Tín dụng tiêu dùng phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế

ThS.Trần Trọng Triết| 08/05/2021 08:06
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nếu tín dụng sản xuất, kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thì tín dụng tiêu dùng (TDTD) sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và làm tăng tổng cầu.

Tóm tắt: Nếu tín dụng sản xuất, kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thì tín dụng tiêu dùng (TDTD) sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và làm tăng tổng cầu. Khi tổng cầu tăng sẽ trở thành động lực cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng việc làm, nâng cao thu nhập. Tăng trưởng kinh tế là hệ quả của sự tác động tương hỗ nhịp nhàng của hai loại tín dụng này. Bài viết chỉ ra những tiềm năng phát triển TDTD tại Việt Nam và những điểm còn bất cập từ cơ chế đến thị trường.

CONSUMER CREDIT REFLECTS THE "HEALTH" OF THE ECONOMY

Abstract: If credit for production and business promotes production of goods and  services supply, consumer credit will promote the consumption of goods and services and increase aggregate demand. When the aggregate demand increases, it will become the driving force for production, business to develop, increase jobs, and income consequently. Economic growth is the result of the smooth mutual effects of these two types of credit. The article points out development potentials of consumer credit in Vietnam and shortcomings from the mechanism to the market.

TIỀM NĂNG LỚN

Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng.

Với thực tế thị trường hiện nay, “dư địa” cho tài chính tiêu dùng rất lớn nếu nhìn về quy mô và mạng lưới hoạt động. Chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính dư nợ TDTD đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (gấp 7 lần so với mức 230.000 tỷ đồng năm 2012). Tỷ trọng TDTD trong tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 20,5%, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Mức tăng trưởng của TDTD khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 14-15%). Trong tổng dư nợ TDTD (1,68 triệu tỷ đồng), dư nợ của các công ty tài chính chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các NHTM (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%).

Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Nếu so với hiện tại, dư địa cho tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn khá lớn (khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng), đó là chưa kể hàng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Dù đã đạt tới quy mô hơn 1 triệu tỷ đồng và chiếm khoảng 20,5% tổng dư nợ của nền kinh tế song tiềm năng và cơ hội của TDTD vẫn rất lớn.

Nhìn từ phía cầu, nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và ở mức cao trong những năm qua, thị trường tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và ổn định trong những năm tới. Euromonitor đưa ra dự báo rằng GPD thực của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng 91,4% trong giai đoạn 2019-2030. Ngoài ra, Vietstock tổng hợp nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Nielsen (2019)… cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất là (129) vào quý III/2018, chỉ sau Philippines (133) và Ấn Độ (132). Như vậy, có thể nhận định về phía cầu, tiềm năng tăng trưởng của tiêu dùng và cơ hội cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam thời gian tới là rất khả quan.

Xét về phía cung, các công ty tài chính và các NHTM chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vay tiêu dùng hiện tại vì những lý do cả khách quan và chủ quan. Thực tế cho thấy, chỉ một phần số lượng khách hàng có thể tiếp cận vay tiêu dùng tại các NHTM và công ty tài chính. Khi tiếp cận được thì cũng chỉ một phần nhu cầu vay tiêu dùng được đáp ứng, đặc biệt là sinh viên, nông dân. Theo Vietstock (2019), chỉ khoảng 50% khách hàng của công ty tài chính và 60% khách hàng của NHTM được vay và chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vay.

Tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các NHTM và các công ty tài chính cho thấy “dư địa” cho sự phát triển của TDTD là rất lớn.

Tại các quốc gia phát triển, TDTD là chỉ số phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế, bởi nó gắn chặt với tổng cầu của nền kinh tế. Nếu tín dụng sản xuất kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, TDTD sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và làm tăng tổng cầu. Khi tổng cầu tăng sẽ trở thành động lực cho sản xuất kinh doanh phát triển, tăng việc làm, nâng cao thu nhập. Tăng trưởng kinh tế là hệ quả của sự tác động tương hỗ nhịp nhàng của 2 loại tín dụng này. Hơn nữa, TDTD giúp việc sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), sản lượng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chiếm tỷ trọng chủ yếu đối với sự tăng trưởng của kinh tế. Trong bối cảnh tổng cầu các thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, việc kích cầu tiêu dùng nội địa là chính sách tất yếu và thông qua đó mở ra nhiều cơ hội.

Theo tính toán, quy mô thị trường TDTD tăng 1%, GDP sẽ tăng 0,12%. Khi nền kinh tế khó khăn, TDTD sẽ hỗ trợ sức mua của người dân, từ đó bảo vệ và hạn chế tính “tổn thương” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó giúp duy trì được nền sản xuất trong khủng hoảng, thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau khủng hoảng, tái lập cán cân cung-cầu toàn thị trường, tác động tích cực đến việc làm và thu nhập.

Đặc biệt, TDTD cung cấp cho người dân nguồn tài chính để chi tiêu, từng bước cải thiện đời sống thông qua việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp với chi phí hợp lý hơn, nhất là với nhóm khách hàng “dưới chuẩn”. Trong bối cảnh của Việt Nam, sự phát triển của TDTD còn có vai trò quyết định đối với mục tiêu hạn chế thị trường “tín dụng đen”, làm lành mạnh thị trường tài chính. TDTD còn giúp tính thanh khoản của các TCTD khi hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam đang có nền tảng khá vững với dự trữ ngoại hối đang ngày càng được củng cố, lạm phát thấp, lãi suất trái phiếu chính phủ thấp, thặng dư cán cân thanh toán giúp nguồn ngoại tệ dồi dào. Mục tiêu của Chính phủ hiện là khai thác thị trường nội địa tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, nghĩa là cơ hội phát triển cho nhu cầu nội địa nhưng chưa có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Do đó, cần làm rõ hơn vai trò của nhà sản xuất, người tiêu dùng, mối quan hệ chính phủ, nhà sản xuất, người tiêu dùng… Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế về trung hạn tốt là nền móng cho TDTD phát triển tốt.

TDTD CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Dù hoạt động TDTD có sự phát triển trong khoảng 10 năm qua, nhưng kèm theo đó cũng bộc lộ nhiều bất cập từ cơ chế đến thị trường.

Một là, dưới tác động của dịch COVID-19 khiến cho thu nhập của toàn bộ nền kinh tế giảm thấp, thu nhập khả dụng của mỗi cá nhân đều bị giảm thiểu và nhu cầu tiêu dùng cũng bị tiết giảm. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như quy mô hoạt động của các cơ sở kinh doanh và cung cấp dịch vụ khác cũng sẽ gặp khó khăn trong duy trì quy mô hoạt động, thậm chí phá sản. “COVID-19 không chỉ làm suy thoái kinh tế mà còn thay đổi cả thói quen và đời sống của người dân, do vậy sẽ gây ra tác động kép đối với TDTD, cả về nhu cầu sụt giảm và khả năng thu nợ. Tác động của dịch COVID-19 khiến tỷ lệ người lao động bị thất nghiệp, mất việc làm, giảm bớt giờ làm, suy giảm thu nhập ngày càng tăng. Theo đó, sức mua và thói quen tiêu dùng cũng giảm và thay đổi đáng kể. Theo số liệu từ Infocus Mekong, chi tiêu của hộ gia đình giảm bình quân 15% với các lĩnh vực về ăn uống, giáo dục, giải trí, nhà cửa… Còn theo WB, chỉ số gián tiếp mô phỏng tiêu dùng của hộ gia đình - doanh số bán lẻ trong nước - giảm 2,9%/tháng (so cùng kỳ năm trước) trong quý II/2020. Hệ quả tất yếu là nhu cầu vay tiêu dùng của người dân sẽ giảm tương ứng.

Hai là, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng khiến khả năng trả nợ trở nên bấp bênh. Theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 25% doanh nghiệp thành viên phải cắt giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương, trong khi khoảng 60% doanh nghiệp áp dụng chế độ giờ làm linh hoạt, hoặc giảm giờ làm và/hoặc đào tạo cho người lao động. Khối ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dẫn đến nguy cơ nợ xấu luôn hiện hữu khi thúc đẩy TDTD, đặc biệt đối với đối tượng khách hàng “dưới chuẩn”.

Ba là, trong nửa đầu năm 2020, tình hình nợ xấu của ngân hàng cũng có chiều hướng gia tăng. Theo tính toán của NHNN, mức tổng dư nợ có thể gặp nguy cơ rủi ro mất khả năng thanh toán do ảnh hưởng của đại dịch có thể lên đến 23%. Vì vậy, nếu tình trạng nợ xấu tiếp tục tăng lên từ TDTD sẽ tạo sự cộng hưởng nguy hiểm, ảnh hưởng đến rủi ro hệ thống.

Bốn là, dù khung pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng đã có nhiều sự thay đổi theo hướng hoàn thiện, song vấn đề cốt lõi về việc triển khai các biện pháp thu hồi nợ vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Các điều kiện bổ trợ cho hoạt động TDTD chưa được hình thành, bao gồm các dữ liệu dân cư, tiền lương, cơ chế quản lý nguồn thu của khách hàng vay nợ. Cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay cũng rất sơ khai. Quy định pháp luật còn chung chung, thiết chế bảo vệ chuyên biệt chưa được hình thành. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), dịch vụ TDTD là lĩnh vực bị khiếu nại nhiều nhất trong năm 2019.

Năm là, thị trường TDTD Việt Nam mới ở bước đầu phát triển. Hiện tại có khoảng 10 công ty tài chính, 4 tổ chức tài chính vi mô. Các thiết chế TDTD không chính thức khác đã hình thành và đang hoạt động rầm rộ, nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Thực trạng này làm TDTD chính thức và “tín dụng đen” bị hòa trộn trong nhận thức của người dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân vào TDTD. Khi thị trường TDTD chưa được hình thành đầy đủ, động lực cho việc giảm lãi suất sẽ không tồn tại. Đây là cơ hội để các TCTD cải cách toàn diện phương thức triển khai hoạt động TDTD từ quy trình, nhân sự, công nghệ đến chiến lược kinh doanh, nhưng cần thận trọng với những kịch bản sẵn sàng ứng phó các rủi ro trong tình hình bất định.

Sáu là, cần công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân khách hàng; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá; chấn chỉnh, kiểm soát hoạt động cho vay cầm đồ (Thông tư liên tịch 02); xử lý nghiêm tội cho vay nặng lãi, bắt buộc gỡ các ứng dụng (App) cho vay bất hợp pháp và truy tìm xử lý loại công ty ma này... Đặc biệt, giáo dục tài chính cá nhân là yêu cầu không thể thiếu.

Bảy là, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) có thể cập nhật thêm về dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán chi phí tiêu dùng của khách hàng như: thông tin BHXH, thông tin nộp thuế TNCN, thông tin thanh toán/nợ hóa đơn… vì các thông tin này rất hữu dụng cho tổ chức TDTD bảo đảm hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân được thực hiện đúng đối tượng để từ đó hạn chế tối đa nợ xấu.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 21/2020

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tiêu dùng phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO