Hoạt động ngân hàng

Nỗ lực giảm lãi suất, đảm bảo vốn tín dụng cho nền kinh tế

ThS.Trần Trọng Triết 23/12/2024 - 18:43

Nhằm thực hiện có Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp điều hành lãi suất, tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất cho vay… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế dịp cuối năm. Đồng thời tăng cường các giải pháp kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Năm 2024 là năm với nhiều khó khăn, thách thức tác động rất lớn đến sự phục hồi sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tiêu dùng. Tuy nhiên, sự linh hoạt trong điều hành cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh/thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động nhằm giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đến nay đã giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

img_20241223_093630.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 12/2024 đạt khoảng 175.800 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cuối năm 2023. Có thể mức tăng trưởng sẽ cao hơn số ước, bởi nhu cầu tín dụng đang tăng cao do cho vay tiêu dùng, các lĩnh vực ưu tiên như gạo, thủy sản, nông nghiệp… đều tăng tốt.

Hiện nay, lãi suất huy động tăng nhẹ ở kỳ hạn dài, nhưng lãi suất cho vay nhìn chung ổn định và có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên, do các ngân hàng thương mại thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ và tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại rà soát quy định giảm thủ tục, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu tín dụng chính đáng, hỗ trợ tăng trưởng đạt mục tiêu.

Còn ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 115.163 tỷ đồng, tăng 7,8% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực các tổ chức tín dụng đầu tư cho vay vốn nhiều nhất, với dư nợ khoảng hơn 74.700 tỷ đồng. Trong số này, cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản và cho vay lúa gạo chiếm tỷ lệ cao nhất; lần lượt đạt khoảng 14.050 tỷ đồng và 15.000 tỷ đồng.

Ngành Ngân hàng Đồng Tháp dự tính, đến cuối năm 2024 tổng dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm khoảng trên 2.300 tỷ đồng nữa, đạt mức trên 117.510 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 10% so với đầu năm 2024. Đồng thời đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hơn 820 lượt khách hàng. Tổng dư nợ được hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình là khoảng 1.038 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang chia sẻ, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước thực hiện đến cuối năm 2024, đạt 126.026 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại các chi nhánh ngân hàng thương mại là 7,89%/năm; cho vay trung hạn là 11,05%/năm và dài hạn là 9,16%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân của các chi nhánh ngân hàng thương đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1% - 5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6 - 7%/năm đối với trung và dài hạn.

Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 135/CĐ-TTg ngày 16/12/2024, về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng. Công điện của Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của Chính phủ. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, đảm bảo thanh khoản hệ thống.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giảm lãi suất, đảm bảo vốn tín dụng cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO