Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, việc mua vàng của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới có thể bắt đầu chững lại. Dù còn phải theo dõi, đánh giá, nhưng việc này sẽ tác động tới giá vàng thế giới.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm (ngày 6/6), giá vàng thế giới leo lên mức cao nhất trong 2 tuần.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường New York tăng 0,8% lên 2.373,99 USD/ounce. Giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai tăng 0,7% lên 2.393 USD/ounce.
Số liệu công bố vào ngày thứ Tư (ngày 5/6) cho thấy, số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ tháng 5/2024 tăng thấp hơn so với kỳ vọng, đồng thời, số liệu của tháng liền trước đó được điều chỉnh giảm đi.
Chuyên gia phân tích về thị trường kim loại tại Kitco Metals, ông Jim Wyckoff, nhận xét: “Số liệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân tháng 4/2024 khiến cho nhiều người dự báo về khả năng báo cáo thị trường việc làm tổng quan của Mỹ dự kiến sắp công bố cũng sẽ không đạt kỳ vọng. Nếu kịch bản đó xảy ra, giá vàng sẽ có điều kiện để tăng”.
Giám đốc bộ phận đầu tư phái sinh tại quỹ High Ridge Futures, ông David Meger, phân tích: “Nếu chúng ta có thể có được báo cáo thị trường việc làm tốt hơn so với kỳ vọng, thị trường sẽ tin rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không vội hạ lãi suất, nhưng nếu kịch bản ngược lại xảy ra, chắc chắn giá vàng sẽ hưởng lợi”.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 5 năm gần đây, tuy nhiên phát đi thông điệp rằng sẽ cần thêm thời gian mới có thể có lần hạ lãi suất tiếp theo. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ và Canada được kỳ vọng cũng sớm hạ lãi suất. Môi trường lãi suất thấp thường sẽ có lợi cho giá vàng.
Kết quả cuộc khảo sát của Reuters với các chuyên gia trong thời gian gần đây cho thấy FED nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong tháng 9/2024 và thêm một lần nữa trong năm nay.
Trong bối cảnh lãi suất đang được điều chỉnh giảm trên toàn cầu, giá vàng được dự báo sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay dù rằng nhu cầu vàng vật chất giảm đi, theo dự báo của công ty tư vấn Metals Focus.
Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, việc mua vàng của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới có thể bắt đầu chững lại. Dù còn phải theo dõi, đánh giá, nhưng việc này sẽ tác động tới giá vàng thế giới.
Dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), báo cáo WGC tính toán dự trữ vàng toàn cầu trong tháng 4 đã tăng thêm 33 tấn, cao hơn số liệu 2 tháng liền trước, nhưng một số bên mua lớn đã thay đổi động thái.
Cụ thể, trong tháng, 8 ngân hàng trung ương đã mua thêm ít nhất 1 tấn vàng, trong đó Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua nhiều nhất (8 tấn). Với 11 tháng mua vàng liên tục, tổng dự trữ vàng Thổ Nhĩ Kỳ hiện ước tính khoảng 578 tấn.
Mua ít hơn là Ngân hàng Trung ương Kazakhstan (6 tấn vàng), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (6 tấn), Ngân hàng Trung ương Ba Lan (5 tấn); Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (4 tấn); Ngân hàng Trung ương Nga (3 tấn); Ngân hàng Trung ương Séc (2 tấn).