Một phiên giao dịch không có sự dẫn dắt thuyết phục từ Ngân hàng hoặc các mã Vingroup khiến cho thị trường tiếp tục rung lắc thường xuyên hơn. VN-Index tiếp tục đóng cửa giảm điểm nhẹ.
Định vị thị trường
Dù đan xen các phiên điều chỉnh nhưng bối cảnh của chứng khoán châu Á vẫn đang có sự tích cực. Các chỉ số NIKKEI 225 (+2,19%) của Nhật Bản đã lập kỷ lục điểm số mới cùng với chỉ số TWSE (+0,94%) của Đài Loan, Trung Quốc. Còn KOSPI (+0,41%) cũng đang nỗ lực neo tại vùng đỉnh.
Các chỉ số SHCMP (+1,27%), SZI (+0,75%), SET (+0,68%) của Trung Quốc và Thái Lan cũng đang tiếp tục tăng đuổi theo những chỉ số tiên phong.
Bối cảnh thuận lợi từ khu vực khiến cho VN-Index khó xuất hiện sự đảo chiều về tín hiệu. Dù vậy, rung lắc vùng cao đang tiếp diễn sau khi chỉ số đã chạm vào mốc 1.230 điểm.
Chất xúc tác
Thanh khoản của HOSE vẫn duy trì trên mức bình quân 20 phiên, qua đó có phiên thứ 6 liên tiếp đạt trên mức này. Quy mô giao dịch vẫn có thể tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở nhiều nhóm cổ phiếu. Đóng góp của tiền nội chiếm tỷ trọng 91% tổng giao dịch 2 chiều.
Nhà đầu tư ngoại không thực sự đẩy mạnh tần suất giao dịch khi chỉ chiếm chưa đến 9% nhưng việc chiều bán ra tỏ ra khá lệch vẫn ít nhiều ảnh hưởng lên vận động chung.
Theo thống kê, khối ngoại bán ròng gần 940 tỷ đồng trên HOSE với HPG (-150 tỷ đồng), VPB (-117 tỷ đồng), MSN (-109 tỷ đồng), MWG (-106 tỷ đồng), STB (-96,4 tỷ đồng) bị rút ra nhiều nhất
Vận động thị trường
Biên độ giảm của các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất chỉ dao động quanh 1%. Cụ thể HPG (-0,87%), VPB (-0,25%), MWG (-1,74%), STB (-1,43%) là những mã giảm mạnh nhất trong khi MSN (+0,15%), VNM (+0,42%) tăng nhẹ.
Với nhiều mã là thành viên trong rổ VN30, ảnh hưởng giảm đã phản ánh vào chỉ số. VN-Index chịu sự rung lắc trong cả phiên, đóng cửa giảm 2,73 điểm xuống 1.227,31 điểm (-0,22%).
Thực tế, vẫn có những đối trọng như TCB (+3,3%), SHB (+1,7%), VRE (+1,5%) nhưng các mã này đều chưa đủ sức mạnh để triệt tiêu áp lực.
Nhìn chung, nhóm trụ dẫn dắt phiên hôm nay (ngày 22/2) đã thiếu vắng đi khá nhiều lực đẩy từ cổ phiếu Ngân hàng cũng như các mã Vingroup như VIC (+0,7%), VHM (-0,4%).
Trong bối cảnh đó, dòng tiền đã thử tìm cách len lỏi sang các cổ phiếu vốn hoá trung bình và nhỏ (Smallcaps). VNSML (+0,45%) đã đi ngược lại cả VN-Index và VN30. Một số mã như YEG (+6,9%), LSS (+6,93%), ST8 (+6,67%), HNG (+6,9%), FIT (+6,95%), TNT (+6,9%) vẫn tăng trần trong khi các mã LCG (+2,27%), PVD (+2,81%), BMP (+4,6%), GIL (+3,34%) cũng thể hiện tốt hơn mặt bằng chung.
Độ rộng của HOSE cho thấy sắc đỏ nhỉnh hơn với 47,22% so với 39% mã tăng giá. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 17.950 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa trái chiều, tăng 0,07% và giảm 0,04%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.