Hoạt động ngân hàng

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý các kiến nghị, đề xuất liên quan đến ngành Ngân hàng

Quỳnh Lê 19/03/2023 21:22

Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) được tổ chức hôm nay 19/3.

img_0010.jpg
Toàn cảnh diễn đàn

4 trọng tâm ngành tài chính – ngân hàng cần lưu ý

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ đề diễn đàn “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” là chủ đề rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.

Tại diễn đàn, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam, Trưởng nhóm Công tác Ngân hàng cho biết: Đối với kế hoạch chuyển đổi số và cam kết bền vững của Việt Nam, sẽ cần đến định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia; sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và các cam kết tài trợ tài chính bền vững; xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội với các nội dung môi trường xanh được lồng ghép trong quy trình thẩm định tín dụng và quy trình - sổ tay quản lý/kiểm soát rủi ro ESG; huy động vốn và nguồn lực cho phát triển bền vững tại Việt Nam.

Để thực hiện những mục tiêu này, Nhóm Công tác Ngân hàng đã đề xuất 3 khía cạnh quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, bao gồm: lộ trình áp dụng năng lượng xanh và khuôn khổ tài chính xanh cho các dự án khả thi; chuyển đổi năng lượng bền vững với Hợp đồng mua bán điện (PPA) đạt tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng trong Quy hoạch phát triển điện VIII;  phối hợp làm việc giữa các bộ ngành với Nhóm Các nước Đối tác Quốc tế (IPG) và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ).

Mặt khác, thay mặt Nhóm Công tác, bà Michele Wee chỉ ra 4 điểm quan trọng để ngành tài chính và ngân hàng có thể hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, NHNN và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam bền vững.

Thứ nhất, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đẩy mạnh triển khai số hóa gắn với chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.

Việc đồng bộ hóa các quy định cũng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy toàn diện quá trình số hóa, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN…) để hoàn thiện khung pháp lý quản lý rủi ro liên quan đến an ninh mạng, định danh điện tử, xác thực điện tử, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ưu tiên cho phép thực hiện toàn bộ quy trình eKYC, công nhận chữ ký điện tử/định danh điện tử trong các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu cụ thể.

Thứ hai, ngành tài chính - ngân hàng cần phối hợp với các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

“Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân. JETP sẽ cần trao đổi với NHNN để hướng dẫn các ngân hàng”, Trưởng nhóm Công tác Ngân hàng lưu ý.

Thứ ba, các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đặt ra một thách thức đối với nguồn vốn của doanh nghiệp dẫn đến sự biến động của hệ thống tài chính trong ngắn hạn.

Do đó, Nhóm Công tác Ngân hàng cho rằng, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và NHNN để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.

Thứ tư, mặc dù lạm phát của Việt Nam đã được kiềm chế cho đến nay, những áp lực về giá cả vẫn là một thách thức lớn trong năm 2023. Do đó, bà Michele Wee kiến nghị NHNN luôn thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ (VND), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và dự trữ ngoại hối nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định tài chính.

“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục phân bổ tăng trưởng tín dụng hợp lý cho các ngân hàng tốt, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam với những định hướng rõ ràng, phù hợp với sự phát triển của nhu cầu tài chính tiêu dùng”, bà Michele Wee nói.

Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý các kiến nghị, đề xuất

photd-pham-tien-dung(1).jpg
Phó Thống đốc  NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói: "NHNN trân trọng cảm ơn Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế đã hợp tác hỗ trợ chúng tôi trong thời gian vừa qua; đặc biệt là các vấn đề mới trong điều hành tài chính tiền tệ, cũng như các hoạt động giúp đỡ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, hoạt động thanh toán, Fintech...

Tiếp đó, trong phản hồi ý kiến các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành Ngân hàng nhận được 34 kiến nghị của các Hiệp hội, trong đó 12 kiến nghị đã được xử lý, 9 kiến nghị đang gửi các bộ, ngành cùng NHNN phối hợp xử lý, 13 kiến nghị đang được làm việc trực tiếp, tích cực với Nhóm Công tác Ngân hàng.

Đặc biệt, trong tất cả các kiến nghị của Hiệp hội, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề chuyển đổi số mà Nhóm công tác Ngân hàng đã nêu. Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong suốt thời gian vừa qua.

Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Thông tư về eKYC, về xác thực điện tử. Phó Thống đốc khẳng định, đây là chìa khóa để thực hiện chuyển đổi số và thực hiện ngân hàng số.

Về những băn khoăn liên quan đến việc hoàn thiện quy định về giao dịch điện tử, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết: NHNN đã ban hành Thông tư về bảo lãnh điện tử, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành xử lý vấn đề về cho vay trên môi trường điện tử, bên cạnh các vấn đề về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử cho hoạt động ngân hàng và hy vọng sẽ thu được những hiệu quả tích cực, đáp ứng dần được nhu cầu của các ngân hàng.

"Hiện, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng, Nhóm công tác Ngân hàng thường xuyên làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để bàn bạc, trao đổi cụ thể về hợp đồng điện tử. Đây là vấn đề tác động khá lớn đến ngân hàng, Phó Thống đốc nói và cho biết thêm tại nhiều ngân hàng, 90% giao dịch đã được thực hiện trên nền tảng số.

Đối với tín dụng xanh, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, Thống đốc NHNN đã có chỉ thị và nêu rõ, tập trung xây dựng cơ sở pháp lý phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, tập trung phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn vốn quốc tế hỗ trợ phát triển tín dụng xanh.

“Chính sách tín dụng tập trung cấp cho những lĩnh vực ưu tiên trong đó có tín dụng xanh. Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, vừa qua, NHNN đã ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%. Đây là một tín hiệu khá tốt với thị trường.

Theo Phó Thống đốc, tín hiệu được NHNN truyền tải, thông qua việc hạ lãi suất này, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và từ đó có cơ sở để hạ lãi suất cho vay. Điều này tạo động lực tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh...

Trong thời gian tới, NHNN cam kết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành xử lý các vấn đề liên quan tới ngành Ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý các kiến nghị, đề xuất liên quan đến ngành Ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO