(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết: Chính phủ đã xác định nhóm giải pháp trọng tâm, quyết đầy lùi dịch bệnh vì sức khỏe của nhân dân là trên hết. Cũng tại họp báo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin rõ hơn về việc các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp từ từ nay đến cuối năm.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm này trong phiên họp trực tuyến toàn quốc đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với các địa phương diễn ra cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7/2021 và 7 tháng đầu năm 2021, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sản xuất, kinh doanh 7 tháng đầu năm được duy trì dù chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7/2021. Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội... Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng IIP tăng 7,9%...
Liên quan tới lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, các ngành, các cấp, các địa phương đã tập trung, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP; đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục xác định các nhóm đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm kinh phí hỗ trợ đến tay thi người dân gặp khó khăn một cách nhanh nhất. Đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện chi trả trợ cấp cho người dân theo 12 chính sách quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Nhật Bắc |
Đã tiêm được hơn 11 triệu liều vắc-xin
Về diễn biến dịch COVID-19, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, nhiều khu công nghiệp ở phía Nam. COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ. Sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Nhật Bắc |
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện tại trên cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vắc-xin trên tổng số khoảng 18 triệu liều vắc-xin đã cấp, chiếm khoảng 65%.
Hiện tại, tổng số vắc-xin được cấp tại TP. Hồ Chí Minh là 4.075.270 liều. Thành phố đã tiêm được 3.598.687 liều, chiếm 88,2%. Trong hôm nay 11/8 và ngày mai (12/8), Thành phố sẽ tiêm hết số vắc-xin được cấp, đồng thời dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin khác như Sinopharm.
Đối với TP. Hà Nội, hiện Thành phố được cấp 2.944.910 liều, đã tiêm được khoảng 1 triệu rưỡi liều, chiếm khoảng trên 50%, trong thời gian tới, TP. Hà Nội cũng tăng tốc tiêm vắc-xin.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với lượng vắc-xin dự kiến phân bổ theo từng tháng để các tỉnh, thành phố chủ động hơn trong công tác triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đã có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vắc-xin, không để tồn vắc-xin, nếu không sẽ điều chuyển cho các tỉnh khác. Qua một số văn bản như vậy thì thấy tốc độ tiêm tại các tỉnh, thành phố nhanh hơn.
"Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, bảo đảm tiêm mũi nào an toàn mũi ấy. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là các dụng cụ, thuốc men cũng như xe lưu động, các cơ sở, đặc biệt là hồi sức, cấp cứu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Tới đây, khi lượng vắc-xin về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng tốc công tác tiêm chủng, ngành y tế phối hợp với lực lượng quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vắc-xin trong một ngày", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại khu vực phiá Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía nam, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với các địa phương, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để làm sao chúng ta có thể chủ động nhất khi tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nhìn chung hiện tại có tình trạng quá tải ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam, do lượng bệnh nhân ở tầng 3 khu vực hồi sức tích cực. Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong công tác điều trị phải tuyệt đối phân tầng đúng, nhẹ vào tầng nhẹ, trung bình vào tầng 2 và nặng ở tầng 3, nhưng cũng phải chú ý nếu muộn quá sẽ gây nguy cơ tử vong cao. Như vậy phân tầng đúng, chuyển đúng là hết sức quan trọng.
Vừa qua, tại 19 tỉnh, thành phố phía nam, Bộ Y tế đã kết hợp với địa phương lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu. Tại TP. Hồ Chí Minh có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ kết hợp với Thành phố, bao gồm cả BV dã chiến, hồi sức cấp cứu của BV Việt Đức, BV Trung ương Huế, BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tương tự như vậy, Bộ đã phân công Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Bệnh viện K để có trung tâm hồi sức với quy mô 400 giường ở Đồng Nai. Ở Bình Dương, giao cho BV Đại học Y Hà Nội, Vĩnh Long giao cho Bệnh viện Nhi… Mỗi tỉnh, chúng tôi đều cử các nhóm công tác, bao gồm các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức để hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch
"Chúng tôi cũng chuyển 10.000 liều thuốc Remdesivir nhập từ Ấn Độ kịp thời cung cấp cho công tác điều trị tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Ngành y tế cũng huy động trên 11.000 cán bộ, sinh viên để hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam phòng chống dịch", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm. "Tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của Bộ Y tế… có thể ổn định, dập dịch trong thời gian tới".
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo về việc tháo gỡ khó khăn về lãi suất vốn vay cho người dân và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các NHTM hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành và các NHTM đã hạ lãi suất cho vay. Mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các địa phương và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng và thiết yếu đối với doanh nghiệp lúc này. Vì thế, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM vừa cắt giảm chi phí hoạt động tối đa để tạo điều kiện giảm lãi suất và chia sẻ lợi nhuận của NHTM để giảm lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay.
Tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với 16 NHTM (có quy mô lớn nhất) mới đây, các NHTM đã nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần "khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều". Các NHTM đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, 4 NHTM có vốn Nhà nước gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho những địa phương cho một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay, đây đều là những địa phương đang rất khó khăn nên sẽ tập trung giảm thêm. Bên cạnh việc giảm lãi suất này, 4 ngân hàng cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương nói trên.
Để đảm bảo cho việc giảm lãi suất một cách thực chất cũng như việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của các doanh nghiệp, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát việc giảm lãi suất này của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện. Hy vọng rằng dịch bệnh sớm kết thúc và việc khôi phục nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực về nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi sẽ là vấn đề mà NHNN ưu tiên trong thời gian sắp tới.
Vừa qua, thị trường có thông tin về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Không có gói này, chủ yếu là các NHTM công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo quy mô điều kiện của mỗi ngân hàng".
Thông tin thêm về các gói hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách của năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp: Tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, chúng tôi dự kiến có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế, chúng tôi dự kiến là sẽ giảm 50%; Giảm thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như GTVT, kinh doanh lưu trú, du lịch…; Miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn; Giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn, tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, Bộ Tài Chính đang lấy và tổng hợp các ý kiến để báo cáo các bộ, ngành liên quan, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, đảm bảo trong phiên họp gần nhất của UBTVQH, Chính phủ sẽ trình để UBTVQH xem xét, quyết định theo thẩm quyền và theo Nghị quyết của Quốc hội.
Liên quan đến sản xuất “3 tại chỗ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh hiện nay phương án “3 tại chỗ” áp dụng cho sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, vẫn là phương án tốt.
Mặc dù phương án này đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh lại có bất cập.
Chính vì thế, ngày 6/8, Bộ Công Thương đã có văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký gửi Bộ Y tế và mạnh dạn có ý kiến đề xuất một số biện pháp có thể phù hợp hơn so với “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới vì chúng ta còn phải làm lâu dài, chứ không phải chỉ trong 1 thời gian ngắn. Trong đó có rất nhiều đề xuất, kiến nghị, thậm chí là sửa đổi các quy định từ trước đến nay của Bộ Y tế liên quan đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất trong các trung tâm công nghiệp. Hoặc nếu có F0 thì xử lý thế nào? Không bắt người lao động ở liền suốt 1 thời gian dài; họ cũng có thể được ra ngoài nhưng phải theo một quy định.
"Sản xuất là tốt và phải làm. Đó là mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Nhưng trước hết là phải chống dịch. Vì thế Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch vừa tiếp tục sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để có thể ban hành sớm nhất văn bản, mang lại hiệu quả thiết thực vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.