Ngày 16/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tạp chí The Asia Banker (TAB) tổ chức Hội nghị “Dịch vụ Tài chính Bán lẻ xuất sắc năm 2023”.
Số hóa làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính, giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế.
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại trên nền tảng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số.
Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng cá nhân các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng. Đây được coi là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiếu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối đa.
Cuối năm 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị; tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022....
“Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Kỷ nguyên mới về trải nghiệm khách hàng thông qua các mô hình vận hành dựa trên công nghệ số
Tại hội nghị, các diễn giả đều chia sẻ, ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục ưu tiên hành trình khách hàng số liền mạch để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh và liên tục thay đổi.
Trong quá trình đó, các ngân hàng cũng nhận ra rằng, cần có các giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách hàng về sự tiện lợi, bảo mật, thoải mái và tương tác. Để xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở giúp tăng hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời, các ngân hàng và tổ chức tài chính khác cũng nhận ra rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ để hướng đến mục tiêu chung là nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Theo đó, những công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), tự động hoá quy trình sử dụng robot (RPA), sẽ là nền tảng xây dựng đề xuất sản phẩm dịch vụ được tăng cường cá nhân hoá.
Chia sẻ dựa trên những kinh nghiệm phát triển ngân hàng bán lẻ, ông Emmanuel Daniel, Nhà sáng lập TAB Global cho biết, sự thay đổi của công nghệ đang diễn ra hằng ngày, do đó, trong cuộc cạnh tranh thu hút người dùng đòi hỏi mỗi doanh nghiệp trong đó có ngân hàng phải bắt kịp các công nghệ.
Theo ông Emmanuel Daniel, ở bất cứ ngành nghề nào trên thế giới, con người vẫn là yếu tố chủ đạo, do đó, khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng.
"Có thể nói, khách hàng chính là yếu tố định hình tương lai của dịch vụ tài chính. Mỗi nhà băng hiện vừa phải đảm bảo tuân thủ pháp luật vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời cần áp dụng nhiều yếu tố sáng tạo, trong hoạt động của mình", ông Emmanuel Daniel nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về một ngân hàng ở Mỹ có hoạt động huy động vốn rất tốt nhưng lại không phát triển tốt trong việc cho vay, đầu tư đã dẫn tới phá sản. Từ kinh nghiệm đó, ông Emmanuel Daniel cho rằng, trong thời gian tới, việc huy động tốt sẽ không phải là ưu thế; mà ngân hàng nào có tệp khách hàng ổn định, cho vay và đầu tư tốt sẽ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải thay đổi để cạnh tranh với sự phát triển không ngừng của xu hướng ví điện tử.
Đồng quan điểm, ông Daniel Cheong, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng CIMB (Malaysia) cũng cho rằng, giao tiếp với người dùng vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp các ngân hàng thành công với sản phẩm số của mình.
Ông Daniel Cheong cũng cho biết, xu hướng của các ngân hàng trên thế giới hiện nay là đáp ứng được nhu cầu tức thời của khách hàng. Do đó, các ngân hàng cần thu thập, tích hợp dữ diệu và dự đoán hành vi của khách hàng thông qua công nghệ, từ đó phục vụ khách hàng tốt hơn.
Từ thực tế tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, việc thu thập dữ liệu khách hàng, tích hợp Big Data không phải là quá trình dễ dàng. Qua thực tế triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề về hạ tầng pháp lý. Vì vậy, ngân hàng cũng cần được hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, đồng thời có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về dữ liệu của khách hàng.
Trong khi đó, ông Darren Buckley, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank chia sẻ, Techcombank định hướng rõ ràng và đề cao kết hợp với các công ty Fintech để khai thác dữ liệu khách hàng một cách tối ưu nhất. Ngân hàng và Fintech sở hữu những thế mạnh riêng biệt và bổ sung cho nhau, việc hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại những sản phẩm dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho khách hàng.
Các tổ chức tài chính đang tận dụng các cơ hội để cộng tác với Fintech và nhà cung cấp bên thứ ba nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng với chi phí thấp hơn, cũng như giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới được thiết kế xoay quanh sự tiện lợi và cá nhân hóa. Những đổi mới và phát triển này chứng minh rằng tài chính bán lẻ sẽ đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong tương lai.
Xây dựng và thúc đẩy tương lai của lĩnh vực thanh toán
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số siêu kết nối và sự thâm nhập của điện thoại thông minh đã thúc đẩy mảng thanh toán số với sự ra mắt của Open API tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở (Open Banking). Các diễn giả tham gia hội nghị đều có chung nhận định, với người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, xu hướng áp dụng công nghệ số đang ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ông Kanishk Upadhyay, Phó Chủ tịch điều hành Techcombank đánh giá, tăng cường dịch vụ tài chính bao trùm đang là xu hướng tại Việt Nam. Đối với Techcombank, đây không phải là một thách thức lớn bởi với từng đối tượng khách hàng, ngân hàng đều có những chiến lược và sản phẩm dịch vụ khác nhau để phù hợp và đáp ứng nhu cầu. Ngoài Mobile Banking hay Internet Banking, Techcombank cũng đang phát triển nhiều nền tảng hạ tầng công nghệ số khác để mở rộng, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Tốc độ, tính minh bạch, khả năng dự đoán và chi phí giao dịch thấp là những động lực mới đẩy mạnh thanh toán số. Các giải pháp ngân hàng dưới dạng dịch vụ và tài chính tích hợp mang đến cho các tổ chức truyền thống cơ hội khai thác các nguồn doanh thu khác, đồng thời mang lại trải nghiệm liền mạch hơn cho khách hàng.
Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc điều hành TrueMoney khẳng định, xu hướng thanh toán số hay TTKDTM sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Với việc thị trường ví điện tử đang cạnh tranh cực kỳ khốc liệt hiện nay, TrueMoney xác định trải nghiệm của khách hàng chính là yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt.
Chuyển đổi dựa trên nền tảng đám mây
Chia sẻ trong chuyên đề thảo luận "Chuyển đổi dựa trên nền tảng đám mây", các diễn giả cho biết, xu hướng phát triển đột phá của AI và công nghệ đám mây sẽ không sớm kết thúc. Cả những tổ chức hiện hữu lẫn những tổ chức mới nổi đều đang tận dụng các công nghệ trong chuyển đổi số.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính khác cũng nhận ra giá trị của dữ liệu khi sử dụng dữ liệu để ra quyết định và thu hút khách hàng. Ứng dụng AI và công nghệ đám mây cũng như quản lý dữ liệu sẽ được phản ánh rõ ràng thông qua sự đổi mới về sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối.
Tác giả trích dẫn
Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ
Trong chuyên đề "Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ", các diễn giả đánh giá, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) góp phần thúc đẩy nền kinh tế và việc làm của một quốc gia. Những doanh nghiệp truyền thống trong ngành đã thể hiện khả năng phục hồi và nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động, bất chấp tác động của đại dịch đối với năng suất, bao phủ mạng lưới và nguồn vốn. Những doanh nghiệp hiện hữu và doanh nghiệp mới đều chịu tác động của xu hướng áp dụng công nghệ số đang diễn ra nhanh chóng của khách hàng và doanh nghiệp. Sự phát triển trong tương lai của MSMEs sẽ phụ thuộc vào các quy trình được cá nhân hóa và đơn giản hoá.
Ông Fred Lim, Giám đốc kênh Ngân hàng Bán lẻ của UOB Việt Nam (UOBV) cho biết, quy mô thị trường doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam lên tới 200 triệu USD. Đây là thị trường rất tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác. Dù nhu cầu vay vốn lớn nhưng các MSMEs khó tiếp cận được dòng vốn của ngân hàng do chưa đáp ứng đủ các điều kiện.
Trong khi đó, có tới 70% MSMEs tại Việt Nam chưa số hoá các hoạt động kinh doanh, điều này chính là bước cản khiến hoạt động kinh doanh chưa được tối ưu hóa, làm giảm khả năng tiếp cận tài chính. Vì vậy, việc số hóa MSMEs là cần thiết và quan trong trong tiến trình giúp cải thiện khả năng vay vốn của các doanh nghiệp này.
Tác giả trích dẫn
Thúc đẩy đổi mới toàn diện trong ngân hàng trung ương
Xây dựng và cung cấp các giải pháp công nghệ cho khu vực công và ngân hàng trung ương đang là mối quan tâm của nhiều chính phủ trên thế giới, đặc biệt tập trung vào chuỗi khối, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và công cụ thanh toán thanh toán.
Ông Daniel Eidan, Cố vấn và kiến trúc sư giải pháp, Trung tâm Đổi mới, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, quá trình chuyển đổi công nghệ tại các ngân hàng trung ương là một quá trình gian nan, bởi quá trình này phải thực hiện làm sao để đảm sự cân bằng giữa ổn định tài chính và ổn định tiền tệ.
BIS trong vai trò thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong ngành Ngân hàng đã nhận thấy tầm quan trọng của đổi mới toàn diện trong quá trình vận hành bộ máy các ngân hàng trung ương, đảm bảo hệ thống tài chính tiếp tục phục vụ nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội một cách thông suốt.
Tác giả trích dẫn