​Quyết liệt triển khai có trách nhiệm gói hỗ trợ lãi suất 2%

P.V| 26/08/2022 20:16
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 26/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị trực tuyến có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cùng đại diện Lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN; Đại diện Lãnh đạo NHNN Chi nhánh các tỉnh/thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc các NHTM; Hiệp hội Ngân hàng…

web.jpeg-1.jpg

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị

Khẩn trương, kịp thời tham mưu ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bước vào năm 2022, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có diễn biến phức tạp và khó lường, việc điều hành của Chính phủ nói chung và của NHNN nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, mục tiêu điều hành của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Đối với ngành Ngân hàng, nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Năm 2022 và năm 2023 sắp tới, ngoài việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược kế hoạch phát triển 5 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chúng ta phải tổ chức chương trình tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp, người dân và nhận được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, đăc biệt là Thủ tướng Chính phủ.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất, NHNN được Chính phủ giao làm đầu mối và các Bộ, ngành có sự phối hợp. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và được Chính phủ giao xác định đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này. Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ lãi suất. Các bộ, ngành khác tham gia cùng NHNN và Bộ Tài chính trong quá trình tất toán gói hỗ trợ này.

Với vai trò là đơn vị đầu mối, NHNN đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương dự thảo Nghị định và ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Cũng trong ngày 20/5/2022, NHNN đã ban hành ngay Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31. "Điều này cho thấy, NHNN đã rất chủ động, song song với quá trình dự thảo Nghị định, NHNN đã dự thảo luôn Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Quyết liệt, tích cực tổ chức triển khai trong toàn Ngành

Ngay sau khi Nghị định 31/2022/NĐ-CP được ban hành, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định để phổ biến, quán triệt về chính sách hỗ trợ lãi suất, trong đó 1 Hội nghị do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo NHNN và một số Bộ, ngành đồng chủ trì.

NHNN đã yêu cầu các NHTM đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Trên cơ sở tập hợp đăng ký của các NHTM, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn cho các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất; đồng thời, NHNN đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng NHTM để triển khai chương trình.

Tiếp đó, ngày 16/8/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/2022/CT-NHNN yêu cầu các NHTM khẩn trương, tích cực, triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước.

NHNN đã ban hành các văn bản hướng dẫn hạch toán hỗ trợ lãi suất, trả lời, giải đáp các vấn đề thuộc phạm vi, chức năng quản lý của NHNN. Riêng đối với các câu hỏi liên quan đến đối tượng được hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng giải đáp. Căn cứ văn bản giải đáp của các Bộ, NHNN đã chuyển tiếp tới các ngân hàng thương mại để biết, thực hiện.

Như vậy, NHNN đã rất tích cực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được Quốc hội, Chính phủ giao phó. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tiếp cận chính sách. Do đó, NHNN cũng đã có văn bản, đồng thời tổ chức họp với các NHTM để rà soát, yêu cầu các NHTM báo cáo thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách.

Từ thực trạng nêu trên và căn cứ vào chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ngày hôm nay, NHNN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị với các NHTM để phổ biến, giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách và tạo tâm lý đồng thuận để thúc đẩy triển khai thực hiện chính sách trong cả nước.

Trên cơ sở ý kiến của các NHTM, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các Bộ, cơ quan có liên quan trao đổi, giải đáp vướng mắc của đối với các kiến nghị được nêu tại Hội nghị. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hy vọng, sau Hội nghị ngày hôm nay các vướng mắc liên quan đến chính sách được nhận diện, giải đáp và có giải pháp xử lý phù hợp nhằm tạo được tâm lý đồng thuận để thúc đẩy triển khai chính sách trong cả nước một cách hiệu quả, kịp thời, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng theo Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ.

508442-01.jpg

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Điều hành phiên thảo luận của các NHTM và NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, qua 3 tháng triển khai, các NHTM đã vào cuộc rất tích cực, cụ thể: Khẩn trương ban hành quy định nội bộ; Tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; Rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; Chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số NHTM còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN đến nay, lũy kế giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đạt 722.334 tỷ đồng đối với 1.090.725 khách hàng. Dư nợ được cơ cấu gốc và lãi đến cuối tháng 6/2022 còn 178.411 tỷ đồng; Kết quả miễn, giảm lãi, hạ lãi suất: Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, các TCTD đã miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2022/TT-NHNN và hạ lãi suất theo các chỉ đạo khác của NHNN với tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng đạt khoảng 50.000 tỷ đồng.

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai

Do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Tại hội nghị, một số NHTM cũng đã nêu bật những khó khăn trong quá trình triển khai.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Trong khi đó, ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank đề nghị mở rộng đối tượng khách hàng. Bởi ngoài 9 ngành nghề, phần lớn khách hàng hoạt động đa ngành. Nên có tỷ lệ quy định trong các hoạt động đa ngành thì 9 ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng bao nhiêu để các NHTM yên tâm xem xét hỗ trợ lãi suất. Những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại thì nên có quy định để các ngân hàng yên tâm. Bởi ngoài sản xuất, trong những ngành ưu tiên còn thương mại, bán buôn, bán lẻ.

Đối với hộ kinh doanh, đây là lĩnh vực cần hỗ trợ lãi suất nhiều nhất. Phần lớn các hộ cá thể kinh doanh không có đăng ký kinh doanh; những hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực nông thôn nên mở rộng điều kiện, đối tượng này xem xét, xác nhận tại địa phương để các ngân hàng mạnh dạn xem xét hỗ trợ lãi suất.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, đối tượng khách hàng được hỗ trợ giới hạn ở một số ngành, có đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, theo tinh thần của Luật Dân sự, ngành Ngân hàng có Thông tư 39 quy định có pháp nhân và cá nhân vay vốn chứ không có hộ kinh doanh. Nên bây giờ, trong Nghị định 31 quy định về hộ kinh doanh thì NH sẽ rất khó, tự phân loại cá nhân và hộ kinh doanh. Vậy nên cần tháo gỡ về đối tượng và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có phân loại lại các đối tượng này.

Chia sẻ về những khó khăn tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong quá trình triển khai, theo phản ánh của khách hàng và các chi nhánh Agribank trên cả nước, nổi lên một số khó khăn vướng mắc. Đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96%/tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/ khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 03 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm này 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40%-50%/Dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc Agribank, ngân hàng cũng gặp phải vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán. Một số hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên Chi nhánh, Khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để hỗ trợ lãi suất.

Còn theo ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng giám đốc VietinBank, việc đánh giá mức độ đáp ứng thực hiện hỗ trợ lãi suất được thực hiện tạo điều kiện cho việc giải ngân nhưng do yếu tố khách quan hay chủ quan, khách hàng phát sinh nợ xấu đến thời điểm cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá khách hàng, làm khoản vay không đáp ứng thực hiện chương trình và thu hồi hỗ trợ lãi suất. Đây cũng là quan ngại của khách hàng.

Trên thực tế, có những khách hàng được VietinBank đánh giá có khả năng phát triển sau thời gian hỗ trợ lãi suất, hoạt động kinh doanh tăng trưởng, doanh thu có lãi, đóng góp thêm vào ngân sách… Nhưng khi được mời tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất thì các khách hàng này e ngại việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tốn nhiều thời gian (có thể kéo dài nhiều tháng).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, ngành Ngân hàng và các TCTD đã thể hiện rõ quyết tâm triển khai hiệu quả Nghị định 31 và quyết tâm ở đây được thể hiện bằng hành động cụ thể như: ban hành Nghị định và các chương trình hạch toán ứng dụng công nghệ thông tin cho chương trình này; tổ chức tập huấn triển khai đến tất cả đơn vị trong toàn hệ thống; Kết quả đạt được đến nay còn khiêm tốn.

Do quá trình triển khai cũng có những khó khăn nhất định như về phía khách hàng, về phía các NHTM, về xác định đối tượng thụ hưởng chính sách… Do đó, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các cơ quan có liên quan đồng hành cùng NHNN trong quá trình triển khai, cũng như quá trình rà soát và kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà kể cả các bộ, ngành, các Hiệp hội, ngành nghề; tiếp tục tổ chức các Hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các NHTM tiếp tục rà soát đối tượng được hỗ trợ lãi suất…

Chia sẻ bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong thực tế, việc đẩy mạnh giải ngân gói này căn cứ điều kiện vay nợ. Như vậy, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện vay. Việc không giải ngân hết không quá quan trọng bởi vì thực tế các doanh nghiệp trong Quý IV/2021 và 8 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ. Thêm nữa, chúng ta cũng thấy rằng, trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại sản xuất - kinh doanh đạt 160 ngàn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hội nghị, NHNN cùng với các Bộ, ngành tiếp tục giải đáp các vướng mắc về đối tượng, điều kiện thụ hưởng đã được quy định tại Nghị quyết 43, Nghị quyết 11 và cụ thể tại Nghị định 31 nhằm tạo sự thống nhất và tạo điều kiện cho NHTM và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách khi mở rộng đối tượng, cân đối nguồn lực của nhà nước trong khi nguồn lực còn có hạn, quan trọng nhất là phải có số liệu thực tế phản ánh tính chính xác, phân tích đầy đủ. Trên cơ sở đó, sẽ phối hợp với NHNN kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Tiếp đến là câu chuyện về đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính, ví như “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với NHNN xem xét có những hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.

Nhấn mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất là một trong hai giải pháp lớn trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, điều này thể hiện tầm quan trọng của chương trình này trong quá trình phục hồi kinh tế, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, Thống đốc NHNN đã rất quan tâm và chỉ đạo triển khai tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt lãnh đạo rất quan tâm đến công tác thanh tra, mặc dù Thanh tra Chính phủ không thuộc một trong các cơ quan thực hiện Chương trình này. Qua các ý kiến tại Hội nghị, chủ yếu là các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, chủ yếu liên quan đến quy định mang tính định tính, đại diện Thanh tra Chính phủ đề nghị NHNN và các bộ, ngành liên quan, khi triển khai chính sách có những cụm từ chưa rõ nghĩa hay chưa thống nhất thì cần làm rõ để tạo thuận lợi cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này.

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ: "cuối năm, chúng tôi sẽ có báo cáo về Nghị quyết 43. Chúng tôi sẵn sàng tổng hợp đầy đủ ý kiến của NHNN và sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để từ đó cùng NHNN đề xuất các giải pháp đối với các cấp có thẩm quyền".

Vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm, đồng thuận và chung tay của các bộ, ngành

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền từ ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Chương trình này nhận được sự quan tâm của rất nhiều cấp lãnh đạo, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân.

web.jpeg-2.jpg

Toàn cảnh hội nghị

"Tại Hội nghị ngày hôm nay, ý kiến phát biểu của các NHTM, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố là ý kiến thực tiễn từ những người trực tiếp làm công tác hỗ trợ lãi suất. Thông qua các ý kiến đã thấy được sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trong ngành Ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Để đẩy mạnh triển khai chủ trương hỗ trợ lãi suất của Quốc hội, Chính phủ có kết quả trong thời gian tới, Thống đốc NHNN mong muốn ngành Ngân hàng cùng các Bộ, ngành vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm, đồng thuận và chung tay hơn nữa. Sắp tới NHNN sẽ có văn bản đề nghị các địa phương cùng đồng hành, hỗ trợ tích cực hơn nữa để giải quyết được những khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ này.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu về những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, với mục tiêu thúc đẩy và tạo tâm lý đồng thuận để triển khai chính sách trong cả nước; nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hỗ trợ, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội theo chỉ đạo của Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị:

Đối với các NHTM: Triển khai ngay việc phối hợp với khách hành rà soát danh sách tất cả các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh kỳ trả lãi từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Khách hành được hỗ trợ lãi suất thì phải cập nhật ngay số liệu để NHNN tổng hợp, cùng với các Bộ, Ngành báo cáo kết quả với Chính phủ. Các NHTM phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất.

Các TCTD quán triệt đầy đủ các nội dung, công việc phải triển khai tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề và trực tiếp với khách hàng...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm nắm bắt thông tin, cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại NHTM.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố: Theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này, chủ động hướng dẫn tháo gỡ khó khăn phát sinh trên địa bàn và kịp thời phản ánh với NHNN những vấn đề vượt thẩm quyền. Từ thực tiễn trên địa bàn, các chi nhánh NHNN cần chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

NHNN chi nhánh chủ động phối hợp các sở, ngành địa phương tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách, thể hiện tinh thần triển khai quyết liệt từ cơ sở. Hội nghị này cần co sự tham dự của các TCTD và doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất để thấy được doanh nghiệp nào tiếp cận được, không tiếp cận được gói hỗ trợ này để có giải thích rõ ràng, bảo đảm công khai, minh bạch và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.

Chủ động truyền thông tại địa phương đảm bảo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm rõ khung pháp lý của Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-NHNN và hướng dẫn triển khai thực hiện. NHNN chi nhánh phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN và các đơn vị chức năng của các Bộ, các Ngành xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn.

Tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh và xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức tín dụng không triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất này.

Các đơn vị thuộc NHNN Trung ương: Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để tham mưu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế khẩn trương xây dựng chương trình cho các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng chương trình công tác của Ban Lãnh đạo NHNN để phân công tham dự các Hội nghị này tại các địa phương.

Xây dựng chương trình giám sát, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại theo quy định, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn với sự tham gia của các Bộ, cơ quan có liên quan.

Các đơn vị thuộc NHNN phối hợp với các Bộ, Ngành có hướng dẫn, giải đáp kịp thời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, báo cáo Thường vụ Quốc hội để được hướng dẫn xử lý.

Thành lập đường dây nóng tại NHNN TW để cùng đường dây nóng của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp nhận các phản ánh chính sách từ người dân, doanh nghiệp, NHTM nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Đối với các Bộ, cơ quan có liên quan: Thống đốc NHNN đề nghị các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và ngành ngân hàng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất; Kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc phát sinhtrong quá trình triển khai chính sách; Tham gia các đoàn kiểm tra của NHNN thực hiện chính sách tại địa phương để nắm bắt thực tiễn, làm cơ sở để có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ.

Về công tác truyền thông: Cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa, có sự vào cuộc của tất cả, từ NHNN đến các NHTM, từ NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tới các TCTD, hiệp hội các ngành hàng… để làm rõ mục đích truyền thông cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm rõ điều kiện, đối tương tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Các hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cũng cần được truyền thông để vướng mắc của đơn vị này được giải quyết thì tất cả các đơn vị khác biết và thực hiện.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giao Vụ Truyền thông NHNN làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành tổ chức triển khai thực hiện công tác truyền thông về Chương trình hỗ trợ lãi suất này. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực truyền thông về tình hình triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tập hợp ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị để cùng các đơn vị thuộc NHNN và các Bộ ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Thống đốc NHNN hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sự đồng hành, chung sức của các Bộ, ngành với NHNN và ngành ngân hàng, chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ đạt mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
​Quyết liệt triển khai có trách nhiệm gói hỗ trợ lãi suất 2%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO