Ngày 23/8, Hội thảo "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số" do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo tập trung trao đổi về những cơ hội và thách thức của ngành nhằm tìm ra giải pháp để đón đầu ưu việt làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý của các bộ, ban, ngành như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông... các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các chuyên gia trong nước và quốc tế và đông đảo nghệ sĩ, người hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo có nhiều tiềm năng trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, kết nối toàn cầu trên nhiều lĩnh vực và con người am và đang có những tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo nói riêng.
Được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới, các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam bộc lộ nhiều lợi thế và đứng trước cơ hội vươn lên trở thành một trong những khu vực có khả năng thích ứng cao với những đổi mới như vũ bão của kỷ nguyên số, đóng góp cho sự tăng trưởng về kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nhận định, công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, bảo đảm sự tiếp cận cho tất cả mọi người. Mặt khác, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đền quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
Thông qua hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa hi vọng các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa, nghệ thuật... sẽ cùng nhau trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số, phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay.
Từ góc nhìn của Netflix, bà Nguyệt Nguyễn Phillips - Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á của Netflix hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo Việt Nam bằng cách lan tỏa những câu chuyện của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu. Đồng thời, tin tưởng hội thảo sẽ là một diễn đàn quan trọng để khu vực công và tư nhân cùng trao đổi ý kiến, hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số
Tại hội thảo, nhóm tác giả gồm các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam. Đây được xem là điểm nhấn, nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời tại hội thảo.
Cụ thể, nhóm tác giả đã cung cấp cho người nghe cái nhìn khá toàn diện và chi tiết gồm hệ thống chính sách vĩ mô, các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và chính sách riêng cho từng ngành. Từ đây, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Nghiên cứu trên cũng là một trong những cơ sở cho 2 phiên thảo luận tiếp nối ngay sau đó của hội thảo. Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức đối với các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số.
Nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên số cũng được đề xuất như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và chính sách, đặc biệt là cần nhanh chóng xây dựng và ban hành một chiến lược văn hóa số; tiếp tục chú trọng phát triển hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao; nhanh chóng hình thành một khung thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa, làm cơ sở đưa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo trong nền kinh tế số.
Đưa ra các lời khuyên bổ ích mà những doanh nghiệp, người làm văn hóa, sáng tạo Việt Nam nên có để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Luật sư Phan Vũ Tuấn, Giám đốc Công ty luật PhanLaw nhấn mạnh về việc phải cùng kiến nghị thay đổi chính sách, phải có tòa chuyên biệt cho sở hữu trí tuệ để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, người làm văn hóa, sáng tạo.
Đồng tình với các quan điểm được các diễn giả, PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng việc vận hành chính sách ở địa phương rất quan trọng. Nó cũng đòi hỏi lãnh đạo địa phương am hiểu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo để có thể điều hành.
PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho biết rất mong chờ ở chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia đang soạn thảo. Chương trình này có thể tăng kinh phí cho các ngành công nghiệp sáng tạo, đồng thời đặt các mục tiêu cho lãnh đạo học tập để am hiểu công nghiệp sáng tạo hơn.