Văn hóa

Phụ nữ Việt Nam Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang

Nguyễn Văn Toàn 20/10/2023 07:05

Đề cập về vai trò của người phụ nữ trong lịch sử dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 cùng nhìn lại một số những kỳ tích, sự đóng góp, đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Hai Bà Trưng giành lại nền độc lập cho dân tộc

Năm Canh Tý 40, vào mùa Xuân, hai chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị (con gái Lạc tướng Mê Linh) hội quân ở cửa sông Hát, lập đàn thề, phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Thiên Nam ngữ lục ghi lời thề của Trưng Trắc như sau: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Điều đáng chú ý là phần lớn các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa là phụ nữ được các thần tích, truyền thuyết ghi lại: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Man Thiện, Diệu Tiên, Bát Nàn, Đào Kỳ, Lê Hoa, Lê Chân, Phương Dung, Trinh Thục, Thánh Thiên, Thiện Hoa, Nàng Tía, Xuân Hương, Ả Di, Ả Tắc, Ả Lã, Nàng Đô…

Chỉ trong thời gian ngắn Hai Bà Trưng đã dẹp yên và làm chủ được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Sau khi đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Hán, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, tức là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh (thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội ngày nay). Trưng Vương ngay lập tức xây dựng chính quyền tự chủ và trong ba năm sau đó đã chuẩn bị kháng chiến chống lại cuộc xâm lược của nhà Hán.

Sử thần Lê Văn Hưu trong Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”.

Trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, vua Tự Đức nhà Nguyễn nhận xét: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách”.

Đại Nam Quốc sử Diễn ca viết rằng: “Bà Trưng quê ở châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/ Ngàn Tây nổi áng phong trần/ Ầm ầm binh mã xuống gần Long biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành/ Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh nam riêng một triều đình nước ta”. Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng đã nhận định về Hai Bà Trưng: “Trước là nghĩa, sau là trung. Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn”.

Noi gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu cũng đã từng khẳng định: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Bà Triệu xưng là Nhuỵ Kiều tướng quân (Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Nghĩa quân do Bà Triệu lãnh đạo đã chiến đấu liên tiếp nhiều trận, thế lực ngày càng mạnh, quân số có tới hàng vạn người. Nghĩa quân của bà đánh thắng giặc Ngô nhiều trận, giết chết viên thứ sử Châu Giao của nhà Ngô.

Tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của Hai Bà Trưng và Bà Triệu là nguồn cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phát huy truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị cầm vũ khí trực tiếp tham gia giết giặc lập công. Ngoài những nữ chiến sĩ trong hàng ngũ các đơn vị chính quy, các binh chủng và các đơn vị kỹ thuật, còn có đông đảo phụ nữ tham gia chiến đấu trong phong trào dân quân, du kích, thanh niên xung phong ở khắp nơi.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) cả nước ta có đến 980.000 nữ du kích. Trong đó có 12 nữ du kích được tặng danh hiệu Anh hùng như: Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu... Từ năm 1950 đến năm 1954, nữ dân công vùng tự do đã đóng góp 9.578.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 18 chiến dịch, riêng chiến dịch Điện Biên Phủ là 2.381.000 ngày công.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), phụ nữ miền Nam đã lập được nhiều kỳ tích chói lọi. Ra đời từ phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre (1960), “Đội quân tóc dài”- một “Binh chủng đặc biệt” của nữ giới đã phát triển lan rộng khắp miền Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Các nữ anh hùng, nữ dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam đã đánh giặc bằng đủ các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, đã lập nhiều chiến công chói lọi. Tiêu biểu là các nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch; các nữ liệt sĩ Tô Thị Huỳnh, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Tâm; tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã dũng cảm chiến đấu, đánh lui một tiểu đoàn địch trong chiến dịch Mậu thân 1968...

Ở miền Bắc, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc trong những năm chống Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, phụ nữ miền Bắc đã tham gia đông đảo vào các lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu ở khắp mọi nơi, từ miền xuôi đến miền núi. Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Ba đơn vị nữ được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng là trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá; tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; đại đội nữ pháo binh xã Ngư Thuỷ huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Cũng năm 1965, lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” thành lập ở miền Bắc với nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Hơn 6 vạn nữ thanh niên đã tham gia mở đường, san lấp hố bom tại các trọng điểm đánh phá ác liệt như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), phà Bến Thuỷ (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)...

Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Người cũng khen tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có những đóng góp to lớn từ sự hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc. Bài hát “Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng” của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên có đoạn: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ Thứ sinh sống tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Con gái cả của Mẹ Thứ là Mẹ Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Mẹ Thứ là đại diện cho gần 130 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.

Ở “vùng đất thép” Quảng Trị có gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hẹ. Đây là một trong những gia đình cách mạng đặc biệt, đã có nhiều đóng góp, hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả gia đình Mẹ Hẹ có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 17 liệt sĩ. Trong số 17 liệt sĩ có 11 liệt sĩ là con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của Mẹ Hẹ. Bản thân Mẹ Hẹ có 1 con gái và 3 con dâu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên ngoại của Mẹ Hẹ có 2 em dâu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 6 liệt sĩ gọi Mẹ Hẹ bằng cô ruột.

Có 10 Mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, quê ở Quảng Nam), Mẹ Nguyễn Thị Rành (sinh năm 1900, quê ở TP. Hồ Chí Minh), Mẹ Phạm Thị Ngư (sinh năm 1912, quê ở Bình Thuận), Mẹ Võ Thị Nhã (sinh năm 1921, quê ở Quảng Ngãi), Mẹ Đỗ Thị Phúc (sinh năm 1906, quê ở Nam Định), Mẹ Bùi Thị Thêm (sinh năm 1924, quê ở Kiên Giang), Mẹ Huỳnh Thị Tân (sinh năm 1906, quê ở Sóc Trăng), Mẹ Đoàn Thị Nghiệp (sinh năm 1925, quê ở Tiền Giang), Mẹ Mai Thị Út (sinh năm 1913, quê ở Tiền Giang) và Mẹ Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1941, quê ở TP. Hồ Chí Minh).

Có ba chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là Mẹ Bùi Thị Hải (sinh năm 1908), Mẹ Bùi Thị Tư (sinh năm 1916), Mẹ Bùi Thị Nhỏ (sinh năm 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Việt Nam Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO