Công nghệ

“Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn muốn đầu tư vào ngành chíp, bán dẫn Việt Nam”

Quốc Trọng 04/05/2024 - 15:21

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh VGP
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh VGP

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế phục hồi và có mức tăng trưởng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Dũng, 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao. Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%.

“Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam”, ông Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%).

Đồng thời, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15.300 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13.600 doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

"Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển đã đề ra; làm tốt công tác dự báo; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm tiến độ công việc được giao", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong tháng 5 và quý II, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT đã tham mưu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như chuẩn bị tốt các dự án luật, nghị quyết, báo cáo nội dung tiếp thu, giải trình với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành, trình Chính phủ trong tháng 5 các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 cho phép sớm có hiệu lực trong tháng 7.

Bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn muốn đầu tư vào ngành chíp, bán dẫn Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO