Tin tức

Quản lý điều hành giá năm 2024: Còn nhiều yếu tố khó lường, cần hết sức cẩn thận, không được chủ quan

M.Đ 24/01/2024 - 13:56

Từ ngày 1/7/2024, cải cách tiền lương sẽ được thực hiện, bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)... Do đó cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan, sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024 diễn ra chiều ngày 23/1.

pho-thu-tuong.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp

Trình bày báo cáo của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2023 biến động tăng vào đầu năm sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý IV. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung, chủ yếu do một số mặt hàng như xăng dầu, giá gas giảm khiến lạm phát chung giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản, đồng thời một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính lạm phát cơ bản có xu hướng tăng kéo dài như "Nhà ở thuê", "Ăn uống ngoài gia đình".

Nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2023 được Bộ Tài chính chỉ ra là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

Bên cạnh đó là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa như xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông giảm giá, làm CPI chung giảm.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất.

Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện chủ động, điều hành giá mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp.

Điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới, rút ngắn chu kỳ điều hành xuống còn 1 tuần. Ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá…

Nhận định năm 2024 khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân từ 4-4,5%, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá (sửa đổi).

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiế yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng tương ứng là 3,52%, 4,03% và 4,5%.

Đối phó với những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của các bộ ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nêu rõ, công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 chịu nhiều thách thức do những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều đan xen từ bối cảnh thế giới và khu vực.

Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để kiểm soát lạm phát. Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động của nhiều yếu tố về kinh tế, địa chính trị. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu thiết yếu cho sản xuất trên thị trường trong nước có một số thời điểm biến động tăng cao.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai làm giảm nguồn cung một số mặt hàng nông sản thiết yếu như lương thực đẩy giá các mặt hàng này có xu hướng tăng, ảnh hưởng tới công tác điều hành giá.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất.

Ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; cùng với các chính sách vĩ mô khác giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Kết quả này thể hiện công tác điều hành giá sát, đúng với tình hình thực tế và đạt mục tiêu đề ra.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp có trách nhiệm, chặt chẽ, quyết tâm, nỗ lực triển khai các giải pháp để kiểm soát lạm phát và đã đạt được kết quả tích cực trong công tác quản lý, điều hành giá.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành giá tại một số bộ ngành, đề nghị các bộ ngành liên quan rút kinh nghiệm, cần quyết liệt, chủ động hơn để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền các giải pháp trong công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024.

Chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2024

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 quyết nghị tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 4,0-4,5%.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024 cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, dự báo sát tình hình thực tế, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện tăng lương, bên cạnh đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)... do đó cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Về công tác quản lý, điều hành giá năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, khắc phục những tồn tại, hạn chế để triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá kịp thời, hiệu quả.

Trước mắt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động hơn nữa, chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công thiết yếu, quan trọng theo lộ trình thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI để từ đó thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Nhấn mạnh yêu cầu chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, không được để đứt gẫy nguồn cung; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến bất thường trong cung ứng hàng hóa.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn luật giá, không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, điều hành giá.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, điều hành giá.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin chính xác, chính thống, kịp thời về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý để kịp thời truyền tải đến người dân và kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý điều hành giá năm 2024: Còn nhiều yếu tố khó lường, cần hết sức cẩn thận, không được chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO