Phát triển tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam

TS. Nguyễn hoàng Vĩnh Lộc - ThS. Đinh Văn Hoàn| 08/11/2021 08:13
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) -

Tóm tắt: Tín dụng tiêu dùng do các tổ chức tín dụng ở Việt Nam cung cấp trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng, mà còn cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều hạn chế của thị trường này cần phải tiếp tục khắc phục. Trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng do các TCTD ở Việt Nam cung cấp được xem là một giải pháp hữu hiệu để kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời, góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức mà trọng tâm là đẩy lùi “tín dụng đen”. Bài viết phân biệt sự khác nhau giữa cho vay tiêu dùng không có bảo đảm bằng tài sản và cho vay tín chấp theo Bộ luật Dân sự (2015) và Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nêu bật vai trò của tín dụng tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức, gợi ý một số khuyến nghị từ quan điểm chiến lược cho đến mô hình tổ chức và thiết kế sản phẩm, kể cả các biện pháp hỗ trợ, với mục đích giúp các TCTD Việt Nam phát triển được phân khúc tín dụng tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

PROMOTING CONSUMER CREDIT IN CREDIT INSTITUTIONS IN VIETNAM

Abstract: In recent years, consumer loan products provided by credit institutions in Vietnam have brought many benefits not only to themselves and customers but also to the whole economy. However, many of current weaknesses in this market still need to be improved. In the upcoming time, consumer loans shall be considered as a major driver to stimulate economic growth, at the same time contribute to wipe out “black credit”. First, this article is aimed to differentiate between consumer loans with and without secured measures under the Civil Law (2015) and Circulars on lending activities of credit institutions (2016) in Vietnam. Next, the article will show the role of consumer credit in pushing economic growth as well as contributing to wipe out informal credit, including “black credit”. Finally, the authors suggest some recommendations from strategic perspective on organizational model and product design, including supporting measures to help credit institutions in Vietnam to tap into the strong potential of consumer credit segment in years to come.

CHO VAY TIÊU DÙNG KHÔNG CÓ ĐẢM BẢO VÀ CHO VAY TÍN CHẤP

Tín dụng tiêu dùng (TDTD) là các khoản tín dụng được các tổ chức tín dụng (TCTD) cung cấp cho khách hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân như mua bất động sản (căn hộ, nhà ở, đất thổ cư), mua sắm hàng hóa tiêu dùng (xe cộ, hàng điện tử, hàng gia dụng), trang trải chi phí sinh hoạt (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, vận chuyển…), y tế (chi phí khám chữa bệnh), giáo dục (học phí, du học), thậm chí một vài khoản chi phí như ma chay, cưới hỏi cũng có thể được các TCTD đáp ứng bằng các khoản cho vay tiêu dùng ứng trước.

TDTD có thể được các TCTD cung cấp cho khách hàng bằng hình thức các khoản cho vay tiêu dùng hoàn trả một lần hay trả nợ theo từng kỳ hạn, chiết khấu các giấy tờ có giá, phát hành và sử dụng thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán hay thấu chi thẻ ghi nợ, cho vay tiêu dùng bảo đảm bằng tài khoản tiền gửi hoặc các giấy tờ có giá.

Tùy theo hàng hóa tiêu dùng được tài trợ mà các TCTD có thể cung cấp cho khách hàng các khoản TDTD ngắn hạn (tối đa 1 năm) hay trung dài hạn (trên 1 năm). Đối với hàng hóa tài trợ là các bất động sản cư trú, lâu bền hay giáo dục, các TCTD thường sẵn sàng cấp tín dụng có thời gian đến hạn trên 1 năm trở lên. Đối với các hàng hóa được tài trợ là chi phí sinh hoạt tiêu dùng hay các dịch vụ khác, các TCTD thường cấp tín dụng có thời gian hoàn trả tối đa 1 năm.

Các TCTD có thể cấp TDTD trực tiếp cho khách hàng cá nhân bằng các hợp đồng tín dụng được ký kết trực tiếp giữa TCTD với khách hàng hoặc gián tiếp thông qua việc mua lại các khoản TCTD chưa đến hạn thanh toán do các công ty bán hàng trả góp hoặc các TCTD khác cung cấp. Ở Việt Nam, hầu hết các TCTD đều cung cấp TDTD trực tiếp cho khách hàng thông qua việc trực tiếp xét duyệt cấp tín dụng hoặc liên kết với các chủ đầu tư dự án bất động sản hoặc các công ty bán hàng điện máy hay xe trả góp cho vay tiêu dùng trực tiếp đối với khách hàng.

Về phương thức trả nợ thì khi cấp TDTD, các TCTD có thể yêu cầu khách hàng hoàn trả nợ định kỳ bằng các kỳ hạn hoặc trả góp (tài trợ bất động sản cư trú, hàng lâu bền, y tế, học phí, du học) hoặc trả nợ một lần khi đến hạn (cấp TDTD bảo đảm bằng giấy tờ có giá hay chiết khấu các giấy tờ có giá, cho vay tiêu dùng ứng trước cho nhu cầu trang trải chi phí ma chay, cưới hỏi), hoàn trả theo yêu cầu (thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán hay thẻ ghi nợ, phát hành và sử dụng thẻ tín dụng).

Tùy theo tài sản, hàng hóa, dịch vụ được tài trợ mà các TCTD có thể yêu cầu khách hàng bảo đảm bằng tài sản hoặc không yêu cầu khách hàng phải bảo đảm bằng tài sản. Thông thường, tài sản được sử dụng để bảo đảm cho các khoản TDTD là tài sản được tài trợ hoặc tài sản khác thuộc quyền sở hữu của khách hàng thông qua hình thức thế chấp tài sản (bất động sản cư trú, xe cộ, tài khoản tiền gửi, giấy tờ có giá) hoặc được bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba. Đối với các hàng hóa được tài trợ là thực phẩm, dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, vận chuyển, hàng điện tử, hàng gia dụng, ma chay, cưới hỏi, các TCTD thường cấp tín dụng cho khách hàng mà không yêu cầu phải có tài sản bảo đảm vì các mục đích khoản vay này thường là những chi phí tiêu dùng không quá lớn và, hơn nữa, chúng thường là loại sản phẩm vô hình hay các tài sản mà giá trị thị trường có xu hướng giảm nhanh hơn dư nợ TDTD còn lại của khách hàng vay tiêu dùng.

Ngoài hình thức cấp TDTD có và không có bảo đảm bằng tài sản, hiện nay ở Việt Nam, các TCTD còn có thể cấp TDTD cho khách hàng bằng các khoản cho vay tiêu dùng bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại điều 344 Bộ luật Dân sự (2015) và Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm của Chính phủ (hiện nay là Nghị định 21/2021). Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại TCTD để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở bao gồm Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các tổ chức chính trị - xã hội có nghĩa vụ chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với TCTD giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho TCTD. Tuy nhiên, các tổ chức chính trị - xã hội không có nghĩa vụ trả nợ thay cho người vay là thành viên của mình.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm nói chung, bảo đảm tiền vay nói riêng thì tín chấp là một biện pháp bảo đảm của các tổ chức chính trị - xã hội cho các thành viên của mình vay các TCTD. Nói cách khác cho vay bảo đảm bằng tín chấp của người vay thực chất là hình thức cho vay không có bảo đảm của các TCTD đối  với khách hàng.

VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG TIÊU DÙNG ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

Theo các nhà kinh tế học thì tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình là một trong các biến giải thích cho biến tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của một quốc gia. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, các cá nhân và hộ gia đình có thể sử dụng thu nhập, tiết kiệm, trợ cấp hoặc vay mượn từ thị trường tín dụng chính thức hay phi chính thức.

Trong phần giới thiệu của Đạo luật tín dụng tiêu dùng ở Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (U.S. Federal Trade Commission) nhấn mạnh TDTD là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế quốc gia này. Khả năng vay tiền dễ dàng của người tiêu dùng cho phép một nền kinh tế được quản lý tốt hoạt động hiệu quả hơn và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng tiêu dùng là một trong ba động lực của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Do đó, cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng nội địa. Nhiều TCTD đã dựa vào TDTD để tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tín dụng sản xuất tăng trưởng chậm. Việt Nam là một thị trường tiêu dùng rất lớn và đầy tiềm năng khi mà tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình chiếm tới khoảng 80% GDP của Việt Nam.

TDTD sẽ thúc đẩy tiêu dùng từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động lên tổng cầu. Những năm gần đây, TDTD đã tăng với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ tăng của cấu phần tiêu dùng cuối cùng trong GDP (năm 2018 là 29% và 7% tương ứng). Điều đó cho thấy TDTD đang là công cụ quan trọng để hỗ trợ cấu phần tiêu dùng trong GDP của Việt Nam (Vân Anh, 2019).

Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa TDTD và tăng trưởng kinh tế cũng đã được thực nghiệm ở một số nước. Chẳng hạn như nghiên cứu của Andrew B. Luckman (2015) về mối quan hệ giữa cho vay tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế ở 4 quốc gia là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc và Nhật Bản bằng kỹ thuật phân tích hồi quy đa biến đã cho thấy có một mối quan hệ đồng thời có ý nghĩa thống kê giữa cho vay tiêu dùng và tăng trưởng GDP/đầu người ở các quốc gia này. Lấy thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc làm đối tượng nghiên cứu, Hong Peng (2019) đã chọn dữ liệu về dư nợ TDTD cá nhân và dữ liệu GDP trong quý I/2011 đến quý IV/2017, kiểm chứng ảnh hưởng của TDTD đối với tăng trưởng kinh tế và kết luận rằng cán cân TDTD và tăng trưởng kinh tế ở Đồng Nhân cân bằng trong dài hạn, nhưng có mức độ mất cân đối lớn về cơ cấu giữa các loại.

Đứng ở góc độ xã hội, việc các TCTD phát triển TDTD bằng cách đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xét duyệt online trong vòng vài giờ, chấp nhận cho vay những nhu cầu mang tính cấp bách như chữa bệnh, đóng học phí, ma chay, phát triển các sản phẩm TDTD tiện lợi như thẻ tín dụng tiêu dùng, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán, cho vay tiêu dùng không cần tài sản đảm bảo cho những đối tượng có nghề nghiệp ổn định, khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang,… sẽ có tác dụng đáng kể trong việc đẩy lùi tín dụng phi chính thức, đặc biệt là ‘tín dụng đen” núp bóng tín dụng chính thức dẫn dụ người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát, gây ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

THỰC TRẠNG TÍN DỤNG TIÊU DÙNG VÀ TÍN DỤNG PHI CHÍNH THỨC Ở VIỆT NAM

TDTD đã có bước tăng trưởng mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo các số liệu được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì tính đến cuối tháng 8/2020, dư nợ TDTD của các TCTD đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 19,98% so với tổng dư nợ của nền kinh tế). So với thời điểm cuối năm 2019, TDTD đã tăng được 2,37% (tương đương 23,11 nghìn tỷ đồng). TDTD đã tăng trung bình 20% năm giai đoạn 2012-2020. Mức tăng này là khá ấn tượng so với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong giai đoạn này (14-15%). Trong tổng dư nợ TDTD đến cuối năm 2019, dư nợ TDTD của các công ty tài chính chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các ngân hàng thương mại (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%) (Cấn Văn Lực, 2020). Các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.

Bên cạnh TDTD chính thức do các TCTD cung cấp cho khách hàng, hiện nay ở Việt Nam cũng đang tồn tại khu vực tín dụng phi chính thức hay còn gọi là khu vực thị trường tín dụng ngầm nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là khu vực thị trường vay mượn giữa các chủ thể là các tổ chức và cá nhân không được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cũng như không chịu sự điều chỉnh của Luật các TCTD. Các chủ thể vay mượn ở khu vực thị trường tín dụng phi chính thức cũng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cấp bách cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đánh bạc hay trả nợ.

Trong khu vực thị trường tín dụng phi chính thức có một phần là “tín dụng đen”. Theo Nugent (1941) thì thuật ngữ “tín dụng đen” thường được sử dụng để mô tả những người cho vay những khoản vay nhỏ, thời hạn cho vay và trả nợ ngắn với mức phí cao hơn so với luật pháp cho phép. Nhóm các nghiên cứu Miller (1966), Kaplan và Matteis (1968), Shergold (1978) đều cho rằng “tín dụng đen” là việc cho vay với tỷ lệ cao hơn giới hạn theo quy định của pháp luật hoặc định mức được xã hội chấp nhận. Đây là nguồn thu quan trọng nhất của hoạt động tội phạm có tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ đánh bạc. Các khoản thanh toán phải được trả vào ngày giờ xác định, sự chậm trễ trong việc trả nợ có thể sẽ dẫn đến một mức lãi suất cao hơn thậm chí là sự truy đòi gắt gao. Ngoài ra, những đối tượng cho vay nặng lãi đã thâm nhập được cả vào các ngân hàng và doanh nghiệp hợp pháp, núp bóng các tổ chức này để tiếp tục mở rộng các hoạt động phi pháp  (Lê Hoàng Anh, 2020).

Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp luật nào để giải thích như thế nào là “tín dụng đen” nhưng có thể hiểu đó là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp và không phù hợp với các quy định của pháp luật. Với cách hiểu như vậy có thể thấy “tín dụng đen” có ba đặc trưng cơ bản để nhận biết là (i) nằm ngoài hệ thống các tổ chức tài chính, (ii) lãi suất cắt cổ, và (iii) gắn với các hành vi vi phạm pháp luật (Trung tâm Nghiên cứu BIDV, 2019).

Cũng theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu BIDV thì quy mô thị tín dụng phi chính thức tại Việt Nam đến cuối năm 2018 tương đương khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế; trong đó, quy mô “tín dụng đen” chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương từ 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng từ 450-550 nghìn tỷ đồng. Đây không phải con số lớn nhưng hệ lụy xã hội thì rất lớn, rất phức tạp và cần lưu tâm xử lý.

PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TIÊU DÙNG  CỦA TCTD VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI

Để phát triển TDTD của các TCTD nhằm đẩy lùi tín dụng phi chính thức, đặc biệt là ‘tín dụng đen”, cần có sự thay đổi căn bản từ nhận thức và quan điểm chiến lược cho đến mô hình tổ chức, đồng thời thiết kế sản phẩm sao cho thật sự phù hợp với đối tượng khách hàng yếu thế, dễ mặc cảm, dễ tổn thương và dễ bị rơi vào vòng xoáy của “tín dụng đen”. Muốn vậy, cần làm tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất, về quan điểm chiến lược, các TCTD phải xem việc phát triển TDTD nhằm mục đích đẩy lùi tín dụng đen vừa là cơ hội kinh doanh, vừa là mảng thị trường phi truyền thống ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức cho các TCTD khi các TCTD chưa có  nhiều kinh nghiệm cho vay trên thị trường này. Đây còn là cơ hội để các TCTD xây dựng hình ảnh thân thiện và gần gũi với mọi nhà và mọi người. Nếu không nói quá thì việc phát triển TDTD nhằm mục đích đẩy lùi tín dụng đen còn được xem là trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống, đặc biệt là các NHTM Nhà nước và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam. Do đó, tổ chức thực hiện và thiết kế sản phẩm phải hoàn toàn khác với việc tổ chức và phát triển các sản phẩm tín dụng truyền thống của các TCTD. Mặt khác, việc phát triển mạnh TDTD thời gian tới hoàn toàn phù hợp với xu thế chuyển hướng kinh doanh của nhiều TDTD ở Việt Nam để từng bước thâm nhập thị trường TDTD còn nhiều triển vọng tiềm năng trong tương lai.

Thứ hai, về mô hình tổ chức, với phân khúc TDTD đáp ứng cho đối tượng khách hàng thu nhập thấp và không đạt chuẩn cấp TDTD truyền thống của các TCTD, cách tốt nhất là các TDTD nên thành lập các công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc để khai thác mảng thị trường còn nhiều tiềm năng này. Việc thành lập các công ty tài chính tiêu dùng nhằm mục đích chuyên môn hóa hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho các TCTD và khách hàng. Đầu tiên là TCTD có điều kiện tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ nhân sự có tố chất và khẩu vị phù hợp với đối tượng khách hàng rủi ro cao. Bên cạnh đó, còn giúp cho bộ phận nhân sự cho vay tiêu dùng không bị quá tải nếu các TCTD sử dụng bộ phận nhân sự cho vay tiêu dùng để phát triển TDTD. Mặt khác, TCTD sẽ kiểm soát rủi ro tốt hơn do bộ phận nhân sự cho vay tiêu dùng hiện tại chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng vay tiêu dùng đạt chuẩn, còn bộ phận nhân sự tài chính tiêu dùng thì được đào tạo cho phù hợp với đối tượng khách hàng thu nhập thấp và rủi ro cao. Cuối cùng, một khi số lượng các công ty tài chính tiêu dùng tăng lên nhiều sẽ buộc các công ty này phải cạnh tranh bằng việc ngày càng đơn giản hóa thủ tục, hạ lãi suất, minh bạch hóa trong cách tính lãi và phí, giảm thiểu tình trạng đòi nợ phi pháp.

Thứ ba, về việc thiết kế sản phẩm, các TCTD cần thiết kế được từng loại sản phẩm TDTD phù hợp với từng loại nhu cầu và từng đối tượng khách hàng, chẳng hạn như các sản phẩm cho vay đóng học phí, cho vay chi phí làm đám cưới, cho vay chi phí ma chay theo định mức, cho vay tín chấp thành viên các tổ chức chính trị xã hội, thấu chi tài khoản tiền gửi, cho vay bảo đảm bằng giấy tờ có giá, phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tiêu dùng, cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng gia dụng, cho vay trả góp hàng điện tử, cho vay tiêu dùng bảo đảm bằng bảo lãnh, cho vay tiêu dùng không có bảo đảm cho các đối tượng là cán bộ công nhân viên khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang.

Các TCTD cần đơn giản hóa về thủ tục, không yêu cầu người vay phải chứng minh bằng xác nhận thu nhập mà chỉ cần kê khai nghề nghiệp, số năm làm việc và mức thu nhập hiện tại qua tin nhắn SMS để các chuyên viên tín dụng thẩm định và kiểm chứng. Các TDTD cần minh bạch hóa về phương pháp tính lãi trong từng sản phẩm. Các TCTD cũng cần thực hiện nhiều biện pháp để tránh các hành vi giả mạo hay nhờ vay giùm, thông báo đến tận email hoặc điện thoại hay các tài khoản mạng xã hội về kết quả xét duyệt cho vay của TCTD.

Các TCTD cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ nhận dạng người vay trong khâu xét duyệt và giải ngân, đồng thời có cơ chế chia sẻ dữ liệu người vay tiêu dùng giữa các TCTD và với Trung tâm thông tin tín dụng, tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ tài chính để cải tiến và phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ một cách thực chất và hiệu quả, phát triển các phần mềm đăng ký, xét duyệt cho vay và giải ngân trực tuyến trong ngày.

Thứ tư, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần hỗ trợ các TCTD trong chia sẻ dữ liệu người vay tiêu dùng và hướng dẫn việc phát triển công nghệ chấm điểm tín dụng khách hàng vay tiêu dùng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đồng thời có quy định phù hợp về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khách hàng vay tài chính tiêu dùng và hệ số rủi ro trong tính tỷ lệ an toàn vốn nhằm khuyến khích các TCTD phát triển TDTD hướng đến mục đích đẩy lùi tín dụng đen.

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Thanh Cai (2019), Giải pháp ngăn chặn hữu hiệu hoạt động tín dụng đen, Tạp chí Tài chính tháng 6/2019

- Nguyễn Mạnh Hùng & Nguyễn Thị Minh Hằng (2014), Tín dụng đen - Mối quan hệ với tín dụng chính thức và giải pháp để hạn chế; Tạp chí Nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ, khoa học của Học viện CSND

- Đoàn Thị Thanh Hương và Vũ Mai Chi (2020), Đánh giá giải pháp ngăn chặn tín dụng đen thời gian qua và một số khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng số 23/2019

- Phạm Hải Nam (2019), Thực trạng và giải pháp Quản lý hoạt động “tín dụng đen” ở Việt Nam, Tạp chí tài chính tháng 2/2019

- AB Luckman (2015), The Relationship Between Consumer Lending and Economic Growth, ir.library.oregonstate.edu

- Hong Peng (2019), The Impact of Consumer Credit on Economic Growth Taking Tongren City of Guizhou Province as an Example, https://www.atlantis-press.com/proceedings/iccese-19/55916006, truy cập 15/3/2021

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 7, tháng 4/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO