Ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng nhiệm kỳ 2021 – 2023

Bùi Trang| 10/12/2021 15:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 10/12, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Nhiệm kỳ 2021 – 2023 để tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018 – 2021 và đề ra phương hướng hoạt động, đồng thời bầu Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ 2021 – 2023; đón nhận Giấy khen của Hiệp hội Ngân hàng cho tập thể Câu lạc bộ và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, bà Nông Thị Lành, Phó Phòng xử lý nợ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế và đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Câu lạc bộ…

Ông Nguyễn Quốc Hùng phát biểu khai mạc hội nghị

Đóng góp tích cực hoàn thiện khung chính sách về hoạt động Ngân hàng

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá nhiệm kỳ vừa qua Câu lạc bộ Pháp chế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định vai trò trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý ngành Ngân hàng nói riêng và pháp luật nói chung. Hoạt động của Câu lạc bộ ngày càng vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, đáp ứng được yêu cầu của các thành viên cũng như tham mưu tích cực cho Hiệp hội các nội dung về quy định pháp luật ngành Ngân hàng. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ rất có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho hoạt động của Hiệp hội.

Ông Nguyễn Thành Long báo cáo tổng kết kết quả hoạt động của Câu lạc bộ

Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2021 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2021-2023, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế cho biết: Câu lạc bộ hiện có 54 hội viên, trong đó 40 hội viên là tổ chức và 14 hội viên cá nhân. Nhiệm kỳ vừa qua, Câu lạc bộ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên tham mưu cho lãnh đạo Hiệp hội góp ý khoảng 50 dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến hoạt động ngân hàng. Rất nhiều kiến nghị thực sự có giá trị và đã được các cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các TCTD hội viên trong quá trình hoạt động. Trong đó, có các quy định về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm; phòng, chống rửa tiền; về định danh và xác thực điện tử; quy định giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông khi thế chấp ngân hàng; xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán trong giao dịch cầm cố với ngân hàng; quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các TCTD...

Câu lạc bộ đã nắm bắt những vướng mắc, bất cập về pháp lý của các TCTD trong quá trình hoạt động, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Hiệp hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ. Đó là các vướng mắc liên quan đến thực hiện pháp luật về đất đai, nhà ở, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chính sách thuế; vướng mắc về thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai, việc công chứng hợp đồng bảo đảm; vướng mắc liên quan đến tố tụng; vướng mắc liên quan từ chối đăng ký của các Văn phòng đăng ký đất đai; vướng mắc trong thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, vướng mắc quét QR code trên căn cước công dân có chip…

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, Câu lạc bộ chủ động nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và có ý kiến phát biểu về các vướng mắc và kiến nghị các giải pháp xử lý, nhằm bảo vệ quyền lợi các TCTD. Các Bộ, ngành đã nắm bắt được vướng mắc của ngành Ngân hàng về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước cũng đã lấy ý kiến các Bộ ngành, trình Chính phủ theo hướng Luật hóa hoặc kéo dài Nghị quyết 42 để tháo gỡ vướng mắc cho các TCTD.

Ông Nguyễn Thành Long cho biết, Câu lạc bộ cũng tiếp tục tham mưu lãnh đạo Hiệp hội báo cáo Ngân hàng Nhà nước về những vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2020/TT-NHNN và Thông tư 14/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19; quy định của Bộ Tài chính về việc thu thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C). Đến nay, Bộ Tài chính về cơ bản đã đồng ý quan điểm không thu thuế đối với nghiệp vụ L/C có liên quan đến cấp tín dụng và không yêu cầu các cơ quan thuế địa phương rà soát, truy thu của các NHTM đối với khoản phí này.

Câu lạc bộ tham mưu cho lãnh đạo Hiệp hội có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về các bản án của Toà tuyên không phù hợp với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ đã cùng với lãnh đạo Hiệp hội làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước như Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp); Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an)… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tiếp tục phản biện cơ chế chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên

Theo ông Nguyễn Thành Long, trong những năm tới, ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống TCTD, gắn với xử lý nợ xấu. Trong nhiệm kỳ mới, Câu lạc bộ tiếp tục chủ động trong việc tham gia góp ý kiến, phản biện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của TCTD; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo góp ý ngay từ đầu vào các dự thảo văn bản lấy ý kiến.

Trong đó, tập trung vào xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD 2010; Luật Đất đai; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật giao dịch điện tử, Luật về xử lý nợ xấu hoặc Nghị quyết về xử lý nợ xấu (nếu được Quốc hội cho phép); Luật về các biện pháp bảo đảm (nếu có); Nghị định thay thế Nghị định 102 về Đăng ký biện pháp bảo đảm.. Các dự thảo Thông tư mà Câu lạc bộ Pháp chế và Hiệp hội Ngân hàng đã góp ý thời gian qua như Thông tư 39, Thông tư 52,… để tiếp tục có ý kiến góp ý theo đề nghị của Ban soạn thảo. Các dự thảo văn bản, góp ý cơ chế chính sách khác theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền và của Hiệp hội Ngân hàng.

Các thành viên Câu lạc bộ tham dự theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu

Nhiệm kỳ tới, Câu lạc bộ tiếp tục nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động của các thành viên trong giao dịch điện tử; trong thực hiện Thông tư 01, 03, 14 của NHNN, các vướng mắc thực hiện cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán, chính sách thuế... liên quan hoạt động ngân hàng; Nắm bắt các vướng mắc của các TCTD trong việc thực hiện quy định báo cáo theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền hiện nay…

Câu lạc bộ sẽ tư vấn, hỗ trợ hội viên giải quyết vướng mắc, bất cập, tranh chấp pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh liên quan đến các quyết định, bản án của các cơ quan có thẩm quyền, không phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động kinh doanh ngân hàng theo đề nghị của các tổ chức hội viên.

Đồng thời, tham mưu cho Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tăng cường đối thoại với các Bộ, ngành để phản ảnh các vướng mắc của hội viên và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả hơn. Phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động các thành viên thực hiện đúng quy định của pháp luật; nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật cho các thành viên, phòng chống rủi ro pháp lý trong hoạt động ngân hàng. Phối hợp, liên kết chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc của Hiệp hội Ngân hàng (CLB Fintech, CLB xử lý nợ, Chi Hội thẻ), các Ủy ban Chính sách, Công nghệ của Hiệp hội Ngân hàng để nắm bắt vướng mắc cụ thể trong từng lĩnh vực để có các giải pháp hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện BIDV, VIB, Sacombank và các tổ chức thành viên nhất trí với báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018 – 2021 và đề ra các phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2021 – 2023.

Tuy nhiên, đại diện BIDV cho biết, do dịch bệnh COVID-19 nên nhiệm kỳ vừa qua Câu lạc chưa làm được việc phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm việc về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Do đó, góp ý vào chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới, đại diện BIDV kiến nghị Câu lạc bộ sớm thực hiện việc này trong đầu năm 2022.

Để tăng tính kết nối giữa các thành viên với Câu lạc bộ, đại diện VIB đề nghị, hoạt động lấy ý kiến các thành viên trong Câu lạc bộ nên theo hình thức vừa qua văn bản, vừa trao đổi trực tiếp. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn hỗ trợ cũng cần mang tính thường trực hơn để khi các thành viên có khó khăn, vướng mắc là nghĩ ngay đến Câu lạc bộ. “Đề nghị Câu lạc bộ nên sinh hoạt thường xuyên, định kỳ…”, đại diện VIB đề nghị.

Đại diện Sacombank cho rằng, để cải thiện hoạt động của Câu lạc bộ, các hội viên cần phải tương tác đầy đủ. Thực tế thời gian qua cho thấy, chưa phải hội viên nào cũng tham gia góp ý đầy đủ khi góp ý dự thảo văn bản, cơ chế chính sách, kiến nghị cơ quan Nhà nước... Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ, đại diện Sacombank đề xuất: “nhiệm kỳ tới, cần thống kê tỷ lệ góp ý của từng hội viên, các thành viên phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến”.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước ghi nhận những đóng góp của Câu lạc bộ Pháp chế trong việc hoàn thiện văn bản pháp luật ngành Ngân hàng nói riêng và pháp luật nói chung thời gian qua. Câu lạc bộ đã bám sát các nghiệp vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước, có nhiều đóng góp trong việc hoạch định chính sách, hoàn thiện khung chính sách, thể chế. Câu lạc bộ cũng tích cực tổ chức triển khai các văn bản pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành và văn bản pháp luật khác, kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để Ngân hàng Nhà nước kịp thời chỉnh sửa, bổ sung.

“Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của Câu lạc bộ cũng như Hiệp hội trong việc tổng hợp ý kiến hội viên góp ý để hoàn thiện chính sách, thể chế” – bà Vũ Ngọc Lan nói.

Hội nghị đã nhất trí thông qua danh sách bầu và kết quả bầu Ban chủ nhiệm nhiệm kỳ mới gồm 11 thành viên trong đó, ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc VPBank tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2021-2023. Đại diện các đơn vị BIDV, Agribank, MBBank, Sacombank, SCB, Techcombank được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, đại diện các đơn vị ACB, Vietcombank, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam là thành viên Ban chấp hành.

Ra mắt ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng nhiệm kỳ mới

Phát biểu sau khi tái đắc cử vị trí Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, ông Nguyễn Thành Long cho biết trong nhiệm kỳ tới, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục cải tiến hơn nữa trong các hoạt động, có sự đổi mới trong công tác góp ý chính sách, góp ý đúng, trúng, xác thực hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các thành viên trong góp ý chính sách, phản ánh khó khăn vướng mắc để có kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ban hành, điều chỉnh chính sách một cách phù hợp. Câu lạc bộ tiếp thu ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội để hoàn thiện hơn nữa hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, trong nhiệm kỳ tới Câu lạc bộ tiếp tục hoạt động tích cực hơn nữa, tham gia nhanh, kịp thời đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật ngành Ngân hàng và các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, tham mưu cho Hiệp hội để có tiếng nói kịp thời với Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách.

“Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ mới Câu lạc bộ sẽ xây dựng chương trình công tác phù hợp, đóng góp vào công tác hoàn thiện khung pháp lý, tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên; tiếp tục có tiếng nói phản biện chính sách đối với các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện đúng vai trò Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng nhiệm kỳ 2021 – 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO