Những vấn đề nổi bật của thị trường tài chính thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và một số lưu ý cho năm 2021

TS. Hà Huy Tuấn| 15/02/2021 07:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - 2020 là một năm biến động chưa từng có đối với kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu chủ yếu do chịu tác động bởi đại dịch COVID-19. Thậm chí, năm 2020 được ghi nhận là năm tồi tệ nhất kể từ đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930. Sự suy giảm kinh tế toàn cầu khiến chính phủ và ngân hàng trung ương các nước thực hiện hàng loạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô rất lớn, chưa từng có tiền lệ. Những yếu tố đó đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến độ

Một số vấn đề nổi bật trên thị trường tài chính quốc tế

Ca nhiễm COVID-19 được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019 và nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia khác. Dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội, thực hiện các lệnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, điều này đã làm suy yếu hoạt động kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm thương mại, đầu tư, niềm tin toàn cầu.

Có thể thấy, dịch bệnh đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ đại suy thoái kinh tế 1929-1933. Các tổ chức quốc tế uy tín đồng loạt đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 cho các khu vực và nền kinh tế chủ chốt (trừ Trung Quốc). Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; xung đột thương mại tiếp tục gia tăng. Những yếu tố này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu trải qua một năm đầy thăng trầm với nhiều mốc lịch sử được ghi nhận.

Thị trường chứng khoán toàn cầu xác lập các mốc lịch sử

Thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và hồi phục mạnh mẽ vào nửa cuối năm khi một số nước xác lập trạng thái “bình thường mới” và triển vọng về vắc xin khả quan.

Trong tuần từ ngày 9-16/3/2020, TTCK Mỹ đã trải qua đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987 và đã 3 lần phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch. Ngày 9/3/2020 được mô tả là ngày giao dịch hỗn loạn của chứng khoán Mỹ với các cấp độ lịch sử. Với mức giảm 2013,76 điểm, tương đương 7,79%, Dow Jones có cú sập tồi tệ nhất kể từ ngày 15/10/2008. Bên cạnh đó, trong ngày 12/3/2020, có đến 10 quốc gia ngoài Mỹ kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch.

Tuy nhiên, TTCK toàn cầu nhìn chung đồng loạt phục hồi từ quý II/2020 nhờ những thông tin tích cực hơn về kinh tế, dịch bệnh phần nào được kiểm soát trên toàn cầu cũng như tiến trình sản xuất vắc xin chống COVID-19. Tính đến ngày 16/12/2020, chỉ số Down Jones phục hồi 60,6% so với đáy về mức tương đương trước dịch. Trong đó, Dow Jone ghi nhận mức 30.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử ngày 24/11/2020; FTSE 100 (Anh) phục hồi 30,4% so với đáy và giảm 13,7% so với đầu năm; Nikkei 225 (Nhật Bản) phục hồi 61,7% so với đáy và 14,9% so với đầu năm…

Trên thị trường trái phiếu, lợi tức trái phiếu ở mức thấp kỷ lục. Nhiều quốc gia phát hành lãi suất trái phiếu âm như: lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Đức âm đến 0,7%%; ở kỳ hạn 10 năm, Đức và Thụy Sĩ cùng âm 0,56%; Hà Lan âm 0,47%; tại châu Á, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm của Nhật Bản cũng âm từ 0,11- 0,13%. Nguyên nhân một phần do trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng bất ổn, các kênh đầu tư trở nên rủi ro hơn, những tài sản an toàn trở nên khan hiếm sẽ hấp dẫn được dòng tiền. 

USD biến động mạnh, giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác

Đồng USD tăng mạnh giai đoạn cuối tháng 2 đầu tháng 3/2020 khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải thực hiện chương trình hoán đổi tiền tệ (swap line) với hàng loạt các NHTW khác. Trong giai đoạn này, đồng USD tăng giá liên tục. Cụ thể, ngày 18/3/2020, chỉ số đồng USD của Bloomberg đạt mức cao nhất mọi thời đại. Sự tăng giá chủ yếu do vị trí đặc quyền của đồng tiền này là đồng tiền dữ trữ của thế giới. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhà đầu tư muốn đặt đồng tiền của họ vào nơi an toàn.

Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, đồng USD có xu hướng giảm giá với các đồng tiền chủ chốt khác do lãi suất ở Mỹ vẫn giữ mức thấp và tình hình COVID-19 tiếp tục phức tạp. Tính tại thời điểm cuối tháng 12/2020, chỉ số USD index ở mức 94,69 điểm, giảm khoảng 4,5% so với đầu năm, đồng bảng Anh tăng 2,07%, đồng Euro tăng 5,9%, đồng nhân dân tệ tăng 6%.....

Vàng và Bitcoin tăng kỷ lục

Rủi ro dịch bệnh cùng với triển vọng kinh tế khó khăn, tiền rẻ khiến dòng tiền chảy mạnh vào các tài sản trú ẩn. Giá vàng liên tục tăng mạnh, vượt mức 2000 USD/Ounce tại thời điểm đầu tháng 8/2020, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. Tính tại thời điểm cuối năm 2020, giá vàng tăng khoảng 23% so với thời điểm đầu năm. Trong bối cảnh NHTW các nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có, các nước phát triển duy trì mức lãi suất thấp và âm, làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý. Bên cạnh đó, đà suy yếu của lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD cũng hỗ trợ sự tăng giá của vàng.

Đáng lưu ý, giá đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin cũng tăng chóng mặt. Các nhà đầu tư sử dụng bitcoin như một biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát trong thời kỳ các NHTW nới lỏng tiền tệ do dịch bệnh COVID-19. Tính tại thời điểm cuối tháng 12/2020, bitcoin đạt mức cao kỷ lục 23.655 USD, tương ứng tăng 220% so với cùng kỳ năm trước.

Nợ toàn cầu tăng kỷ lục

Theo Viện Tài chính Quốc tế, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, chính phủ tại các quốc gia tăng cường hỗ trợ cho các công ty và người dân; các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế khi hoạt động kinh doanh tạm ngừng do dịch bệnh. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh các khoản vay của chính phủ và doanh nghiệp. Trong đó, gánh nặng nợ toàn cầu đã tăng thêm 15 nghìn tỷ USD trong 3 quý 2020, ước tăng lên mức 277 nghìn tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2020. Đối với các quốc gia phát triển, nợ công ghi nhận tăng 432% GDP trong quý III, tăng 50 điểm % so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ chiếm gần một nửa trong mức tăng này do đã thực hiện nhiều gói kích thích kinh tế lớn nhất trên thế giới. Tại châu Âu, nợ công tăng lên mức 53 nghìn tỷ USD. Tại thị trường mới nổi, mức nợ tăng lên hơn 248% GDP, trong đó Li Băng, Trung Quốc, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng nợ phi tài chính lớn nhất.

Chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng trên thế giới giảm, nợ xấu gia tăng

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, NHTW các nước đã thực hiện các chính sách nới lỏng một cách mạnh mẽ, sáng tạo, chưa từng có tiền lệ như: liên tục hạ lãi suất điều hành, áp dụng chính sách lãi suất âm, kiểm soát lợi suất trái phiếu… Điều này tác động làm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại các TCTD ở mức thấp. Các công ty và cá nhân gặp khó khăn trong việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và việc duy trì lãi suất thấp khiến chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng trên thế giới giảm, nợ xấu tăng. Ở Anh, tổng mức trích lập dự phòng nợ xấu của 5 ngân hàng lớn nhất đã lên tới 22 tỷ USD, mức cao nhất trong nhiều năm. Tại Mỹ, Ngân hàng JP Morgan Chase, Wells Fargo và Citigroup mới đây đã phải trích lập dự phòng thêm 23 tỷ USD, để chống đỡ các khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng của JP Morgan đã giảm 51%; Citigroup giảm 73%; Wells Fargo báo lỗ 2,4 tỷ USD. Tại Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, tổng lợi nhuận của các ngân hàng đã lần đầu tiên sụt giảm trong hơn một thập kỷ, giảm 9,4%, tương đương gần 144 tỷ USD. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc năm 2020 cũng đã tăng 2,3 nghìn tỷ NDT so với năm 2019, tương ứng tỷ lệ nợ xấu là 1,9%, cao hơn mức 1,85% của năm 2019.

 

Một số vấn đề nổi bật đối với thị trường tài chính Việt Nam

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh của việc kinh tế thế giới suy giảm do dịch COVID-19. Trong năm 2020, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như: tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng chậm, thậm chí sụt giảm mạnh như FDI, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước còn yếu. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô được đánh giá cơ bản vẫn ổn định nhờ lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính trong nước tồn tại một số điểm tối, sáng đan xen nhau, cụ thể:

Năm 2020 thành công về lãi suất và tỷ giá: lãi suất thấp, tỷ giá ổn định

Lãi suất có xu hướng giảm do cầu tín dụng yếu trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã có nhiều động thái trong việc hỗ trợ giảm lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5-2% (là một trong các NHTW có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực). Ngoài ra, NHNN cũng giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên để giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Một số ngân hàng có lãi suất cho vay bằng VND giảm mạnh như TPBank, VPBank, MBBank, VietBank… Tính đến cuối tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm.

Tỷ giá sau khi biến động mạnh trong 2 tuần cuối tháng 3/2020 đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong giai đoạn còn lại. Tính đến thời điểm tháng 12/2020, tỷ giá USD/VND trung tâm, liên ngân hàng, tự do lần lượt biến động nhẹ là -0,04%; -0,2% và 0,22%. Nguyên nhân chính giúp tỷ giá ổn định trong năm là nhờ xu hướng giảm giá rõ rệt của đồng USD trên thị trường quốc tế; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và kiều hối tuy có sụt giảm song vẫn tương đối tích cực.

Tín dụng thấp nhất trong 7 năm trở lại đây do tác động của dịch bệnh

Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kể từ năm 2013, ghi nhận giảm ở hầu hết các ngành kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 21/12/2020 tăng 10,14% so với cuối năm 2019. Trong đó, tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn ở những tháng đầu năm và phục hồi khá tại các tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng thấp do cầu tín dụng thấp. Theo đó, ngành thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 9%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 7,6%; ngành nông, lâm nghiệp thủy sản ước tăng 7,89%. Tuy nhiên, so sánh với quy mô kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tăng trưởng tín dụng vẫn góp phần hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Theo đó, dư nợ tín dụng/GDP khoảng 137%, cao hơn so với 136% của năm 2019.

Các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện lộ trình của Basel II

Tăng vốn tự có là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng trong năm 2020 để nâng cao tiềm lực tài chính, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh phải tuân thủ quy định về an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Năm 2020, có 11 NHTM cổ phần tư nhân trong nước đã tăng vốn điều lệ với số vốn tăng thêm khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều NHTM cũng thực hiện tăng phát hành trái phiếu đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Thị trường chứng khoán bùng nổ

Trong những tháng đầu năm, TTCK Việt Nam đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh do tác động của dịch bệnh COVID-19, kết thúc quý I/2020, chỉ số VN-Index giảm 33% so với giá trị cuối năm 2019.

Tuy nhiên, từ quý II đến nay, TTCK Việt Nam vẫn có sự phục hồi và khởi sắc nhờ thông tin tích cực của nền kinh tế và hoạt động điều chế vắc-xin và động lực dòng tiền từ các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Tính đến hết ngày 18/12/2020, chỉ số VN index đã vượt mốc 1050 điểm, tăng 61,4% so với thời điểm đáy hồi tháng 3 và tăng 12,1% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, lên tới hơn 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020.

Thị trường trái phiếu tăng trưởng khá

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm với mức lãi suất hợp lý, trong khi tốc động tăng trưởng của trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng. Chỉ trong 10 tháng năm 2020, KBNN đã huy động được 260.116 tỷ đồng TPCP, tăng 17,8% so với cả năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch năm. Trong đó, lãi suất phát hành bình quân đạt 2,9%/năm (năm 2019: 4,6%/năm); lãi suất trúng thầu giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với thời điểm cuối năm 2019 từ 0,37 đến 0,95 điểm %. Đối với trái doanh nghiệp, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với mức 10,85% GDP của thời điểm cuối năm 2019), vượt mục tiêu đề ra trong năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Giao dịch số hóa tăng trưởng đột biến

Bên cạnh những khó khăn, dịch COVID-19 cũng đem lại cơ hội và động lực thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ cho lĩnh vực tài chính, phù hợp với xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên thế giới. Theo thống kê sơ bộ trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng cao so với cùng kỳ, từ 1,4 đến 2,6 lần và chiếm trên 40% tổng số giao dịch. Trong thanh toán không dùng tiền mặt có sự chuyển dịch rất mạnh cơ cấu giao dịch. Theo số liệu từ NAPAS, giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS từ chủ yếu giao dịch rút tiền mặt từ ATM chiếm 90% tổng giao dịch năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020. Trong khi đó, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% năm 2015 lên 66,6% số lượng giao dịch vào năm nay. Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng với tỷ trọng tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM từ 84,4% năm 2015 xuống chỉ còn 5,4% năm 2020; lượng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần, từ 6,3% năm 2015 lên 93,5% năm 2020.

Rủi ro, thách thức đối với thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam năm 2021

Kinh tế thế giới tiếp tục gặp những thách thức trong năm 2021 do tồn tại một số rủi ro cơ bản sau: Thứ nhất, tình hình thế giới, khu vực diễn biến khó lường, xu hướng bảo hộ thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia tiếp tục diễn ra gay gắt. Thứ hai, chiều hướng cạnh tranh kinh tế - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì dù Mỹ có chính quyền mới của Đảng dân chủ. Thứ ba, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc và các tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh kéo dài sang năm 2021 và một số năm tiếp theo, nhất là tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu. Trong môi trường kinh tế thế giới chính trị nhiều bất trắc, các tổ chức quốc tế đều nhận định rằng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm chạp trong năm 2021. Trong đó, quá trình phục hồi sẽ đan xen trồi sụt. Sự phục hồi được nhận định là không đồng đều giữa các khu vực. Theo IMF (tháng 10/2020) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 tăng 5,2%. Trong đó, Mỹ tăng 3,1%; Nhật 2,3%; EU tăng 5,2% và các nước mới nổi và đang phát triển tăng 6%.

Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính toàn cầu tiềm ẩn một số nguy cơ bất ổn như: (i) Nợ và thâm hụt ngân sách tăng mạnh. Trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm do khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu trang trải các khoản vay cũ, gia tăng hỗ trợ hồi phục kinh tế vẫn tiếp tục, nợ công và thâm hụt ngân sách dự báo sẽ còn ở mức cao ít nhất đến năm 2025 (dự kiến thâm hụt ngân sách và nợ công toàn cầu ở mức 12,7% GDP và gần 100% GDP, theo IMF tháng 10/2020); (ii) Nguy cơ sụt giảm thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro do ảnh hưởng suy thoái nền kinh tế thực. Nếu lĩnh vực này chịu tác hại lớn hơn dự kiến sau cuộc khủng hoảng COVID-19, sẽ làm tăng thêm rủi ro vỡ nợ và làm suy yếu chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Bên cạnh đó, khả năng hỗ trợ ngắn hạn cho các ngân hàng và người đi vay sẽ sớm biến mất nếu các nhà hoạch định chính sách rút lại các biện pháp tài khóa quá sớm.

Trong năm 2021, kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo phục hồi nhanh chóng. Moody Analytics dự báo Việt Nam cùng với các nền kinh tế Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ tăng trưởng nhanh nhất. Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ bật tăng mạnh và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới, từ 6,3-8,5%. Như vậy, theo kịch bản được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam năm 2021 có nhiều tín hiệu tương đối lạc quan. Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định là nền tảng giúp thị trường tài chính tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên thị trường tài chính trong nước cũng tồn tại một số thách thức: (i) Rủi ro nợ xấu của ngân hàng vẫn còn hiện hữu có thể bộc lộ rõ hơn trong năm 2021 do độ trễ tác động của nền kinh tế cũng như kết thúc các chương trình hỗ trợ lên hệ thống ngân hàng; (ii) Quá trình tái cơ cấu ngân hàng có thể bị chậm. dưới tác động tiêu cực của đại dịch. Hiện nay, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi dự báo năm 2021 tín dụng tiếp tục tăng chậm, nợ xấu tăng nhanh, khiến quá trình tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng gặp khó khăn; (iii) Chuyển đổi hệ thống ngân hàng số đòi hỏi khuôn khổ pháp lý và bộ máy điều hành cần có những thay đổi nhất định để thích ứng, (iv) Rủi ro VND tăng giá đến từ yếu tố bên ngoài sau khi bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ và (vi) Thị trường chứng khoán có thể có những biến động.

2020 là một năm biến động chưa từng có đối với kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu chủ yếu do chịu tác động bởi đại dịch COVID-19. Thậm chí, năm 2020 được ghi nhận là năm tồi tệ nhất kể từ đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930. Sự suy giảm kinh tế toàn cầu khiến chính phủ và ngân hàng trung ương các nước thực hiện hàng loạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô rất lớn, chưa từng có tiền lệ. Những yếu tố đó đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, các tài sản tài chính liên tục ghi nhận các mức kỷ lục. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ. Bài viết điểm lại những vấn đề nổi bật của thị trường tài chính ngân hàng trong nước và quốc tế trong năm 2020, đồng thời đưa ra một số cảnh báo rủi ro trong năm 2021.

Tài liệu tham khảo

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng tháng, quý, 6 tháng và năm 2020

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Báo cáo tình hình kinh tế phục vụ họp chính phủ định kỳ hàng tháng

- Một số website có liên quan: gso.gov.vn; sbv.gov.vn….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề nổi bật của thị trường tài chính thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và một số lưu ý cho năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO