(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã tập trung nỗ lực đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (CNY) nhằm tăng cường vị thế của mình trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, nỗ lực này vấp phải nhiều trở ngại bắt nguồn từ yêu cầu nội tại của đồng tiền tự do chuyển đổi và nhiều nguyên nhân khác.
Đầu năm 2004, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội biến Hongkong thành một trung tâm giao dịch CNY khi chỉ định Bank of China Hong Kong thực hiện kinh doanh tiền gửi và kiều hối của người dân, cho phép các nhà đầu tư quốc tế sử dụng CNY trong các giao dịch thương mại, Hongkong và London đã trở thành hai trung tâm giao dịch CNY ở ngoài Trung Quốc đại lục, thực hiện các giao dịch thanh toán cho một loạt tổ chức và doanh nghiệp. Năm 2013, Singapore trở thành trung tâm tiếp theo khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) được chỉ định thanh toán bằng CNY tại quốc đảo này. Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, Thượng Hải sẽ là thành phố thứ tư hỗ trợ quá trình quốc tế hóa CNY và trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020.
TRUNG QUỐC ĐẨY MẠNH QUÁ TRÌNH QUỐC TẾ HÓA CNY
Mục tiêu thành lập các trung tâm giao dịch CNY là khuyến khích sử dụng CNY tại các thị trường trọng điểm. Theo đó, London là cầu nối quan trọng để vào các thị trường châu Âu, Singapore kết nối các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á với các quỹ thanh toán sử dụng CNY, Hongkong đóng vai trò đặc biệt quan trọng để kết nối Trung Quốc với cả thế giới và Thượng Hải sẽ cùng gánh vác trách nhiệm này. Như vậy, bốn thành phố này sẽ là cầu nối quan trọng để Trung Quốc thâm nhập vào thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích các hoạt động giao dịch và sử dụng CNY. Trung Quốc cũng mong muốn, CNY trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi và được sử dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế vào năm 2020.
Bắc Kinh cũng đã cho phép sử dụng CNY trong thanh toán thương mại xuyên biên giới, thiết lập các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương. Từ tháng 2/2013 đến nay, Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương SWAP với hơn 30 ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới. Tính đến tháng 5/2019, tổng giá trị SWAP đạt khoảng 3 nghìn tỷ CNY. Trong đó, Hongkong 400 tỷ CNY, Hàn Quốc 360 tỷ CNY, BoE và ECB cùng 350 tỷ CNY. Tuy nhiên, cho tới nay, chỉ có Cơ quan Quản lý tiền tệ Hongkong và có thể NHTW Argentina sử dụng phương thức này.
Cùng với các nỗ lực cải cách tài chính, Trung Quốc đã đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa CNY thông qua chính sách mở cửa thị trường tài chính trong nước. Năm 2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã nới lỏng các quy định về quản lý ngoại hối, cho phép các tổ chức nước ngoài đầu tư không giới hạn trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng trị giá trên 8.000 tỷ CNY, đồng thời cho phép các nhà đầu tư quốc tế mua bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc thông qua các tổ chức tài chính tại Hongkong.
NHỮNG LỢI ÍCH TIỀM TÀNG TỪ VIỆC QUỐC TẾ HÓA CNY
Bắc Kinh kỳ vọng sẽ đạt được nhiều lợi ích, bao gồm: lợi ích từ việc in tiền trên phạm vi quốc tế, khả năng bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán (nếu có phát sinh) bằng chính CNY và tiếp theo là tăng cường tính linh hoạt của kinh tế vĩ mô; giảm rủi ro của hiện tượng sai lệch tiền tệ (currency mismatch); tăng lợi nhuận cho các tổ chức tài chính trong nước xuất phát từ lợi thế cạnh tranh bắt nguồn từ giao dịch bằng CNY; chuyển rủi ro tỷ giá hối đoái từ các công ty trong nước sang các đối tác nước ngoài; nâng cao sức mua của người tiêu dùng trong nước bằng việc tăng giá trị của CNY. Ngoài ra, việc quốc tế hóa CNY cũng có thể củng cố thêm quyền lực chính trị của Trung Quốc.
Về lợi ích trong nước, Trung Quốc có thể tăng cường tính tự chủ chính sách của quốc gia, đẩy lùi tác động tiêu cực của thị trường bởi việc quốc tế hóa CNY sẽ giúp Bắc Kinh phần nào tránh được gánh nặng của việc điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thanh toán. Việc sử dụng CNY trong các giao dịch kinh tế quốc tế sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào ngoại tệ, qua đó giảm thiểu ảnh hưởng của nước ngoài.
Việc sử dụng CNY trên toàn cầu cũng có khả năng giúp Trung Quốc nâng cao “quyền lực cứng” đối với những nước khác, ép buộc các quốc gia đang phụ thuộc vào CNY trong các hoạt động kinh tế quốc tế phải chấp nhận trao cho Trung Quốc quyền ảnh hưởng hoặc lợi thế chính trị quan trọng. Việc quốc tế hóa CNY cũng có thể tăng cường quyền lực cấu trúc (structural power) - quyền lực được định hình và lan tỏa thông qua cấu trúc hệ thống quốc tế nhờ vị thế ưu việt của quốc gia trong hệ thống đó, góp phần ổn định giá trị CNY. Hơn nữa, việc sử dụng CNY trên toàn cầu cũng giúp Trung Quốc tăng cường “quyền lực mềm” thông qua thuyết phục hoặc sử dụng biện pháp ép buộc, mua chuộc...
TIẾN TRÌNH QUỐC TẾ HÓA CNY ĐANG CHẬM LẠI
Dấu ấn về kết quả mở rộng vai trò của CNY trên thị trường thế giới là sự kiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/9/2016 chính thức cho phép CNY tham gia vào danh mục các đồng tiền dự trữ, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), cùng với các đồng tiền mạnh như USD, euro, yên Nhật, bảng Anh, bắt đầu áp dụng từ ngày 01/10/2016. Sự kiện này cho thấy, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc quốc tế hóa CNY.
Theo trang blog.continetalcurrency.ca, CNY chính thức được phát hành từ ngày 1/12/1948 và neo tỷ giá cố định với USD ở mức 2,46 CNY/USD. Trong những năm 1970, CNY tăng giá lên 1,50 CNY/USD vào năm 1980. Từ năm 1997 đến năm 2005, tỷ giá được ấn định ở mức 8,27 CNY/USD. Năm 2005, Trung Quốc bãi bỏ cơ chế tỷ giá cố định và chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý. Cũng như những đồng tiền mạnh khác, quá trình quốc tế hóa CNY vấp phải nhiều khó khăn bắt nguồn từ yêu cầu nội tại của một đồng tiền tự do chuyển đổi hoàn toàn. Với sự hiện diện trong giỏ tiền tệ quốc tế, CNY mất giá khá sâu khi Trung Quốc mở rộng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Trong năm 2016, CNY giao dịch quanh mức tỷ giá trung bình 6,6423 CNY/USD - mức tỷ giá thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Ngày 31/12/2016, CNY đóng cửa ở mức 6,9451 CNY/USD, hàng loạt quỹ tài sản, cá nhân và công ty đã rút tiền ra khỏi Trung Quốc đại lục, chuyển tài sản qua Hongkong và một số nước khác. Vào thời điểm đó, doanh thu trái phiếu CNY phát hành tại Hongkong đã giảm xuống mức kỷ lục, tiền gửi dưới dạng CNY tại Hongkong giảm một nửa xuống còn khoảng 500 tỷ CNY vào tháng 11/2016.
Trong năm 2016, tỷ trọng sử dụng CNY chiếm khoảng 16% trong các giao dịch thanh toán quốc tế của Trung Quốc, giảm đáng kể so với tỷ trọng 26% trong năm 2015. Tương tự, lượng tiền gửi dưới dạng CNY tại Hongkong - trung tâm giao dịch CNY lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục - giảm 30% so với mức cao nhất 1.000 tỷ CNY hồi năm 2014. Đến cuối năm 2016, các tổ chức và cá nhân nước ngoài nắm giữ khoảng 3.300 tỷ CNY tài sản tài chính của Trung Quốc, giảm gần 30% so với mức cao kỷ lục 4.600 tỷ CNY vào tháng 5/2015.
Để đối phó với tình hình này, từ cuối năm 2016, Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp để hạn chế dòng vốn ra. PBoC đã thắt chặt kiểm soát tỷ giá cố định của CNY, một động thái mang lại sự ổn định cho đồng tiền này. Kết quả là, CNY tăng 6,8% so với USD vào năm 2017, mặc dù động thái kiềm chế dòng vốn ra sẽ cản trở tiến trình quốc tế hóa CNY trên thị trường quốc tế.
Quan điểm ủng hộ bước đi này của PBoC cho rằng, đây là hành động quyết liệt để hạn chế xu hướng mất giá của CNY, bởi nó giúp ngăn chặn hoạt động bán tháo CNY ồ ạt ra thị trường. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, các biện pháp can thiệp ngoại hối quy mô lớn không thể trì hoãn các bước điều chỉnh giảm tỷ giá CNY. Thậm chí, đây là bước lùi của Bắc Kinh trong nỗ lực nâng cao vai trò của CNY trên thị trường quốc tế. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm mạnh từ đỉnh điểm 3.993 tỷ USD vào tháng 6/2014 xuống 3.050 tỷ USD vào tháng 11/2016.
Từ năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nhấn chìm các nỗ lực quốc tế hóa CNY, thị trường chứng khoán Trung Quốc trượt dốc thê thảm. Trong tháng 10/2018, chỉ số chứng khoán Thượng Hải composite có lúc giảm xuống 2.583,45 điểm, xuyên thủng đáy 2.655,66 điểm được thiết lập vào ngày 28/1/2016, thị trường chứng khoán Thâm Quyến và Hongkong giảm sâu so với đầu năm. Trong hai năm 2018-2019, CNY đã mất giá thêm khoảng 12% so với USD từ mức tỷ giá 6,5203 CNY thiết lập vào ngày 1/1/2018 xuống dưới 7 CNY/USD (7,0507 CNY/USD từ ngày 5/8/2019). Trong tháng 12/2019, CNY phục hồi nhẹ lên mức tỷ giá 6,9633 CNY/USD vào ngày 31/12/2019 nhưng tỷ giá trung bình trong tháng 12 này vẫn ở dưới ngưỡng 7 CNY/USD. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ - Donald Trump (bao gồm cải cách thuế và tăng lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ) đã tiếp thêm sức mạnh cho USD so với những đồng tiền khác, đồng thời làm chậm lại. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm từ 3.105 tỷ USD vào tháng 10/2019 xuống 3.093 tỷ USD vào cuối tháng 11/2019. Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đã đưa ra báo cáo cho rằng, sự sụt giảm lớn về dự trữ ngoại hối là do thay đổi tỷ giá hối đoái và giá tài sản toàn cầu, bao gồm giá trị dự trữ vàng 62,64 triệu ounces của Trung Quốc giảm từ 94,65 tỷ USD vào tháng 10/2019 xuống 91,47 tỷ USD trong tháng 11/2019.
Các chuyên gia phân tích Phố Wall đã đưa ra dự báo, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ giảm 2 tỷ USD nếu xuất khẩu tăng 2,4 tỷ USD và nhập khẩu giảm 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2019 đã giảm 2,4 tỷ USD và nhập khẩu tăng gần 1 tỷ USD. Theo Endo Economics, thặng dư thanh toán của Trung Quốc cho xuất khẩu và nhập khẩu đạt đỉnh trong năm 2009 ở mức khoảng 10% GDP, nhưng dự kiến sẽ bị âm vào năm 2020.
TỶ TRỌNG CNY SỬ DỤNG TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở MỨC THẤP
Từ năm 2015, Trung Quốc bắt đầu vận hành hệ thống chi trả liên ngân hàng xuyên biên giới với mục tiêu cơ bản là thay thế SWIFT. Tuy nhiên, hệ thống này không nhận được sự hưởng ứng của thị trường. Một số học giả Trung Quốc thừa nhận, việc thay thế SWIFT là “hoàn toàn bất khả thi”.
Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT) - hệ thống trao đổi thông tin tài chính quốc tế được sử dụng rộng rãi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới. SWIFT đóng vai trò cung cấp dịch vụ toàn cầu trung lập, nhưng do sức mạnh rất lớn của Mỹ, Hiệp hội này đã tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Dữ liệu đáng tin cậy nhất do SWIFT về thanh toán quốc tế cho thấy, tỷ trọng CNY giảm từ 1,6% vào tháng 12/2015 xuống 0,98% vào tháng 12/2017, thấp xa tỷ trọng USD 41%, EUR 39%, bảng Anh 4%, yên Nhật 3,5%. Hiện nay, CNY đứng thứ 8 trong giỏ dự trữ ngoại tệ quốc tế. Trên thị trường ngoại hối, tỷ trọng CNY sử dụng trong thanh toán quốc tế cũng rất thấp. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), đến cuối năm 2016, USD chiếm 88%, EUR 31%, yên Nhật 22%, bảng Anh 13%, CNY 4%, đô la Úc 7%, đô la Canada 5%, Franc Thụy sĩ 5%. Theo kết quả điều tra định kỳ ba năm một lần do BIS công bố vào ngày 16/9/2019, tỷ trọng CNY trong giao dịch ngoại hối toàn cầu đến tháng 4/2019 chỉ tăng nhẹ so với 3 năm trước đó, mặc dù tỷ trọng các đồng tiền mới nổi trong doanh thu ngoại hối quốc tế tăng 4% lên 25%. Cụ thể là, USD tiếp tục chiếm vị thế áp đảo với tỷ trọng 88%, tiếp đến là EUR với tỷ trọng 32%, yên Nhật 17%, bảng Anh 13%, đô la Úc 7%, đô la Canada 5%, Franc Thụy sĩ 5%, đồng CNY 4,3%, tiếp tục đứng ở vị trí thứ tám trong nhóm các đồng tiền mạnh trên thế giới như 3 năm trước.
Dữ liệu của BIS cũng cho thấy, mặc dù Trung Quốc triển khai thêm nhiều loại hình giao dịch ngoại hối, nhưng tốc độ gia tăng giá trị giao dịch CNY vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân trên thị trường, cho nên CNY không thể cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng. Đa số quốc gia trên thế giới vẫn lựa chọn USD làm đồng tiền thanh toán, nên CNY rất khó để có thể thay thế đồng USD trong lĩnh vực thương mại và tài chính quốc tế.
TIẾP TỤC NỚI LỎNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Theo kết quả nghiên cứu thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF) và công bố hồi tháng 10/2019, khoảng 74 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 - mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, dòng vốn bốc hơi khỏi Trung Quốc qua các kênh không chính thức trong thời gian này ước tính đã tăng kỷ lục lên 131 tỷ USD. Dòng vốn luân chuyển qua kênh này có thể diễn ra theo hướng, tuyên bố đầu tư ở nước ngoài song - một khoản đầu tư không có thật, hay huy động người thân, bạn bè rút ngoại tệ khỏi ngân hàng.
Hiện nay, Bắc Kinh đang tập trung nỗ lực để tránh lặp lại kịch bản xảy ra với thị trường tài chính trong nước cách đây 4 năm khi dự trữ tiền tệ của Trung Quốc bốc hơi gần 250 tỷ USD. Trong thông báo đưa ra vào ngày 15/12/2019, SAFE cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm tới là ngăn chặn các rủi ro tài chính lớn, tránh dòng vốn “bất thường” chảy ra nước ngoài và ngăn chặn các hoạt động giao dịch bất hợp pháp.
Đầu tháng 11/2019, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về mở cửa thị trường tài chính nhằm thu hút các nhà đầu tư và công ty nước ngoài, qua đó có thể thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài dành cho thị trường Trung Quốc cũng như của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước.
Tháng 11/2019, SAFE đã phạt công ty thanh toán trực tuyến Chinabank Payments 4,2 triệu USD do hành vi chuyển tiền ra nước ngoài. SAFE không nêu rõ số tiền mà Chinabank Payments đã chuyển ra nước ngoài, song nó được cho là lên tới hàng chục triệu CNY bởi Trung Quốc tính mức phạt dựa trên số tiền giao dịch vi phạm quy định. Đầu tháng này, một khách hàng của Bank of China đã rút 50.000 USD khỏi tài khoản ngân hàng chỉ trong vòng 1 tuần. SAFE đã phạt ngân hàng này gần 6.000 USD vì vi phạm quy định về hạn mức rút ngoại tệ trong thời gian ngắn.
CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI VỚI MỸ CÀNG KHIẾN TIẾN TRÌNH QUỐC TẾ HÓA CNY TRỞ NÊN KHÓ KHĂN HƠN
Sở dĩ dòng vốn bốc hơi khỏi Trung Quốc có chiều hướng gia tăng là do những lo ngại về tình hình kinh tế trong nước trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm mạnh và tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Để đối phó tác động từ việc Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc, PBoC đã nhiều lần điều chỉnh giảm tỷ giá CNY. Kể từ khi thương chiến nổ ra hồi giữa năm ngoái, CNY đã giảm 12% so với đôla Mỹ. Tuy nhiên, đồng bản tệ mất giá làm tăng nguy cơ người dân chuyển tiền ra nước ngoài và động thái này tiếp tục khiến CNY suy yếu hơn nữa. Trong đó, các động thái của PBoC về nới lỏng tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản cũng làm tăng nguy cơ dòng vốn bốc hơi khỏi quốc gia này.
Thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết vào ngày 15/01/2020. Tuy nhiên, thông tin này dường như vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn sức ép lên thị trường tài chính Trung Quốc.
Theo đánh giá của nguyên thư ký của Kho bạc Mỹ - Frank Newman, CNY sẽ khó cạnh tranh với USD như một đồng tiền dự trữ hàng đầu, đặc biệt khi dự trữ tài sản dưới dạng USD của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 35.000 tỷ USD và USD đã chiếm ưu thế trong rất nhiều tài sản đầu tư trên toàn thế giới. Thậm chí, năm 2030 dường như vẫn là một thời hạn “quá lạc quan” để CNY đạt được trạng thái chuyển đổi toàn diện, trái với mong đợi của Bắc Kinh là quốc tế hóa CNY vào năm 2020.
Theo chuyên gia kinh tế George Magnus thuộc Đại học Oxford, Trung Quốc nhận thức được rằng một phần sức mạnh mềm của Mỹ đến từ vị trí chủ đạo của USD và cơ cấu tài chính Mỹ, Trung Quốc không muốn USD giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tiền tệ thế giới và ủng hộ việc thiết lập hệ thống dự trữ đa nguyên để CNY đóng vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên, do Trung Quốc thực thi chế độ quản lý biến động tỷ giá, kiểm soát nghiêm ngặt tính thanh khoản của CNY, nên tiến trình đưa tài sản tính bằng CNY vào kho dự trữ của các NHTW trên thế giới diễn ra chậm chạp. Muốn quốc tế hóa CNY, Trung Quốc phải cho phép tích lũy CNY ở nước ngoài. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua thâm hụt tài khoản vãng lai và cho phép dòng vốn luân chuyển tự do. Tuy nhiên, cả hai đều là điều Trung Quốc không mong muốn.
Vào thời điểm hiện tại, khi CNY vẫn chưa có được vị thế mạnh như USD, kinh tế Trung Quốc lại đối mặt với nguy cơ suy thoái. Số liệu chính thức do Trung Quốc công bố gần đây cho thấy, cả ba “đầu kéo tăng trưởng” kinh tế của quốc gia này đều có dấu hiệu giảm sút. Ngoài yếu tố trong nước, sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc có phần bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt thuế quan do Mỹ thực hiện nhằm vào hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự chuyển dịch, giáng đòn nặng nề vào ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc. Cùng với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng là làn sóng thoái lui các dòng vốn khỏi Trung Quốc, kéo theo cả công ăn việc làm. Gần đây đại dịch virus corona lại càng làm cho nền kinh tế Trung Quốc thêm lao đao.
Nói cách khác, cuộc chiến thương mại với Mỹ càng khiến tiến trình quốc tế hóa CNY trở nên khó khăn hơn. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, giá thành sản xuất tăng cao, CNY mất giá đã tác động tới niềm tin của nhà đầu tư, khiến họ không muốn sử dụng CNY. Trước những lo ngại về xu hướng mất giá của CNY sẽ khiến dòng vốn tiếp tục đào thoát khỏi quốc gia này, Bắc Kinh đã thu hẹp kênh đầu tư dưới dạng CNY cũng như kênh hoán đổi CNY, bao gồm động thái nới lỏng điều kiện sử dụng CNY ở nước ngoài đối với công dân Trung Quốc, điều này sẽ khiến cho việc sử dụng CNY khó có thể tăng lên.
Một yếu tố nữa cản trở tiến trình quốc tế hóa CNY là đồng tiền này không có quyền phát hành độc lập. Theo cựu Phó Thống đốc PBoC - Ngô Hiểu Kinh, hơn 90% lượng CNY phát hành là dựa trên mức dự đoán thặng dư thương mại để kết hối. Thực tế này đã gián tiếp khiến Trung Quốc mất quyền chủ động trong phát hành tiền tệ, và về cơ bản đã kiềm chế tiến trình quốc tế hóa CNY.
Tài liệu tham khảo:
- Asian Survey, No. 2, 2013: Liệu CNY có thể trở thành đồng tiền toàn cầu?
- Các báo cáo của BIS
- Chinese renminbi: RMB value, yuan, exchange rate & history (https:// blog.continetalcurrency.ca/curency-spotlight.renminbi/)
- Đất việt 26/12/2016: CNY đang thoái lui khỏi thanh toán quốc tế?
- Eurasia review 09/7/2018: Reminbi internationization: Struck in mid-river
- Exchangerates.org.uk: USD to CNY spot exchange rates
- Thanh niên 31/01/18: Chính sách của Trump có thể làm chậm tiến trình quốc tế hóa CNY.