Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một trong số ít ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận vốn, tín dụng với chi phí thấp.
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” diễn ra sáng ngày 16/10.
Phát biểu tại hội nghị, liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, bà Lại Minh Thúy, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại, Ngân hàng Citibank cho rằng Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng mà còn đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả với các khoản vay ngân hàng tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Bà Lại Minh Thúy bày tỏ mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét các ý kiến đóng góp của nhóm công tác ngân hàng để Dự thảo luật các Tổ chức tín dụng tới đây vừa đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng tập trung hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động đầu tư của khối đầu tư nước ngoài trong dài hạn tại Việt Nam.
Về thị trường vốn, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại, Ngân hàng Citibank nhận định việc nâng hạng tín nhiệm lên mức đầu tư và nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi (từ thị trường cận biên) sẽ mang lại nhiều nguồn vốn quốc tế đổ vào Việt Nam. Điều này giúp các nhà đầu tư có một cái nhìn tích cực hơn về nền kinh tế và thu hút nhiều đầu tư trực tiếp và thương mại, dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Đại diện Ngân hàng Citibank kỳ vọng, với quyết tâm và nỗ lực để nâng hạng thị trường, Chính phủ sẽ tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại để Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Khẳng định Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Lại Minh Thúy đánh giá cần thiết xây dựng các quy định hiện hành về tài trợ cho nhà cung cấp và nhà phân phối hướng tới các tiêu chuẩn toàn cầu để các ngân hàng có thể cho các nhà cung cấp và nhà phân phối vay theo quy trình đơn giản hơn, giảm thiểu các yêu cầu về chứng từ tài liệu.
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà chia sẻ về tình hình của hệ thống ngân hàng Việt hiện nay.
Theo đó, NHNN luôn đảm bảo thanh khoản hệ thống. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho môi trường tài chính, kinh tế và tất cả các chủ thể như người dân, doanh nghiệp...
Về lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, NHNN cố gắng điều hành ổn định, linh hoạt, trong đó góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm nay, NHNN là một trong số ít ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất điều hành, qua đó, lãi suất của thị trường cũng giảm, thể hiện rõ qua mặt bằng lãi suất và thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn, tín dụng nếu cần thiết với chi phí thấp hơn.
Liên quan đến tỉ giá tiền tệ, điều các nhà đầu tư rất quan tâm, Phó Thống đốc NHNN khẳng định đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn; ổn định tỉ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. NHNN luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì NHNN can thiệp để mua vào. Đặc biệt, năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Hoa Kỳ thắt chặt tiền tệ, rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo cung ngoại tệ cho thị trường.
Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, NHNN vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỉ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực.
Về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay, quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. NHNN cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Cuối cùng, rõ ràng là gần 40 năm qua, vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. NHNN thấy rằng chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.