Nhận biết các hình thức lừa đảo trên không gian mạng

N.L| 13/10/2020 16:02
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thiếu ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có dấu hiệu gia tăng mạnh.

Báo cáo tham luận được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) trực thuộc Bộ Công an Việt Nam gửi tới Hội nghị thường niên Hội thẻ năm 2020 tổ chức cuối tuần qua cho biết, thời gian qua đã nổi lên một số thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, có thể kể đến như: Phishing tài khoản ngân hàng để thu thập, sử dụng trái phép thông tin, chiếm đoạt tài sản; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án…

Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đáng chú ý

Thứ nhất, phishing tài khoản ngân hàng để thu thập, sử dụng trái phép thông tin, chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng lập các website giả mạo ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền quốc tế tại các trang như weebly.com có giao diện tương tự website thật. Trên giao diện, có các mục nhập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... Bộ Công an cho biết, qua nắm tình hình tại các ngân hàng từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra hơn 1.600 trường hợp khách hàng bị lừa đảo chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng, thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Các đối tượng thường đóng giả là phụ nữ hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu mua hàng hóa, quà tặng cho người thân ở Việt Nam để liên hệ với người bán hàng online trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Sau khi liên hệ thỏa thuận giá cả, đối tượng đề nghị cung cấp tài khoản ngân hàng để gửi tiền. Sau đó, đối tượng gửi link dẫn đến website giả mạo cho người bị hại, đề nghị truy cập vào link để nhận tiền quy đổi từ USD sang VND.

Nếu người bị hại mất cảnh giác, nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng vào website giả mạo, các đối tượng sẽ sử dụng trái phép các thông tin này để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người bị hại.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng chính số điện thoại của người bị hại để đăng ký dịch vụ ví điện tử. Sau đó liên kết thông tin ví điện tử và thông tin thẻ ngân hàng để âm thầm nạp tiền vào ví, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thẻ mà khách hàng không biết.

Thứ hai, làm quen, đặt vấn đề yêu đương, tặng quà để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng thường là người châu Phi, cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng lập các tài khoản Facebook “ảo”, có ảnh đại diện là người da trắng (châu Âu, châu Mỹ) để kết bạn, làm quen với các phụ nữ người Việt Nam.

Trong quá trình trao đổi, liên hệ, đối tượng thường đóng vai là quân nhân Mỹ, độc thân hoặc đã ly hôn đang có nhu cầu tìm bạn đời. Sau một thời gian, đối tượng ngỏ lời yêu đương, sẽ đến Việt Nam để kết hôn với người bị hại.

Trước khi đến Việt Nam, đối tượng thông báo gửi bưu phẩm có nhiều trang sức quý giá và tiền mặt số lượng lớn cho người bị hại qua dịch vụ chuyển phát nhanh, kèm theo mã vận đơn và link truy cập đến website giả mạo dịch vụ vận chuyển quốc tế do các đối tượng lập ra. Người bị hại kiểm tra vận đơn, tin tưởng là có bưu phẩm gửi cho mình.

Sau một vài ngày, người bị hại nhận được thông báo bưu phẩm bị giữ lại do phát hiện hàng trăm ngàn hoặc triệu USD tiền mặt trong bưu phẩm không khai báo hải quan, nếu muốn nhận bưu phẩm phải nộp thuế, phí hải quan, gửi tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định.

Người bị hại liên hệ với đối tượng là “chồng sắp cưới” để hỏi thông tin thì được yêu cầu làm theo hướng dẫn của nhân viên hải quan. Sau khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản, ngay lập tức, các đối tượng chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác nhau và rút tại nước ngoài (Campuchia, Thái Lan,...) bằng thẻ ghi nợ quốc tế.

Bộ Công an cho biết, tháng 6/2020 vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá đường dây lừa đảo bằng thủ đoạn nêu trên, chiếm đoạt khoảng 120 tỷ đồng, bắt giữ 11 đối tượng (7 đối tượng Nigeria, 4 người Việt Nam).                                                                                                                                                                                    

Thứ ba, giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án sử dụng dịch vụ VoIP để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc) cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam sử dụng công nghệ VoIP (dịch vụ thoại qua mạng internet) giả danh nhà mạng viễn thông, các cơ quan tư pháp: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục xảy ra gây thiệt hại lớn về tài sản , gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bị hại chủ yếu là người già, ít cập nhật thông tin.

Thống kê từ Bộ Công an cho biết, trong tháng 1/2020, cơ quan công an phát hiện, bắt giữ nhóm 10 đối tượng (2 Malaysia, 8 Việt Nam) có hành vi nêu trên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng.

Tiếp đến vào tháng 4/2020, cơ quan công an phát hiện, bắt giữ nhóm 11 đối tượng có hành vi lừa đảo nêu trên, chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng…

Chủ động phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Trong bối cảnh, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có dấu hiệu gia tăng mạnh trong mùa dịch COVID-19, Bộ Công an đề nghị khi các ngân hàng thương mại tiếp nhận thông tin khách hàng khiếu nại hoặc báo cáo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm sử dụng công nghệ cao thì thông báo ngay cho A05 qua đường dây nóng hoặc Email: Phong4A05@hitechcrime.vn để kịp thời xử lý, các vụ việc có dấu hiệu như sau: Skimming ATM để đánh cắp thông tin; thanh toán khống, giao dịch “hủy đảo” qua POS/EDC; sử dụng trái phép thông tin thẻ để mua hàng hóa, dịch vụ; khiếu nại mất tiền do bị lừa đảo bằng các thủ đoạn nêu trên; hệ thống thông tin bị tấn công, chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra chứng minh nhân dân khi mở tài khoản, kịp thời phát hiện các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn như rút tiền để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Khi phát hiện người già có biểu hiện nghi vấn bị khống chế rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm để chuyển tiền với số lượng lớn, cần hướng dẫn, tuyên truyền về thủ đoạn nêu trên.

Bộ Công an cũng đề nghị các ngân hàng thương mại, thiết lập danh sách các tài khoản thanh toán có khiếu nại liên quan đến lừa đảo để kịp thời báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với tài khoản thẻ không phải chủ thẻ sử dụng có báo cáo lừa đảo, phải chủ động ngừng giao dịch  liên hệ chủ tài khoản, đồng thời thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là chủ động kiểm tra, rà soát, phát hiện các đơn vị chấp nhận thẻ có dấu hiệu hoạt động thanh toán khống để xử lý theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận biết các hình thức lừa đảo trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO