Chứng khoán

Nhà đầu tư ngoại bán ròng phiên đầu năm 2024, VN-Index tăng nhẹ

Mai Hương 02/01/2024 - 17:46

Khối ngoại đã không duy trì được quán tính giải ngân của 3 phiên cuối cùng năm 2023. Họ quay trở lại bán ròng hơn 350 tỷ đồng, gây cản trở phần nào tới nhịp tăng điểm phiên đầu năm 2024.

screenshot-2024-01-02-161246.png

Định vị thị trường

Chỉ một số thị trường chứng khoán châu Á đã quay lại trở lại trong ngày 2/1 là Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan còn Nhật Bản, Đài Loan vẫn trong kỳ nghỉ lễ đầu năm. Biến động của các chỉ số cũng là chưa có sự rõ ràng. Các chỉ số CSI 300 (-1,3%), Hang Seng (-1,55%) đã giảm hơn 1% còn KOSPI (+0,55%) vẫn duy trì được đà tăng cuối năm ngoái.

Chỉ số VN-Index đã chào năm 2024 với một phiên tăng điểm nhẹ nhưng mức tăng của chỉ số chỉ đạt 0,16%.

Chất xúc tác

Đặc điểm của chuỗi phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ cuối năm 2023 là thanh khoản không thực sự gây sự ấn tượng. Đã có tới 12 phiên liên tiếp, khớp lệnh của HOSE ở dưới mức bình quân 20 phiên.

Vì vậy, việc khớp lệnh ngay trong phiên đầu tiên của năm 2024 vượt qua mức bình quân 20 phiên là khá đáng chú ý. Theo thống kê, khớp lệnh trên HOSE đạt 777 triệu đơn vị, tăng gần 49% so với phiên trước đó.

Tỷ trọng của nhà đầu tư nội chiếm tới 94,4%, trong khi nhà đầu tư ngoại đóng góp 5,6% giao dịch 2 chiều. Dù vậy, sau 3 phiên cuối cùng của năm 2023 mua vào, họ lại chuyển sang bán ròng trên cả 3 sàn. Cụ thể, khối ngoại đã quay về bán ròng 354,09 tỷ đồng trên HOSE và 29,25 tỷ đồng trên HNX, 43,4 tỷ đồng đồng trên UPCoM.

Điều này cho thấy, các giao dịch của nhà đầu tư ngoại trong các phiên cuối năm 2023 có thể mang tính chất "chốt NAV" thay vì một sự thay đổi về thói quen.

Vận động thị trường

Một thông tin khá đáng chú ý cho nhà đầu tư quan tâm tới nhóm Ngân hàng và vĩ mô là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%.

Tác động đã được ghi nhận ở các mã Ngân hàng với một loạt mã tăng giá như: VCB (+4%), ACB (+2,3%), LPB (+1,9%), SHB (+1,4%), MBB (+1,1%), OCB (+1,1%), VIB (+1%) đều tăng trên 1%.

VCB và ACB là 2 mã đáng chú ý nhất khi VCB tăng giá để "trả điểm" cho diễn biến giảm bất thường ngày thứ Sáu tuần trước còn ACB lại chốt giá đóng cửa ngay sát mức giá kỷ lục.

Dù vậy, vẫn còn rất sớm để kỳ vọng một sóng tăng mạnh mẽ của Ngân hàng khi top 5 cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất của HOSE đều không có sự tham gia của Ngân hàng. Đó là các mã GEX, VIX, VND, HPG, SSI trong đó GEX (-6,14%) và VIX (-4,09%) lại giảm giá mạnh.

Một số mã như HSG (-2,85%), NKG (-3,5%), BCG (-5,56%), SZC (-3,6%), DIG (-2,8%) lại giảm giá vượt xa mặt bằng chung, ít nhiều gây ra những sự hoài nghi.

Sắc đỏ chiếm 52% số mã của cả HOSE trái ngược với diễn biến tăng điểm VN-Index cho thấy thị trường đang có trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng". Các cơ hội cá biệt dù xuất hiện như BMP (+4,5%), HNG (+6,81%), ST8 (+6,8%), NTL (+6,96%), ABS (+6,91%) lại quá mỏng với nhà đầu tư trên toàn thị trường.

Vì vậy, dù vẫn đang ở trên MA200, trạng thái của VN-Index vẫn chưa thể loại bỏ được khả năng quay đầu giảm. Chốt phiên, VN-Index tăng 1,79 điểm lên 1.131,72 điểm (+0,16%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 17.111 tỷ đồng.

Trên HNX và UPCoM, bức tranh giao dịch cũng thể hiện sự nhợt nhạt với trạng thái trái chiều. HNX-Index giảm 0,45% còn UPCoM-Index tăng 0,62%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư ngoại bán ròng phiên đầu năm 2024, VN-Index tăng nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO