vi độc giả cũng rất thấp. Điều này cho thấy sự tập trung chủ yếu vào vai trò cá nhân của nhà báo, thay vì định hướng chiến lược của toàn tòa soạn.
Viện trưởng IPS cũng chỉ ra 3 vấn đề lớn đang tác động đến hiệu quả ứng dụng AI của các cơ quan báo chí Việt Nam gồm: Đặt sai trọng tâm; thiếu chiến lược tổng thể; thiếu hụt nguồn lực.
Để giải quyết những thách thức này, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất các cơ quan báo chí cần tiếp cận AI một cách tổng thể và có chiến lược. Theo đó, AI cần được xem xét để thu hút và giữ chân độc giả, tạo ra nguồn thu mới trong bối cảnh quảng cáo truyền thống sụt giảm và lưu lượng truy cập từ công cụ tìm kiếm chuyển dịch sang AI.
Bên cạnh đó, chiến lược tổng thể cấp tòa soạn là rất cần thiết đối với các cơ quan báo chí trong việc áp dụng AI. Các tòa soạn cần có chiến lược ứng dụng tổng thể, chiến lược đầu tư công nghệ, và chính sách nội bộ rõ ràng.
Nhấn mạnh việc quản lý rủi ro và đạo đức trong việc sử dụng AI là điều rất cần thiết, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam ban hành bộ quy tắc sử dụng AI có trách nhiệm chung cho toàn ngành.
Cảnh báo việc cá nhân các nhà báo sẽ dễ dàng rơi vào các “bẫy AI” khi sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có chi phí thấp, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh hệ quả của việc thiếu sự nhất quán trong chính sách dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo, quy trình chưa tổng hòa, cần phải tham khảo thêm từ báo chí nước ngoài.
Ở góc độ bảo vệ bản quyền, phân tích nguy cơ thông tin sai lệch (disinformation) do AI tạo ra, ông Đinh Toàn Thắng, Chủ tịch Công ty DIBIZ chuyên về an ninh mạng và chống thông tin sai lệch cho rằng cần thiết phải thiết lập “hệ miễn dịch truyền thông” cho các tòa soạn.
"Khái niệm "Disinformation" cần phải được hiểu rõ. Đó là thông tin sai lệch được lan truyền có chủ đích để lừa dối và gây hại, chứ không chỉ là những thông tin sai lệch thông thường", Chủ tịch Công ty DIBIZ nhận định.
Theo ông Đinh Toàn Thắng, báo chí và các cơ quan liên quan cần phải sử dụng chính AI và các công cụ kiểm chứng thông tin như Google Fact-Check; đồng thời mở rộng quy trình kiểm chứng sang cả ảnh, âm thanh và video, để chống lại vấn nạn "Disinformation".
Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Đào Quang Bính, Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí VnEconomy cho hay, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT, VnEconomy tự phát triển các mô hình AI độc quyền, do vậy, toàn bộ dữ liệu dùng để đào tạo AI của VnEconomy là dữ liệu nội bộ của tòa soạn, và các nội dung do AI tạo ra chỉ được dựa trên dữ liệu đã có hoặc tài liệu mới cung cấp, không dựa vào bất kỳ nội dung nào từ AI tạo sinh bên ngoài.
"Điều này giúp VnEconomy giải quyết được nỗi lo về tin giả và đảm bảo nội dung luôn tuân thủ đúng giọng điệu, quan điểm của tòa soạn", ông Đào Quang Bính phát biểu.