Quán triệt sâu sắc chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với xây dựng kế hoạch triển khai của từng đơn vị

Mai Phan - Đạt Trịnh| 11/04/2019 17:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đó là yêu cầu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh nêu ra sáng nay (11/4/2019) tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Đây là một sự kiện lớn thể hiện tầm nhìn dài hạn và bước đi vững chắc đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng.

Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam...

Để triển khai Chiến lược, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược. Chương trình hành động này là căn cứ cho các đơn vị, vụ, cục, TCTD xây dựng các chiến lược phát triển, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình; đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn và điều chỉnh các nội dung của Chiến lược trong trường hợp cần thiết để phù hợp với những biến động của ngành Ngân hàng và bối cảnh kinh tế xã hội, đảm bảo Chiến lược có tính khả thi cao.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: “Đối với ngành ngân hàng, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề cập tại Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, bao gồm cả hoạt động quản lý Nhà nước của NHNN và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển toàn diện và đồng bộ, kỳ vọng mở ra thời kỳ mới của ngành ngân hàng”.

Trong đó Chiến lược đã xác định mục tiêu hiện đại hóa NHNN theo hướng: có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính tiền tệ trong nền kinh tế.

Hệ thống các TCTD phát triển theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình...; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng, trình bày tổng thể Chương trình hành động để thực hiện Chiến lược của toàn ngành

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng, đã trình bày tổng thể Chương trình hành động để thực hiện Chiến lược của toàn ngành. Trong đó, nêu ra mục tiêu tổng quát phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đề cập theo hai cấp độ là hiện đại hoá NHNN và phát triển hệ thống các TCTD, 7 mục tiêu cụ thể và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được phân chia thành ba giai đoạn 2018 - 2020; 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Mục tiêu cụ thể thứ nhất của Chiến lược là nhằm tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Sẽ giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Thứ hai, tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.

Thứ tư, tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tiến sỹ Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam: Vietcombank định hướng trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới

Thứ năm, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn:

- Giai đoạn 2018-2020: Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trương trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống…; Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế…

Phấn đấu đến cuối năm 2020, ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 12 - 13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM trên thị trường chứng khoán Việt Nam; nâng mức vốn pháp định đối với quỹ tín dụng nhân dân.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

- Giai đoạn 2021-2025: Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

Phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Cuối năm 2025, tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại NHTMNN nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16 - 17%. Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.

Thứ sáu, tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

Thứ bảy, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã nghe một số tham luận về Thực trạng điều hành chính sách tiền tệ trong những năm qua và định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời kỳ của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030; Định hướng quản lý của NHNN đối với hoạt động thanh toán trong bối cảnh triển khai Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030; Tăng cường hiệu quả, hiệu lực hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng trong bối cảnh Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030; Xây dựng, triển khai chiến lược phát triển của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam theo các định hướng tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030; Xây dựng, triển khai chiến lược phát triển của Ngân hàng TMCP Quân đội theo các định hướng tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã nêu lên những câu hỏi nhằm làm rõ và hiểu đúng hơn việc triển khai thực hiện Chiến lược tại đơn vị mình.

Trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã yêu cầu các đơn vị trong NHNN và hệ thống các TCTD quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược; Xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược cụ thể tại đơn vị theo các mục tiêu, giải pháp đã đề ra và bảo đảm đúng lộ trình; Chủ động, sáng tạo triển khai hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược; Phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với đơn vị đầu mối đối với những nhiệm vụ cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị; Thường xuyên tự đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra; Thực hiện tốt chế độ báo cáo theo yêu cầu của Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược để phục vụ tốt cho công tác giám sát thực hiện Chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán triệt sâu sắc chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với xây dựng kế hoạch triển khai của từng đơn vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO