Nhìn ra thế giới

Nước Mỹ đã từ con số không trở thành nước xuất khẩu khí đốt nhiều nhất thế giới như thế nào?

Đăng Tuấn 05/02/2024 11:40

Cục diện ngành sản xuất và cung cấp khí đốt toàn cầu đã thay đổi chóng, chỉ trong vòng 8 năm, nước Mỹ đã tăng tốc từ một nước gần như không xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài thành một nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

daurefiningcommunity.jpg
Ảnh: Refining Community

Sự dịch chuyển này đã giúp cho nhiều công ty dầu và khí đốt tại Mỹ hưởng lợi cũng như gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạt động khí hậu toàn cầu, việc Mỹ gia tăng xuất khẩu khí đốt sẽ có thể khiến cho tình trạng ấm lên trên toàn cầu trở nên tệ hại hơn.

Vào tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sẽ làm chậm quá trình cấp phép các cơ sở sản xuất và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng mới để có thể nghiên cứu sâu hơn về tác động của nhóm này lên biến đổi khí hậu, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.

Thế nhưng ngay cả với sự “hãm phanh” này, nước Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt trước năm 2027, bởi xét đến quy mô của các dự án đã cấp phép và hiện đang được triển khai. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ khó có sự mở rộng của ngành sau khoảng thời gian đó.

Hiện tại, các cuộc tranh luận về tương lai của ngành khí đốt trên thế giới tập trung chủ yếu xoay quanh một vấn đề: Khi mà chính phủ các nước trên khắp toàn cầu cam kết dịch chuyển khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vậy thế giới sẽ cần thêm bao nhiêu khí đốt tự nhiên?

Sự bùng nổ của xuất khẩu khí đốt Mỹ ban đầu khiến cho nhiều nhà hoạch định chính sách ngay tại chính nước Mỹ cảm thấy bất ngờ. Đầu thập niên 2000, khí đốt tại Mỹ không có nhiều, các doanh nghiệp nội địa phải chi ra hàng tỷ USD để xây các khu vực tiếp nhận khí đốt nhập khẩu từ Qatar hoặc Australia.

Công nghệ quá trình chiết xuất khí thiên nhiên từ sâu trong lòng đất (fracking) đã thay đổi tất cả. Vào đầu thập niên 2000, các doanh nghiệp Mỹ đã hoàn thiện được kỹ thuật khai thác nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ từ các đá phiến.

Cùng thời điểm đó, giá khí đốt trên toàn cầu bắt đầu tăng vọt, đặc biệt sau khi Nhật đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau vụ nổ của lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima vào năm 2011, nhu cầu nhiên liệu của Nhật tăng cao đột biến so với năng lực cung ứng của nước này.

Cục diện trên thị trường khí đốt toàn cầu thay đổi. Nhiều doanh nghiệp Mỹ, dẫn đầu bởi Công ty Cheniere Energy, bắt đầu chi hàng tỷ USD để chuyển các khu tiếp nhận khí đốt nhập khẩu chuyển sang công năng xuất khẩu. Xuất khẩu khí đốt Mỹ sang nhiều nước khác tăng vọt.

Đường ống là kênh vận chuyển khí đốt thuận tiện nhất. Để có thể vận chuyển liên lục địa, khí đốt cần phải được chuyển sang dạng lỏng. Quá trình vận chuyển khí đốt khá phức tạp và làm đội chi phí lên cao, tuy nhiên nếu sự khác biệt về giá giữa khí đốt tại Mỹ và ở các nước khác đủ lớn, người kinh doanh vẫn có lãi.

“Câu chuyện ở đây là bài toán kinh tế. Sản xuất tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, giá khí đốt duy trì ở ngưỡng thấp. Tại các khu vực kinh tế khác trên thế giới, nhu cầu khí đốt tại phần còn lại của thế giới vẫn tăng trưởng”, giám đốc cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thuộc đại học Rice – ông Kenneth Medlock phân tích.

Những năm gần đây, châu Âu đã nổi lên trong vị thế của nhà nhập khẩu nhiều khí đốt Mỹ nhất thế giới, nhờ vào đó, châu Âu có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt Nga tính từ khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát năm 2022.

Trong tương lai, châu Âu sẽ có thể giảm hơn nữa nhu cầu khí đốt bằng việc sử dụng thêm năng lượng tái tạo ví như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Những thị trường có nhu cầu khí đốt tăng trưởng nhanh nhất dự kiến đều tập trung tại khu vực châu Á, ví như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Việt Nam muốn sử dụng nhiên liệu để sản xuất điện, sưởi ấm hoặc phục vụ trong ngành công nghiệp.

Nhưng khi xuất khẩu khí đốt của Mỹ vẫn tiếp tục tăng, giới phân tích chỉ trích về ảnh hưởng khí hậu từ việc vận chuyển và kinh doanh khí đốt tăng trưởng nóng trên khắp thế giới.

Lần gần nhất Bộ Năng lượng Mỹ có nghiên cứu về vấn đề này là vào năm 2019, cơ quan này từng kết luận rằng khí đốt hóa lỏng thải ra ít hiệu ứng nhà kính hơn bất kỳ loại than đá và khí đốt nào trên khắp thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa việc tăng cường xuất khẩu sản phẩm này sẽ có thể giúp làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hơn so với nhiều loại hình nhiên liệu hóa thạch khác. Thời gian vừa qua, khi thiếu khí đốt, một số nước như Pakistan hay Bangladesh đã lựa chọn tiêu thụ thêm nhiều than đá.

Từ năm 2016, các doanh nghiệp năng lượng Mỹ đã có 7 nhà máy tại bang Texas, Louisiana, Maryland và Georgia, xuất khẩu khoảng 11,4 tỷ khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Ngoài ra, còn 5 dự án khác đã được cấp phép và đang được triển khai, dự kiến sẽ có công suất xuất khẩu ước tính khoảng 9,7 tỷ khối/ngày vào năm 2027, gần gấp đôi năng lực xuất khẩu của Mỹ. Không chỉ vậy, còn 3 nhà máy khác hiện đang được xây dựng ở Mexico, nhóm các nhà máy này sẽ tiếp nhận khí đốt từ Mỹ qua đường ống và sau đó vận chuyển ra nước ngoài.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ đã từ con số không trở thành nước xuất khẩu khí đốt nhiều nhất thế giới như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO