Những người giữ “lá phổi xanh” của biển

T.Dũng| 22/06/2021 07:43
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bãi san hô cổ Hòn Đỏ còn được mệnh danh là “lá phổi xanh" của biển. Vì rạn san hô là mái nhà của biển, là rừng của biển, nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản quý hiếm. Là chiếc nhiệt kế đo những biến động sinh thái môi trường của biển.

Trước đây, do không hiểu hết những gì quý báu mà rạn san hô mang lại, người dân vùng rạn Ninh Thuận đã khai thác san hô một cách bừa bãi, khiến không ít loài thủy hải sản đã một đi không trở lại, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Trước tình hình đó, ở thôn Mỹ Hiệp, một nhóm người tình nguyện đứng ra bảo vệ vùng rạn san hô, canh gác mái nhà của biển, bảo vệ khu rừng của biển để các loài thủy sản còn có một chốn đi về.

Người dân địa phương đã tự nguyện cùng nhau đứng ra bảo vệ tài nguyên biển

Là cù lao nằm cách bờ biển chừng 1km, Hòn Đỏ nổi tiếng là một quần thể san hô hóa thạch thuộc địa phận thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 17km trên tuyến đường ven biển nổi tiếng Việt Nam, với các địa danh mà ắt hẳn, những người yêu thích du lịch đều biết tới. Lặn biển, ngắm san hô luôn là một trải nghiệm đáng nhớ với những người yêu du lịch biển, nhưng ở Hòn Đỏ sẽ là một trải nghiệm với san hô hoàn toàn mới - ngắm san hô hóa thạch trên cạn.

Anh Diệp Nghĩa Hùng, thôn trưởng thôn Mỹ Hiệp đồng thời là Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ cho biết: “Tổ bảo vệ rạn Hòn Đỏ được thành lập từ tháng 8/2003, có tổng cộng 6 người, tất cả đều làm với tinh thần tự nguyện”. Anh Hùng còn cho biết thêm: Thôn Mỹ Hiệp có tổng cộng 176 hộ với hơn 856 nhân khẩu. 90% số hộ trong thôn đều sống bằng nghề lặn biển. Khi thì lặn tôm hùm giống, khi thì lặn cá, lặn mực… Trước những năm 2000, vì cái lợi trước mắt, người dân địa phương đã khai thác san hô một cách bừa bãi, khiến cho tôm hùm giống cũng như các loài cá quý ngày càng vắng bóng. Tuy nhiên, từ ngày các chuyên gia của Sở Khoa học và Công nghệ cũng như của UNEP về giải thích cho bà con biết lợi ích của rạn, và nhất là từ khi thành lập được Tổ Bảo vệ rạn thì nạn khai thác san hô, dùng chất nổ, chất độc để đánh bắt cá trong vùng rạn đã không còn xảy ra nửa. Chỉ sau 2 năm, các loài thủy hải sản quý hiếm như tôm hùm giống, hải sâm, mực nang… bắt đầu quay trở lại với vùng rạn Hòn Đỏ mà người hưởng lợi trực tiếp chính là cộng đồng địa phương. Nhất là từ khi phong trào nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh thì nghề lặn tôm hùm giống đã mang lại sự no ấm, đổi thay rõ rệt ở vùng quê nghèo Mỹ Hiệp.

Hòn Đỏ nhìn từ đất liền

Có nhiều người gọi Tổ Bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ là những người “Vác tù và hàng tổng!”. Cũng đúng thôi, vì mỗi tháng họ chỉ nhận được hơn 300 ngàn đồng tiền bồi dưỡng, mà một quý mới nhận được một lần. Chị Diệp Thị Lan, vợ anh Trần Minh Đức nói vui rằng: “Thấy ổng ăn rồi cứ ra ngoài rạn mà phất cờ, lúc đầu tui cũng bực lắm, nhưng rồi hiểu ra ông làm là làm lợi cho cả làng, được mọi người khen tui cũng vui. Giờ thì ổng muốn đi mấy đó đi, miễn sao có lợi cho cộng đồng là đuợc!”. Còn chị Linh, vợ anh Hùng Tổ trưởng thì bảo: “Tui thì lúc đầu cũng có bực, nhưng đêm về ông giải thích nên cũng thông”. Gia đình là thế, còn chòm xóm ban đầu cũng có nhiều người nói ra, nói vào, bảo mấy ông thích ôm rơm nặng bụng. Lúc đầu, nghe lời ra tiếng vào, đôi khi mình cũng nản, nhưng vì nguồn lợi của rạn, vì sinh kế của cả làng Mỹ Hiệp, tụi tui quyết phải giữ rạn cho bằng được.

Rạn san hô cổ ở Hòn Đỏ

Thế là họ quyết tâm gìn giữ rạn một cách hữu hiệu nhất, vì họ hiểu rằng: chính vùng rạn đã đem lại đổi thay cho làng quê biển khó nghèo của họ, sẽ đem lại cơm no, áo ấm cho gia đình họ và để giúp họ có thể toàn tâm toàn ý bảo vệ những cánh rừng của biển, mới đây, một mô hình nuôi dông đã được dự án xây dựng để họ có thể vừa canh giữ mái nhà của biển, vừa có thể tăng thêm thu nhập, đảm bảo đời sống kinh tế gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người giữ “lá phổi xanh” của biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO