Thời gian qua, thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu và các vấn đề liên quan đến địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Trong khuôn khổ Festival Quốc tế lúa gạo Việt Nam, sáng ngày 13/12, hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” đã diễn ra. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp có định hướng, giải pháp phù hợp trong sản xuất và kinh doanh, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thị trường tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam cho rằng, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và Châu Phi. Tuy nhiên, việc tăng lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá gạo tại thị trường trong nước.
Ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa như “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” và “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Do đó, thông tin tại hội thảo sẽ cung cấp góc nhìn toàn diện hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.
Dẫn thống kê Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 7,638 triệu tấn, với kim ngạch 4,33 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,5% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2023 đã vượt qua trị giá xuất khẩu của cả năm 2022 (Năm 2022: Số lượng 7,1 triệu tấn, trị giá 3,46 tỷ USD).
Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long nên tiếp tục ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chủ lực như các bộ giống OM (5451, 18), DT 8, Jasmine 85, nếp và các loại giống đặc sản như VD20, ST 24, ST25, RVT, Nàng Hoa… để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác công tư vào chế biến
Ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung và là bạn hàng quan trọng của nhau về mặt hàng lúa gạo.
Là quốc gia đông dân, Indonesia nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của an ninh lương thực, trong đó có lúa gạo. Tuy nhiên, khi tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu tương đối nhanh, diện tích canh tác lúa lại chưa tăng tương xứng. Cụ thể, từ năm 2017-2021, diện tích lúa chỉ tăng khoảng 1,5%. Khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo. 5 quốc gia sản xuất lúa hàng đầu, gồm: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar, giữ nguồn cung quan trọng trên thị trường lúa gạo toàn cầu.
“Để các quốc gia này tiếp tục duy trì, nâng cao vị thế hơn nữa, ông Abdi đề xuất các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư. Chúng ta cần tiếp tục cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc”, Đại sứ Indonesia nói.
Chia sẻ tổng quan về thị trường gạo thế giới và xu hướng trong thời gian tới, ông Aziz Arya, chuyên viên Phụ trách Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác tam giác, Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, chuỗi giá trị lúa gạo đang gặp những thách thức, như gánh nặng kép về thay đổi nhân khẩu học dẫn đến nhu cầu về thực phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn, chất lượng cao hơn. Biến đổi khí hậu cũng tác động đến số lượng và chất lượng nước, suy thoái đất, chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, sâu bệnh tăng lên.
Để giải quyết các thách thức này, đại diện FAO đề xuất một số phương án về chính sách trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, tiêu thụ. Theo đó, khâu đầu sản xuất, cần tập trung đến khuyến nông và nghiên cứu giống lúa, đất. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác công tư vào chế biến. Xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Các MoU sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu
Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa đặc biệt, khi Chính phủ vừa phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giúp các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn đúng đắn hơn, nhận thức rõ hơn về canh tác lúa trong thời điểm hiện tại.
“Vấn đề liên kết là quan trọng nhất. Bộ NNPTNT sẽ điều tiết để các bên tạo lập những chuỗi cung ứng, không chỉ trong nước mà còn là các quốc gia trong khu vực”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu, tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT còn 2 khía cạnh cũng đang ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đó là: Di dân và sự điều chỉnh cục bộ của một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn.
Theo tính toán an toàn nhất của Bộ NNPTNT, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13-14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do vậy, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các MoU về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.
“Các MoU sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân”, Thứ trưởng nói.
Mặt khác, vấn đề là thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được biết, nhiều trên thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là khối doanh nghiệp, phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng.