Những yếu tố an ninh Việt Nam cần quan tâm khi thực thi CPTPP

NGUYỄN NHÂM| 11/06/2019 16:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cho đến nay đã có 7/11 quốc gia phê duyệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico, Singapore và Việt Nam. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Việt Nam là quốc gia thứ 7 thông qua Hiệp định và có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2019 (1). Từ góc nhìn an ninh, cần quan tâm đến một số vấn đề quan trọng sau đây.

Những lợi ích về an ninh phát triển

Thuật ngữ an ninh trong bài viết này được hiểu theo nghĩa rộng và được nhấn mạnh đến an ninh kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự. Theo đó, hiệu ứng an ninh từ triển vọng tăng trưởng kinh tế do CPTPP mang lại là không nhỏ. CPTPP là hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn mà nước ta tham gia. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam vẫn sẽ là nước nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP vận hành.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32% mỗi năm. Trong đó xuất, nhập khẩu thêm tương ứng là 4% và 3,8%(2). Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…

CPTPP tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút nguồn ngoại lực lớn phục vụ cho an ninh, quốc phòng, bởi sự tác động toàn diện của nó trên tất cả các lĩnh vực chủ yếu như: kinh tế, chính trị, đối ngoại do cải cách chính sách (sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi theo các cam kết khi ký CPTPP), nhất là hoàn thiện chính sách hội nhập khiến an ninh đối ngoại sẽ có bước phát triển đáng kể, trong bối cảnh có sự cọ sát chiến lược giữa các nước nhằm khẳng định vị thế trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới…

CPTPP còn gia tăng hiệu quả bảo đảm an ninh quốc gia, do đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước… Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh quốc gia từ góc độ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; nội lực với ngoại lực; quốc gia với tập thể đối tác.

CPTPP cũng tác động đến an ninh chính trị - xã hội, nhất là con người theo hướng tích cực và hiệu quả hơn. Bởi CPTPP sẽ thúc đẩy các cải cách nhanh, mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công… như đã cam kết. Nguồn FDI vào Việt Nam được đẩy mạnh là nguồn ngoại lực có ý nghĩa quan trọng. CPTPP đồng thời cũng giúp cho cạnh tranh trong các thị trường dịch vụ, đặc biệt trong các lĩnh vực phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá cả hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp, khiến an ninh xã hội - con người được nâng cao.

CPTPP còn góp phần gia tăng an ninh khu vực và toàn cầu. Bởi CPTPP sẽ tạo cho Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế quan và chính sách cạnh tranh bình đẳng, những hỗ trợ và ngoại lực hữu ích khác. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển… Sự thống nhất của các thành viên CPTPP về nhu cầu duy trì một hiệp định chất lượng cao và toàn diện bao gồm cả “mở cửa thị trường, thương mại và kinh tế”. Một số cam kết tạm hoãn, nhưng có thể sẽ được bàn thảo và thực thi trong tương lai. Đây là những điểm mới và tích cực nhất mà CPTPP có được.

CPTPP nhấn mạnh tính toàn diện và tiến bộ ở việc bảo đảm các lợi ích, không chỉ thương mại, của tất cả các bên tham gia, mà còn bảo toàn các quyền kiểm soát, tính linh hoạt khi đặt ra các ưu tiên về mặt quản lý và pháp lý, cũng như bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa đặc thù của mỗi thành viên. Điều đó thể hiện sự gắn kết của mối quan hệ đa quốc gia không bị hạn chế bởi địa lý, làm gia tăng tính toàn cầu và tiếp tục khẳng định xu thế toàn cầu hóa, trong bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ. Theo đó, quy mô CPTPP có thể dần tăng lên vượt quá con số 11 thành viên. Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Anh, Thái Lan, thậm chí cả Trung Quốc… (Mỹ hiện vẫn bỏ ngỏ khả năng tái trở lại Hiệp định) là những đối tác tiềm năng đang có ý định gia nhập hiệp định này, khiến những nhân tố tiền an ninh khu vực và quốc tế phát triển theo hướng tích cực hơn.

CPTPP khi vận hành sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa chiến lược “đan xen, cân bằng lợi ích” giữa các nước lớn. Trên cơ sở tận dụng các nguyên tắc, các định chế của  CPTPP, thông qua quan hệ thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ... Qua đó, tạo ra môi trường an ninh trong nước và khu vực ổn định hơn. Bởi trong bối cảnh nhất định, vì lợi ích kinh tế, sự điều chỉnh của các nguyên tắc CPTPP mà các đối tác kinh tế (công ty, tập đoàn, quốc gia) có thể sẽ ủng hộ Việt Nam khi có tình huống phức tạp về an ninh.

CPTPP cũng giúp Việt Nam khai thác môi trường thuận lợi để mở rộng trao đổi thông tin với các quốc gia thành viên khác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hướng tới mục tiêu hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh phức tạp của cuộc đua chiếm ngôi vị xứng đáng khi trật tự thế giới đang chuyển từ định hướng sang định hình… khiến mọi vấn đề an ninh kinh tế, quân sự hoặc các vấn đề nhạy cảm khác cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác mới có thể giải quyết được.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (FIR), CPTPP còn giúp Việt Nam sớm tiếp cận sự lan tỏa công nghệ mới nhanh hơn. Theo đó, Việt Nam có cơ hội chủ động tiếp thu khoa học - công nghệ mới, nhất là những xu thế chủ đạo như: Phương tiện tự lái, in 3D, robot cao cấp, vật liệu mới và các công nghệ tích hợp khác (Fintech, AI, IoT, 5G…). Sự phát triển của kinh tế thương mại, dịch vụ, đầu tư nói chung... cũng sẽ làm cho thị trường hàng hoá quân sự sôi động hơn, tạo thuận lợi trong quan hệ trao đổi, đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại hoá trang thiết bị cho các lực lượng vũ trang…

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 4/10 thành viên CPTPP (Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia); Đối tác toàn diện với 4/10 thành viên (Chile, New Zealand, Canada, Brunei); Mexico đối tác chiến lược trên lĩnh vực lương thực, thực phẩm; Peru hướng tới hợp tác chiến lược. Trong đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối thoại quốc phòng, an ninh với 7/10 thành viên (Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore, Malaysia, New Zealand, Brunei); hợp tác quốc phòng an ninh với 3/10 thành viên (Mexico, Peru, Chile).

Với cấp độ khác nhau về quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh với các thành viên CPTPP, Việt Nam đã duy trì các cơ chế đối thoại chiến lược, tham vấn; hợp tác đào tạo; tài trợ trang thiết bị; hợp tác an ninh, kể cả an ninh Biển Đông. Trong đó, Nhật Bản(3), Malaysia, Australia đã hợp tác với Hải quân Việt Nam trong các hoạt động tuần tra trên biển bảo đảm an ninh, cứu hộ, cứu nạn…

Chủ động xử lý những yếu tố tiềm ẩn rủi ro   an ninh

Theo một số chuyên gia kinh tế, những thách thức của Việt Nam khi thực thi Hiệp định CPTPP trong đó có những yếu tố tiền an ninh rất quan trọng nếu không xử lý tốt có thể gây tiêu cực cho an ninh của Việt Nam như: (1) Bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối; (2) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (3) Nguồn thu cho ngân sách; (4) Hàng rào kĩ thuật và hệ thống vệ sinh, kiểm dịch thực vật; (5) Thị phần nội địa… Trong đó, có 5 vấn đề nổi lên về an ninh đó là:

(1) Về thương mại. Áp lực của Việt Nam chủ yếu tập trung vào 3/10 thị trường đó là Canada, Mexico, Peru, còn các thành viên khác đã có FTA nên sức ép có nhẹ hơn. Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là một áp lực lớn về an ninh… Thương mại điện tử là một xu thế không thể đảo ngược, với nhiều tiện ích, nhưng nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho “buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (VP TT 389) thì tình trạng mất an ninh thương mại điện tử “ngày càng gia tăng với tính chất nghiêm trọng”(4). Nếu chúng ta không chủ động xử lý thì khi vận hành CPTPP tình hình còn phức tạp hơn.

(2) Về đầu tư. Việc phân bổ vào các ngành, vùng, lĩnh vực, ngành hàng… cũng là những vấn đề tiền an ninh rất lớn liên quan đến chiến lược “đan xen cân bằng lợi ích” giữa các nước; mối quan hệ giữa phát triển đồng đều và ưu tiên các trọng điểm kinh tế… Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã có 26.500 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, đóng góp 20% GDP. Tuy nhiên, những yếu tố tiền an ninh cũng không nhỏ như: (1) Mức độ kết nối, lan tỏa, chuyển giao công nghệ yếu; (2) Nhà đầu tư coi trọng lợi nhuận nên trốn thuế, vi phạm môi trường còn phổ biến; (3) Các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, nghiên cứu và phát triển còn ít; (4) Vi phạm lợi ích người lao động và luật pháp Việt Nam cũng không nhỏ, nên có lúc đã gây căng thẳng…

(3) Về lao động và việc làm. Một trong những thách thức liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập “công đoàn tự do” và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này vừa tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, theo nguyên tắc “tuân thủ pháp luật của nước sở tại” vừa phù hợp Công ước 87 của Tổ chức Lao động Thế giới. Đây là những vấn đề mới, nhạy cảm mà các thế lực phản động có thể lợi dụng nếu ta không chủ động có các phương án về bảo đảm an ninh.

(4) Về xã hội. Khi sức ép cạnh tranh tăng, có thể làm cho các DN yếu kém lâm vào tình trạng khó khăn, tỷ lệ các DN phá sản tăng lên, kéo theo sự thất nghiệp trong bộ phận lao động, nhất là lao động trình độ thấp. Sự cộng hưởng của FIR (robot hóa sản xuất) càng làm gia tăng thất nghiệp dẫn đến nguy cơ về an ninh con người – mất việc làm, hoặc thu nhập giảm (tương đối), trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.

(5) Về an ninh thông tin. Điều chỉnh Luật An ninh mạng và một số văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam làm sao để vừa bảo đảm an ninh quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại số trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh kinh tế số. Theo thống kê, năm 2018, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với Việt Nam đã tới con số 642 triệu USD. Trên phạm vi toàn cầu thiệt hại khoảng 600 tỷ USD mỗi năm (tương đương 0,8% GDP).

Để hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể nảy sinh, chúng ta cần đổi mới phương thức bảo vệ an ninh quốc gia. Bởi vì, khi là thành viên CPTPP Việt Nam sẽ thực hiện mở cửa sâu, rộng hơn, nền kinh tế thông qua lộ trình đã cam kết, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới… thì phương thức bảo vệ an ninh quốc gia cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.

Việt Nam cần chủ động thích nghi với môi trường quốc tế mới. An ninh quốc gia ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào an ninh của khối liên kết, khu vực và thế giới. Nhiều sự kiện “nóng” đã và đang chứng tỏ khoảng cách về địa lý và sự ngăn cách về biên giới hành chính không còn nhiều ý nghĩa và tầm quan trọng như trước đây. Vấn đề “biên giới mềm”, “biên giới thông tin”, “không gian điện tử” và hàng loạt vấn đề mới về an ninh, quốc phòng hoặc liên quan đến công tác quốc phòng, an ninh cũng xuất hiện.

Mặt khác, Việt Nam còn phải chủ động loại trừ nguy cơ độc lập chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc bị vi phạm ngay trong lòng đất nước, nhất là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, đặc khu kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các quan hệ thương mại, đầu tư, dịch vụ, nhất là dịch vụ viễn thông và dịch vụ tài chính, ngân hàng, điện tử. Thực tế gần đây cho thấy nhiều công ty nước ngoài không hề đến Việt Nam nhưng đã và đang điều khiển hoạt động tại Việt Nam như: vận tải taxi “Uber”, “Grab”, dịch vụ đầu tư tài chính, ngân hàng Fintech..., tiền ảo; trò chơi trực tuyến…

Công tác quốc phòng, an ninh cần phải sớm thích ứng với những thay đổi trong các hoạt động kinh tế - xã hội như: điều chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan đến các hoạt động kinh tế cho phù hợp với các định chế của CPTPP, áp dụng thích hợp các thông lệ quốc tế khi xử lý các quan hệ kinh tế. Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và của các doanh nghiệp trong quan hệ không tương sức với các đối tác nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ và các hoạt động chính trị, ngoại giao kinh tế...

Tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh theo yêu cầu mới, nhất là với những vấn đề về: xác định mục tiêu, đối tượng, không gian, thời gian của các tình huống mà quốc phòng, an ninh phải chuẩn bị đối phó. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia CPTPP nếu xẩy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh sẽ là kiểu dạng mới khác cả về mục tiêu, tính chất, mức độ, phạm vi so với những cuộc chiến tranh trước đây.

Về phương thức chuẩn bị lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh sẽ đặt ra những yêu cầu mới để bảo đảm sẵn sàng giành thắng lợi trong mọi tình huống, “không để bị động bất ngờ”(5). Tuy nhiên, trọng tâm của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lại phải phát huy sức mạnh tổng hợp cả trong và ngoài nước để tìm kế sách giữ nước, loại trừ nguy cơ chiến tranh, “không đánh mà thắng” mới là thượng sách.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nhất là quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh khi nước ta đã là thành viên CPTPP sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới phải giải quyết để thực hiện được những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, về sức mạnh tổng hợp... Các luật về quốc phòng, an ninh quốc gia cũng phải điều chỉnh phù hợp với tình hình đất nước, những định chế của CPTPP; luật đầu tư cũng phải thích hợp với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh; các văn bản dưới luật như: pháp lệnh, nghị định, thông tư, các quy chế liên quan phải đồng bộ. Mọi văn bản quy phạm pháp luật... đều phải điều chỉnh, bổ sung mới tạo điều kiện thực thi tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi CPTPP vận hành.

Điều quan trọng nhất là phải quán triệt quan điểm mới về đối tác, đối tượng, sự đan xen và chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng, và phải nhận rõ: “hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh và đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu”(6) như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu ra.

Một số kiến nghị,  giải pháp

Để CPTPP sớm đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả quan trọng cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp và người dân nói riêng. Trên góc độ an ninh, có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp chủ yếu sau đây:

(1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, đường lối về quân sự, quốc phòng, an ninh của Đảng trong Văn kiện Đại hội XII; tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh theo yêu cầu mới, nhất là với vấn đề mục tiêu, đối tượng, đối tác, không gian, thời gian của các tình huống mà quốc phòng, an ninh phải chuẩn bị đối phó. Tăng cường sự thống nhất trong định hướng chiến lược và chỉ đạo điều hành quá trình phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) phù hợp với nguồn lực và nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là cơ hội tiếp cận với các nền kinh tế đã và đang vận hành có ứng dụng FIR.

(2) Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các lực lượng quốc phòng, an ninh về thời cơ và thách thức từ CPTPP. Có chính sách thoả đáng để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới (giáo dục - thông tin - tri thức) đang tiềm ẩn thông qua các định chế của CPTPP. Đặc biệt coi trọng nguồn vốn trí tuệ và lao động chất lượng cao; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là cơ sở trực tiếp để đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, đột phá vào một nguồn lực mới, khâu quan trọng của FIR mà ta sẽ tiếp cận thông qua CPTPP.

(3) Cần sớm cụ thể hoá việc đầu tư khai thác những sản phẩm, công nghệ, dịch vụ quân sự - quốc phòng “thông minh” “lưỡng dụng” của các thành viên CPTPP cho các lực lượng bảo vệ Tổ quốc bằng các phương thức vũ trang, phi vũ trang, phòng tránh và phòng thủ dân sự. Nhất là trong bối cảnh nhiều nước quan tâm đến an ninh Biển Đông.

(4) Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, các cơ chế liên doanh, liên kết để thu hút các nguồn lực mới từ bên ngoài cho nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, từ các nước có công nghệ nguồn, công nghệ cao, nhất là các thành viên của CPTPP như, Nhật Bản, Canada, Australia… và triển khai mô hình, phương thức hội nhập với CNQP với các nước thành viên.

(5) Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xuất khẩu hàng kinh tế, hàng “lưỡng dụng” và một số hàng hóa quân sự mà Việt Nam có thế mạnh; quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại quân sự, chủ động xử lý các tình huống “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế về thương mại quân sự; tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp CNQP tích cực, chủ động tham gia thị trường hàng hóa quân sự khu vực và thế giới thông qua CPTPP.

(6) Mạnh dạn đầu tư vào những ngành mũi nhọn của quốc gia liên quan đến 4 xu hướng chính của FIR như: phương tiện tự lái, in 3D, robot cao cấp, vật liệu mới và các công nghệ tích hợp khác. Theo đó, cần quan tâm đến quá trình xây dựng và hoạt động của các khu công nghệ cao đang hình thành; chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực công nghệ cao là giải pháp hữu hiệu để tiếp cận với những tiến bộ mới về công nghệ - nòng cốt của FIR.

 (7) Các doanh nghiệp quốc phòng và doanh nghiệp quân đội xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh cần chủ động hơn nữa trong việc tận dụng những cơ hội từ CPTPP mang lại bởi đây là yếu tố then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đó, bên cạnh tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm thế thực hành cạnh tranh nội khối, khu vực và quốc tế; mỗi doanh nghiệp cần tập trung đổi mới, sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín về thương hiệu và chất lượng sản phẩm để có chiến lược làm ăn dài hạn trong tương lai.

Chú thích:

1 https://thuvienphapluat.vn: Hiệp định CPTPP

2 https://vietnambiz.vn: CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 1,32% đến năm 2035, tăng thêm hơn 20.000 việc làm mỗi năm. 2/11/2018

3 http://vi.rfi.fr/viet-na: Tạp chí Việt Nam. 3/9/2018

4 http://thoibaotaichinhvietnam.vn: Phòng chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu. 8/3/2019

5 https://baomoi.com”  Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 2 ‘tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ. 17/2/2019

6 Văn kiện Đại hội XII - 2016, tr40

Tài liệu tham khảo:

- https://thuvienphapluat.vn: Hiệp định CPTPP

- https://vietnambiz.vn: CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 1,32% đến năm 2035, tăng thêm hơn 20.000 việc làm mỗi năm. 2/11/2018

- http://vccinews.vn: Từ TPP đến CPTPP và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. 2/2 2018

- http://vi.rfi.fr/viet-na: Tạp chí Việt Nam. 3/9/2018

- http://hanoimoi.com.vn: 7 quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất Mỹ Latinh. 13/10/2015

- http://thoibaotaichinhvietnam.vn: Phòng chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu. 8/3/2019

- https://baomoi.com”  Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 2 ‘tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ’. 17/2/2019

- Văn kiện Đại hội XII - 2016, tr40

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những yếu tố an ninh Việt Nam cần quan tâm khi thực thi CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO