(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ý thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững ở các doanh nghiệp Việt Nam đều đã được nâng lên nhiều trong những năm qua. Dẫu vậy, mức tiêu thụ nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm của chúng ta vẫn cao gấp 1,5 - 2 lần so với các nước trong khu vực. Vẫn còn nhiều dư địa để thực hành sản xuất sạch hơn tại Việt Nam.
Những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững” tổ chức tại Hà Nội sáng 17/12/2019. Hội thảo do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundaiton tổ chức.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Theo ông Lê Xuân Đỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, trong xu thế phát triển của thế giới, sản xuất và tiêu dùng bền vững ngày càng được xã hội đặc biệt quan tâm, vì đây chính là hai khâu cốt yếu của tái sản xuất xã hội quyết định tính bền vững của tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững; trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009. Sau 10 năm triển khai tích cực, các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiêp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với những dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Nhận thức về phát triển bền vững tại các các doanh nghiệp cũng đã có nhiều thay đổi. Ví như ở Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco, theo bà Đào Thúy Hà - Giám đốc Marketing - doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng. Mô hình phát triển bền vững của công ty ưu tiên trọng tâm vào 8/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc, Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam cho biết, công ty đã xây dựng được chuỗi liên kết ngao theo hướng ASC - Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản - giữa các cấp chính quyền tỉnh Nam Định, những người nuôi ngao và công ty. Nhờ đó, ACS đã xác nhận cấp quốc tế về một vùng nuôi ngao được nuôi trồng bền vững và có trách nhiệm. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn nhằm phát triển ngành công nghiệp nuôi ngao bền vững ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế cho dù nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi nhưng do hạn chế về vốn và công nghệ nên nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Chưa kể thói quen của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng khá nhiều tới ý thức sản xuất sạch của doanh nghiệp. Theo ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, thì ở các siêu thị đã có các chương trình thay đổi thói quen của người tiêu dùng nhưng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Muốn tăng cường giáo dục truyền thông thay đổi thói quen của người tiêu dùng bắt kịp với xu thế của thế giới, đòi hỏi các chương trình khuyến khích, chính sách khuyến khích lớn của Nhà nước. Ví dụ, hỗ trợ về mặt tài chính, thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình xanh hay tăng cường quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Ông Đặng Hải Dũng, Chánh văn phòng sản xuất sạch hơn và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, chúng ta có 2 luật lớn về bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, có 5 nghị quyết, 2 chỉ thị và 15 quyết định liên quan. Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ra quyết định về chương trình cho giai đoạn 2 “Chiến lược sản xuất sạch hơn”. “Ngoài việc kế thừa các hoạt động giai đoạn 1 chúng tôi làm thế nào để phát triển bền vững vẫn đảm bảo môi trường, vẫn đảm bảo các thị trường trong nước để giữ công ăn việc làm. Bên cạnh đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ đào tạo, công nghệ sản xuất tiên tiến và về cơ chế tài chính” - ông Đặng Hải Dũng nói.
Như ông Lê Xuân Thịnh khẳng định, sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể áp dụng được ở mọi doanh nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế trước tiên cho chính doanh nghiệp. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững là đi đúng chủ trương của nhà nước và phù hợp xu thế của thế giới. Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là bảo vệ cho chính chúng ta và thế hệ mai sau.