Nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng

Ngô Hải - Bùi Trang| 15/12/2021 19:33
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Tọa đàm “Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng và những kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 15/12, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nêu nhiều vướng mắc bất cập cũng như kiến nghị các giải pháp thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Phạm Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Cường – Hàm Vụ Phó Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ; các Vụ, Cục liên quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng đại diện của các TCTD, các công ty tài chính, công ty Fintech, các tổ chức trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng (CLB Pháp chế Ngân  hàng, CLB Fintech, Chi Hội thẻ)… tham dự trực tiếp cũng như trực tuyến tại gần 400 điểm cầu trên cả nước.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành đã đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ những bất cập do các quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, rõ ràng về giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử; về giao kết hợp đồng điện tử; về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử an toàn, về định danh, xác thực điện tử, dẫn tới hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử...

“Tôi rất mong muốn, tại buổi tọa đàm hôm nay, đại diện các đơn vị sẽ nói lên tiếng nói của mình trong việc triển khai Giao dịch điện tử, từ đó có những kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước ban hành văn bản phù hợp với thực tiễn để việc thực hiện các giao dịch này có hiệu quả, an toàn và đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Báo cáo tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho rằng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Ngân hàng điện tử được quy định tương đối đầy đủ và tổng thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã phát sinh nhiều vướng mắc và cần có giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Thành Long cho biết thông qua tập hợp ý kiến các hội viên, các vướng mắc tập trung vào một số nhóm vấn đề như nhóm vấn đề về định danh, xác thực khách hàng, xác thực giao dịch; nhóm vấn đề về chữ ký điện tử, giao dịch điện tử, dữ liệu điện tử; nhóm vấn đề về hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng điện tử; nhóm vấn đề về trích lập và xử lý dự phòng rủi ro hoạt động CNTT, ngân hàng điện tử...

Luật Giao dịch điện tử năm 2006 đến nay đã lạc hậu so với thực tiễn dẫn đến nhiều vướng mắc trong việc áp dụng phương thức điện tử, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Một số văn bản pháp luật đã trao quyền cho các TCTD được quyết định phương thức thực hiện trên cơ sở tự quyết tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, một số nghiệp vụ có văn bản hướng dẫn có quy định cụ thể về việc áp dụng phương thức điện tử, một số nghiệp vụ khác chưa có quy định về việc áp dụng phương thức điện tử. Do đó, các TCTD không dám áp dụng vì lo ngại rủi ro pháp lý xảy ra sau này. Chẳng hạn, hiện đã có quy định về việc áp dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC) trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán song đối với các nghiệp vụ khác chưa có. Theo quy định hiện tại giao dịch ngân hàng trên internet phải xác thực khách hàng (hai yếu tố) và xác thực giao dịch; trường hợp khách hàng không có chữ ký số thì phải có chữ ký điện tử.

Khung pháp lý hiện tại đã quy định 10 hình thức xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến trên Internet Banking và Mobile Banking với căn cứ 4 cấp độ và chỉ quy định áp dụng đối với giao dịch chuyển tiền, thanh toán. Trong khi đó, các giao dịch trên kênh điện tử còn nhiều loại khác như: Gửi tiền gửi có kỳ hạn, cho vay, ngoại hối, các giao dịch tài chính và phi tài chính khác…

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, để tháo gỡ cho các TCTD, đề nghị mọi nghiệp vụ ngân hàng đều cho phép áp dụng phương thức điện tử. Nếu nghiệp vụ có đặc thù thì có thể quy định thêm để việc triển khai thực hiện phương thức điện tử thuận lợi cho TCTD. 

Tại Tọa đàm, đại diện BIDV đóng góp ý kiến về thực trạng và nhu cầu sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng. Đại diện BIDV nhấn mạnh trong bối cảnh cách mạnh công nghệ 4.0, dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, khách hàng ngày càng có nhu cầu áp dụng phương thức điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ việc ký hợp đồng điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, tham gia đấu thầu qua mạng, các tài liệu văn kiện trao đổi cũng thực hiện trên môi trường số. Khách hàng cũng có nhu cầu vay vốn ngân hàng qua mạng để thực hiện nhanh gọn, an toàn.

“Áp dụng phương thức điện tử trong cấp tín dụng là cần thiết, tất yếu nhưng khung pháp lý hiện này còn thiếu, yếu ngoại trừ quy định ứng dụng điện tử trong bao thanh toán” – đại diện BIDV cho biết.

Đại diện BIDV cho rằng với tình hình hiện nay, chưa có cơ sở để các TCTD áp dụng phương thức điện tử trong việc cấp tín dụng. Các TCTD sẽ lúng túng nếu triển khai bởi lo ngại vấn đề rủi ro pháp lý. Chưa kể, nếu có tranh chấp thì việc thu thập tài liệu chứng cứ để giải quyết ở Tòa án rất yếu. “Đề nghị NHNN xem xét sửa đổi các quy định liên quan để các TCTD có thể cấp tín dụng qua phương thức điện tử” – đại diện BIDV kiến nghị.

Đại diện Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực cho rằng chưa có quy định về việc thẩm định khách hàng bằng phương thức điện tử. Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng có số lượng khách hàng lớn, tiền vay nhỏ, quy trình thẩm định và giải ngân cần nhanh gọn. Do đó, đại diện Công ty Tài chính Điện lực đề nghị cần sớm ban hành khung pháp lý cho việc áp dụng phương thức điện tử để thẩm định khách hàng.

Đại diện Citibank, đại diện cho Nhóm công tác nước ngoài chia sẻ các giải pháp ngân hàng phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, trong đó nhấn mạnh các thách thức về chứng từ thanh toán khi số lượng giao dịch lớn, giá trị thấp; tài khoản không cư trú sử dụng bởi các pháp nhân nước ngoài; thiếu khuôn khổ pháp lý; trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian; các yếu tố đảm bảo tương tác kỹ thuật số như chữ ký điện tử, thỏa thuận điện tử, chứng từ hỗ trợ điện tử. Đại diện Citibank đề nghị hoàn thiện khung pháp lý hiện hành theo hướng quản lý toàn diện các hoạt động thương mại điện tử có sự tham gia của các bên nước ngoài đặc biệt là hoạt động thanh toán trung gian thu hộ, chi hộ.

Tại Tọa đàm, đại diện các ngân hàng MSB, Sacombank, Techcombank, Vietcombank, Agribank… đều có ý kiến thảo luận về thực trạng khuôn khổ pháp lý, những vướng mắc trong triển khai và kiến nghị giải pháp. Đại diện MSB cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số, cần nhanh chóng áp dụng chữ ký số và giao dịch điện tử. Khi hành lang pháp lý có nguyên tắc cơ bản thì đề nghị cho các TCTD được áp dụng các phương thức điện tử trên cơ sở có biện pháp xử lý rủi ro, phân loại giao dịch để áp dụng mã xác thực ở nhiều cấp độ đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Đại diện Techcombank cho hay do quy định không rõ ràng nên các TCTD gặp nhiều vướng mắc, chẳng hạn vấn đề lưu trữ chữ ký bằng phương thức điện tử thì đó là chữ ký số hay chữ ký điện tử. Vấn đề này gốc nằm ở Luật Giao dịch điện tử, đề nghị quy định rõ để các TCTD thực hiện.

Sớm sửa Luật Giao dịch điện tử

Đại diện Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Pháp chế NHNN ghi nhận ý kiến của các TCTD và cho biết sẽ tập hợp để báo cáo Ban lãnh đạo NHNN. Một số vấn đề như chữ ký điện tử, giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực điện tử… nằm ở Luật Giao dịch điện tử và Luật này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. NHNN sẽ chuyển các phản ánh, kiến nghị của TCTD tới cơ quan có thẩm quyền. Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của NHNN, đại diện các Vụ chức năng cho biết sẽ xem xét trong quá trình xây dựng chính sách. Đề nghị các TCTD lưu ý đóng góp kịp thời khi NHNN lấy ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật để chỉnh sửa, hạn chế bớt khó khăn vướng mắc bất cập khi đi vào thực thi.

Bà Phạm Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ nhận thấy sự cấp bách phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử hiện hành và đã thông qua 9 đề nghị chính sách mới của Luật này. Dự kiến, Dự Luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2022. Đại diện Văn phòng Chính phủ ghi nhận các kiến nghị từ các TCTD là rất xác đáng, nên quan tâm xem xét.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ  nhìn nhận, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, dịch bệnh còn phức tạp, nhu cầu áp dụng phương thức điện tử là rất lớn. Do đó, cần phải có sự đồng bộ của toàn xã hội, đồng bộ dữ liệu từ thuế, công chứng… thúc đẩy áp dụng phương thức điện tử trong lĩnh vực ngân hàng.

Kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đối với các vấn đề chưa có quy định cụ thể nhưng Luật và Nghị định cho phép thì việc các TCTD triển khai cũng là phù hợp. Đối với những quy định vướng mắc ở Luật Giao dịch điện tử, Hiệp hội Ngân hàng sẽ theo sát quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử để kiến nghị kịp thời nhằm đảm bảo Luật ban hành phù hợp với thực tiễn. Với những vấn đề Luật đã cho phép nhưng chưa có quy định cụ thể, đề nghị NHNN nghiên cứu xem xét sửa đổi các quy định còn vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO