Các Hiệp hội ngành, nghề

Quan điểm trái chiều xung quanh việc tăng thuế với đồ uống có đường

Khánh Ly 05/04/2024 - 17:13

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường vẫn là câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới.

Hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng đối với đồ uống có đường.

Giảm tiêu thụ đồ uống có đường mang đến nhiều lợi ích sức khỏe

Tại hội thảo, TS. Angela Pratt - Trưởng đại điện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phân tích những tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe của con người.

Các thống kê y tế cho đến thời điểm này cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Các loại sản phẩm đó cũng góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì.

Tất cả những điều này là những vấn đề sức khỏe quan trọng, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư, trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khoảng 20 năm gần đây, khi mà người Việt Nam giàu có hơn, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường vì vậy cũng tăng với tốc độ đáng kinh ngạc - gần 10 lần, số liệu được bà Pratt dẫn ra cho thấy.

Ở thời điểm 2002, trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 6 lít đồ uống có đường mỗi năm thì đến năm 2021, con số này đã là 53,78 lít/năm, như vậy tính tương đương mỗi tuần mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 1 lít đồ uống có đường.

Tại sự kiện ngày hôm nay, nhiều chuyên gia đã nói đến việc cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường để điều tiết hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nghiên cứu viên Nguyễn Thị Thùy Duyên thuộc Trường Đại học Y tế Công cộng dẫn ra số liệu cho thấy, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng thuế với loại mặt hàng này.

Bà Duyên dẫn ra số liệu của một loạt nước đã tăng thuế với đồ uống có đường, ví như: Ireland (năm 2013), Ấn Độ (2014), Nam Phi (2014), Indonesia (2018) hay Zambia (2020)… các nước này đã lần lượt tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường lên ngưỡng thấp nhất 11% và cao nhất là 25%.

Chuyên gia tại WHO cho rằng, mức thuế áp dụng đối với đồ uống có đường nên tối thiểu ở mức khoảng 20% để giúp điều tiết được thực sự mạnh với thị trường.

Kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý đồ uống có đường

Đồ uống có đường là sản phẩm không tốt cho sức khỏe, không ngạc nhiên khi sau hàng loạt chế tài gần đây, tại Anh, người ta đã thấy các doanh nghiệp cung cấp rất đa dạng các loại sản phẩm đồ uống có nhiều hàm lượng đường khác nhau, từ thấp đến cao.

Việc đánh thuế đồ uống có đường cũng gây ra một số thách thức với doanh nghiệp. Nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành chỉ ra rằng, việc đánh thuế thức ăn hay đồ uống nhiều chất béo, đường hay muối tại một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến sự gia tăng về chi phí quản trị, tình trạng thiếu việc làm tại một số quốc gia, chi phí lương thực tăng cao, đồng thời chưa thực sự mang lại lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khỏe cộng đồng.

Câu chuyện điển hình là Đan Mạch. Là nước tiên phong áp thuế đồ uống có đường tại châu Âu từ thập niên 1930, sau một thời gian dài áp dụng không nhận thấy tính hiệu quả, Chính phủ Đan Mạch đã phải loại bỏ dần theo hai giai đoạn với mức giảm 50% kể từ ngày 1/7/2013 và loại bỏ hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2014.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ đồ uống có đường của người dân luôn có, khi nội địa đánh thuế quá cao, ngay lập tức họ mua sản phẩm từ các nước láng giềng, điều này lập tức ảnh hưởng đến kinh tế và việc làm địa phương.

Một số bang của Mỹ cũng đã bãi bỏ chính sách trên sau một thời gian ngắn khi vừa thông qua. Ví dụ chính quyền quận Cook bang Illinois đã bãi bỏ sắc thuế này sau chưa đầy một năm kể từ khi thông qua. Bang California thậm chí đã thông qua dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới kể từ tháng 6/2018.

Thuế không phải công cụ duy nhất để điều tiết thị trường. Tại Nhật bản, dù không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường nhưng lại có tỷ lệ béo phì thừa cân rất thấp ở châu Á, chính vì vậy, công tác truyền thông để người dân tự hiểu và ý thức về sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe cũng tạo ra nhiều tác động rất tích cực.

Nhật Bản không áp dụng chính sách thuế đối với nước giải khát có đường nhưng vẫn kiểm soát tốt tình trạng thừa cân béo phì. Tại Nhật Bản, dù có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/ người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5% do được thúc đẩy bởi chế độ ăn lành mạnh và nỗ lực giáo dục cộng đồng.

Nhật Bản đã ban hành 2 bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh.

Cũng theo các luật này, doanh nghiệp phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan điểm trái chiều xung quanh việc tăng thuế với đồ uống có đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO