(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ 16/6-15/7/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 99 tỷ đồng.
|
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm.
Từ 16/6-15/7/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 99 tỷ đồng đồng; số thu ngân sách đạt hơn 23 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 3 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ.
Trong đó, có một số vụ việc điển hình như ngày 12/7/2021, Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng đã phối hợp Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP Hải Phòng kiểm tra, kiểm soát phát hiện 1 đối tượng đi trên tàu Biển Đông Mariner từ HongKong nhập cảnh Việt Nam có hành vi vận chuyển trái phép trang sức kim loại quý. Hàng hóa vi phạm gồm 481 vật phẩm Kim loại (dây chuyền, nhẫn, vòng tay, mặt dây, hoa tai) và 1.760 viên với vật thể hình dạng khác nhau kích thước không đồng nhất.
Ngày 17/7/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã phối hợp với Đội Kiểm soát Chống buôn lâu Khu vực miền Trung và Hải đội Kiểm soát Chống buôn lâu trên biển Khu vực miền Trung - Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Cảnh sát môi trường; Bộ tư lệnh CA biển 2; Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng tiến hành kiểm tra 1 container hàng được vận chuyển từ Nam Phi về Cảng Tiên Sa, phát hiện có chứa 3.176kg xương động vật và 138,7kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác).
Tổng cục Hải quan nhận định tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 7/2021 diễn biến không phức tạp. Các vụ bắt giữ chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ, trị giá hàng vi phạm thấp được vận chuyển trái phép qua biên giới. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, đồ chơi trẻ em, gỗ, gia cầm, sản phẩm đông lạnh…
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy, Tổng cục Hải quan đã ban hành: (i) Công văn cảnh báo phương thức, thủ đoạn và tăng cường công tác kiểm soát ma túy; (ii) Thông báo 8 chất “ma túy mới” lần đầu phát hiện tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm soát hải quan, đã ban hành Kế hoạch điều tra, xác minh bổ sung việc nhập khẩu 50 container gỗ của Công ty TNHH Inbe Á Châu có dấu hiệu vi phạm.