Với kinh nghiệm tích lũy được từ tuần thi đầu tiên cùng những nỗ lực ôn luyện, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, cán bộ thuộc Trung tâm Thanh toán Quốc tế thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã xuất sắc giành giải Nhất tuần 2 Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” khối thí sinh ngành Ngân hàng.
Phóng viên: Chúc mừng chị đã đạt kết quả cao tại tuần thi thứ 2 Cuộc thi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Xin chị hãy giới thiệu đôi nét về bản thân?
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy: Xin chào Ban tổ chức và mọi người! Tôi là Nguyễn Thị Lệ Thủy, hiện đang là nhân viên tại Trung tâm Thanh toán Quốc tế thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Phóng viên: Chị có tham gia tuần thi thứ nhất không? Nếu không có gì bí mật chị có thể "bật mí" số điểm thi của chị trong tuần thứ nhất và theo chị đánh giá, có sự khác biệt nào trong câu hỏi giữa 2 tuần thi hay không?
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy: Tôi đã tham gia cả hai tuần thi. Ở tuần đầu tiên, tôi đạt 140/190 điểm, đó cũng là động lực thôi thúc tôi phải ôn luyện kỹ hơn và tập trung hơn để đạt thành tích cao ở tuần thứ 2 và tôi cảm thấy mình rất may mắn khi đã hoàn thành tốt đợt thi tuần thứ 2.
Cá nhân tôi nhận thấy, bộ câu hỏi tuần 1 khá đa dạng, bao gồm cả kiến thức cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, các tình huống diễn ra hằng ngày tại môi trường làm việc, một số câu đòi hỏi phân tích và ứng dụng thực tiễn.
Còn tuần 2, tôi cảm nhận nội dung câu hỏi tập trung nhiều hơn vào kiến thức tổng quát về chuẩn mực đạo đức và các quy tắc ứng xử có trong tài liệu ôn tập, có lẽ nhờ đó mà tôi may mắn đạt điểm tối đa.
Phóng viên: Sau 2 tuần thi, chị có cảm nhận như thế nào về cuộc thi?
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy: Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” thực sự là một trải nghiệm bổ ích và thú vị. Nó không chỉ giúp tôi ôn luyện, củng cố kiến thức cũ mà còn cho tôi cơ hội học hỏi rất nhiều tình huống thực tiễn khác, thậm chí có những tình huống mà trong hành trình làm việc tại Sacombank tôi chưa từng trải qua.
Tôi nghĩ sau cuộc thi này, các cán bộ ngành Ngân hàng sẽ nhận thức được vai trò của chính mình và rút ra nhiều kinh nghiệm, tự mình điều chỉnh hành vi, thái độ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng.
Phóng viên: Chị có đặt mục tiêu gì trong tuần thi cuối cùng không?
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy: Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau hai tuần thi, tôi đặt mục tiêu tiếp tục ôn luyện và tham khảo thêm tài liệu để giữ vững phong độ, đạt kết quả cao trong tuần thi tới. Ngoài ra, tôi cũng sẽ chia sẻ thông tin về cuộc thi và khuyến khích các đồng nghiệp cùng tham gia, học hỏi.
Phóng viên: Theo chị, việc ứng dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng vào thực tiễn công việc cũng như cuộc sống có vai trò thế nào?
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy: Việc ứng dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử vào công việc hàng ngày cũng như trong cuộc sống là vô cùng quan trọng đối với mỗi cán bộ ngân hàng. Nó không chỉ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đáng tin cậy mà còn góp phần tạo dựng môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng là một linh vực kinh doanh đòi hỏi cao về đạo đức nghề nghiệp của nhân viên. Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là kim chỉ nam cho nhân viên ngân hàng trong suy nghĩ và hành động. Thấm nhuần 6 chuẩn mực này mỗi nhân viên ngân hàng sẽ tự điều chỉnh hành vi mỗi ngày, mỗi tác nghiệp để trở thành một banker vừa "hồng", vừa "chuyên" trong thời đại 4.0.
Nhân đây, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Tổ chức cuộc thi đã tạo ra một sân chơi bổ ích và ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên. Chúc cuộc thi ngày càng thành công hơn nữa!
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn và một lần nữa chúc mừng kết quả mà chị đạt được. Chúc chị tiếp tục giành kết quả tốt trong tuần thi thứ 3!