Nhìn ra thế giới

Phân tích những yếu tố ngăn cản giá dầu lên mức 100USD/thùng trong năm 2024

Đăng Tuấn 28/12/2023 - 10:11

Trong bối cảnh hàng loạt các quyết định cắt giảm sản lượng được đưa ra, quá trình hồi phục chậm chạp của kinh tế Trung Quốc như “vật cản” đối với đà tăng của giá dầu.

daureuters9.jpg

Thị trường dầu toàn cầu nhiều khả năng đương đầu với một số thách thức trong năm 2024 bao gồm khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng chững lại, nhu cầu dầu từ những nền kinh tế lớn cũng như Trung Quốc giảm đi, cùng lúc đó, sản xuất dầu thu hẹp về quy mô sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu trong năm 2024.

Những điểm nhấn chính của thị trường dầu thô thế giới năm 2023


Thị trường dầu năm 2023 có một số đặc điểm nổi bật, quan trọng nhất chính là việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) liên tục giảm sản lượng trong thời gian dài. Tính chung, OPEC+ cung cấp khoảng 40% tổng nguồn cung dầu ra toàn thế giới.

Tháng 4/2023, nhóm này thông báo cắt giảm sản lượng bổ sung 1,65 triệu thùng dầu/ngày trong khi đó ngưỡng đồng thuận ở lần họp trước đó là 2 triệu thùng dầu/ngày được thống nhất vào tháng 10/2022. Như vậy, tổng mức sản lượng cắt giảm ước tính khoảng 3,66 triệu thùng dầu/ngày tương đương khoảng 3% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.

Xu thế OPEC+ cắt giảm sản lượng đã ngày một trở nên phổ biến khi mà vào tháng 6/2023, Saudi Arabia, nước nắm quyền lãnh đạo OPEC và cũng là một trong ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung 1 triệu thùng dầu/ngày với mục tiêu tăng cường sự ổn định và cân bằng trên các thị trường dầu. Giá dầu từng lập đỉnh 97USD/thùng, tương đương mức tăng 25% tính từ tháng 6/2023. Đến tháng 11/2023, OPEC đồng ý kéo dài thời hạn các quyết định giảm sản lượng sang quý đầu năm 2024.

Trong bối cảnh hàng loạt các quyết định cắt giảm sản lượng được đưa ra, quá trình hồi phục chậm chạp của kinh tế Trung Quốc như “vật cản” đối với đà tăng của giá dầu. Tăng trưởng kinh tế châu Âu cũng sụt giảm, nhu cầu dầu tại Đức giảm ước tính 90.000 thùng/ngày trong năm 2023, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Hơn thế nữa, sản lượng ngành sản xuất của Mỹ giảm liên tiếp 13 tháng.

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, tuy nhiên, không gây ra nhiều ảnh hưởng lên giá dầu.

Giá dầu không thể chạm mức 100USD/thùng trong năm 2024


Dựa trên những thông tin về cung cầu dầu ở hiện tại, không ngạc nhiên nếu nguồn cung dầu năm sau hết sức dồi dào bởi sản lượng từ Mỹ tăng cao, đồng thời hoạt động kinh tế toàn cầu có phần chững lại. Hơn thế nữa, Brazil, Guyana, Nauy và Canada cũng sẽ cung cấp ngập dầu ra thị trường. Những yếu tố này góp phần lý giải cho việc liệu giá dầu có thể chạm ngưỡng 100USD/thùng vào năm 2024 hay không. Nếu không có yếu tố bất thường về địa chính trị, khả năng giá dầu chạm ngưỡng 100USD/thùng sẽ không thể xảy ra.

IEA tin rằng nhu cầu dầu trong năm sau sẽ tăng lên. IEA dự báo tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng 1,1 triệu thùng dầu/ngày trong năm 202, đồng thời nhấn mạnh sản lượng dầu từ các nước ngoài OPEC sẽ đóng góp thêm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày vào nguồn cung toàn cầu. Còn theo quan điểm của OPEC, nhu cầu dầu thế giới năm 2024 sẽ tăng khoảng 2,25 triệu thùng dầu/ngày.

Nhìn từ góc độ phân tích kỹ thuật, giá dầu có ngưỡng hỗ trợ quan trọng ở mốc 65USD/thùng (với dầu WTI) và ngưỡng khoảng hơn 60USD/thùng (với dầu Brent), nếu suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra. Thừa nhận về kịch bản kinh tế toàn cầu chững lại, Goldman Sachs đã hạ dự báo với giá dầu Brent xuống ngưỡng 80 cho đến 81USD/thùng.

Dự báo này trái ngược hoàn toàn với IEA, IEA dự báo giá dầu ở ngưỡng trung bình khoảng 82,57USD/thùng. Barclays đưa ra dự báo giá dầu cao hơn, trung bình ở ngưỡng khoảng 93USD/thùng trong năm 2024 còn S&P Global tin rằng mức giá dầu trung bình năm 2024 ước khoảng 85USD/thùng.

Xu thế quan trọng nhất cần phải theo dõi để có thể hiểu hơn về triển vọng giá dầu năm 2024 chính là diễn biến của kinh tế toàn cầu khi mà nhu cầu dầu được cho là đồng nghĩa với thực trạng của các hoạt động kinh tế.

Khi mà OPEC+ giảm sản lượng, theo lý giải của một số chuyên gia, điều này không phải bắt nguồn từ việc do trên thị trường có thêm dầu mà bởi nhóm này đủ khôn ngoan để dự báo về khả năng kinh tế toàn cầu chững lại.

Nhìn về triển vọng năm 2023, các chỉ báo kinh tế không thực sự tích cực, khả năng suy thoái, bất chấp những dự báo về kịch bản “hạ cánh mềm”, vẫn ở ngưỡng cao. Kết quả, giá dầu năm 2024 có triển vọng đi xuống nhiều hơn là tăng trưởng.

Dầu thô là sản phẩm hàng hóa có tính quan trọng chiến lược trên thế giới. Ước tính có đến hơn 4.000 sản phẩm được sản xuất từ dầu thô, giá dầu thô ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế thế giới cũng như cuộc sống con người.

Giá dầu tăng cao đồng nghĩa chi phí vận tải tăng lên, giá cả hàng hóa dịch vụ đồng loạt tăng. Hơn thế nữa, giá năng lượng tăng cũng khiến cho lạm phát leo thang và làm suy giảm sức mua hàng hóa của người tiêu dùng.

Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu giảm gần 2%. Phiên giảm ngày hôm qua như vậy không khỏi lấy đi thành quả tăng của phiên liền trước khi nhà đầu tư theo dõi diễn biến căng thẳng trên Biển Đỏ. Nhiều doanh nghiệp tàu biển của thế giới trở lại khu vực này bất chấp căng thẳng leo thang.

Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 1,42USD/thùng tương đương 1,8% xuống 79,65USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 1,46USD/thùng tương đương 1,9% xuống 74,11USD/thùng.

Công ty vận tải Thụy Điển Maersk công bố đã sắp xếp một số tàu vận tải công ten nơ quay trở lại khu vực kênh đào Suez và Biển Đỏ trong những tuần sắp tới sau khi công bố tạm hoãn ba tuyến trong tháng này.

Theo Reuters, Euronews
Copy Link
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân tích những yếu tố ngăn cản giá dầu lên mức 100USD/thùng trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO