Tháng 6/2012, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Sau đó, 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Xây dựng nền móng vững chắc của một quốc gia hạnh phúc
Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã đem lại cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam. Trong bài nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng (5/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu phấn đấu của Đảng là: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”[1], “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ…. Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[2] và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang”[3]. Bởi vậy, trong Di chúc, Người đã căn dặn Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
Ngày 9/9/1969, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Không ngừng phấn đấu vì hạnh phúc của Nhân dân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đặc biệt, tại cột mốc năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người; tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên họp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
Bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa là tiến bộ, khoa học và nhân văn. Cho nên, phấn đấu cho những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cũng chính là phấn đấu cho con người có được cuộc sống ngày càng hạnh phúc. Những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và được hoàn thiện thêm một bước trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Trong đó, hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”[4].
Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng rằng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động, đưa nghị quyết vào cuộc sống, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021) rằng: “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 17.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 47.