Doanh nghiệp

R&D chiều sâu giúp Imexpharm mở rộng chuỗi cung ứng dược toàn cầu

Kỳ Duyên 23/08/2024 08:30

Đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Công ty Dược phẩm Imexpharm đang tạo lợi thế khác biệt trên thị trường dược phẩm và mở ra hướng cạnh tranh hiệu quả cho dược phẩm trong nước.

imp-1.jpg
Nhà máy kháng sinh công nghệ cao IMP4 đạt chuẩn EU-GMP của Imexpharm - Nguồn: Imexpharm.

5% doanh thu cho R&D, chuẩn EU-GMP và lợi nhuận tăng trưởng

Đầu tháng 8/2024, Imexpharm đã tổ chức hội nghị nhà đầu tư và chuyên gia phân tích nhằm công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và thảo luận về định hướng cùng kế hoạch phát triển kinh doanh trong nửa cuối năm 2024.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Imexpharm đã tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh chất lượng cao cũng như trên kênh ETC.

Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc khối Tài chính của Imexpharm cho biết chiến lược đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) đòi hỏi nguồn lực con người và năng lực tài chính cao nhưng Imexpharm đã quyết tâm theo đuổi chiến lược này ngay từ những ngày đầu thành lập. Điều này đã và đang mang lại lợi thế lớn cho Imexpharm tại thị trường trong và ngoài nước.

Có thể nói tiên phong trong việc xây dựng nền tảng công nghệ tiên tiến đã giúp Imexpharm đạt được nhiều thành tựu trong kinh doanh. Imexpharm hiện đang trên đà tiến tới năm thứ 3 liên tiếp đạt mức lợi nhuận khả quan. Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng.

“Imexpharm đang có đà phát triển mạnh mẽ và sẽ còn ấn tượng hơn nữa vào nửa cuối năm 2024, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra. Imexpharm tiếp tục đổi mới và linh hoạt trong kinh doanh với nền tảng vốn điều lệ dự kiến sẽ là lớn nhất trong các công ty dược Việt Nam”, ông Duy cho biết.

Tăng trưởng của Imexpharm trong 6 tháng đầu năm thể hiện qua những con số biết nói. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán hàng trên kênh ETC trong nửa đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ; doanh thu bán hàng qua kênh chuỗi tăng 141% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và EBITDA ghi nhận ở mức 161 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, duy trì biên EBITDA ổn định ở mức 21%. Đặc biệt vốn hóa thị trường của Imexpharm theo giá đóng cửa ngày 31/7 đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 60% kể từ đầu năm.

Có thể thấy, trong suốt 47 năm qua, Imexpharm đã không ngừng nỗ lực chứng minh cam kết cao nhất của mình bằng việc dành toàn bộ nguồn lực đầu tư cho những sản phẩm dược có chất lượng, được thị trường đánh giá cao.

Đáng chú ý, để dẫn đầu trong thị trường thuốc kháng sinh, Imexpharm nhiều năm qua đã đầu tư bài bản vào dây chuyền sản xuất thuốc kháng sinh chất lượng cao với nguyên liệu sạch theo công nghệ Enzymatic. Công nghệ này không sử dụng dung môi và hóa chất trong quá trình sản xuất, giúp thuốc kháng sinh của Imexpharm có những ưu điểm về độ tinh khiết, ổn định, an toàn cao cho bệnh nhân và thân thiện với môi trường…

Năm 2023, doanh nghiệp này dẫn đầu thị trường kháng sinh khi chiếm 9% thị phần với doanh số khoảng 2.157 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến như Cephalosporin, Penicillin chiếm hơn 70% giá trị tại thị trường Việt Nam cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2023, Imexpharm đã dành 5% doanh thu cho các hoạt động R&D. Kết quả Imexpharm đã có 93 dự án nghiên cứu và phát triển, trong đó có 15 sản phẩm đã ra mắt thị trường. Đến tháng 7/2024, Công ty đã đăng ký thêm 11 EU MA và nâng tổng số EU MA công ty đang sở hữu lên con số 28 EU MA cho 11 sản, bắt đầu kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thuốc kháng sinh để tiếp cận thị trường mới.

thuoc.jpg
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy sản xuất thuốc chất lượng EU-GMP của Imexpharm - Nguồn: Imexpharm.

Bước tiến vào thị trường toàn cầu

Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược hiện nay có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới, thử nghiệm lâm sàng và chuyển giao công nghệ. Nắm bắt xu hướng này, Imexpharm đã hợp tác với Genuone Sciences, một công ty dược lớn đến từ Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiểu đường, tim mạch… Ngoài Genuone, Imexpharm đã là đối tác sản xuất nhượng quyền của hàng loạt tập đoàn dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như Sandoz, Robinson Pharma, DP Pharma, Galien, Pharma Science Canada, Sanofi - Aventis…

imp2.png
Imexpharm đã kí kết hợp tác với Genuone Sciences Inc., một công ty dược lớn đến từ Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiểu đường, tim mạch - Nguồn: Imexpharm.

Với tầm nhìn này, Imexpharm đang lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm Non-antibiotic, và dự kiến xây dựng nhà máy IMP5 mới tại khu công nghiệp Quảng Khánh, Đồng Tháp.

Bên cạnh các dạng bào chế truyền thống, Imexpharm có khả năng phát triển các dạng bào chế mới như đông khô, viên nén phân tán, thuốc bột đa liều… Các sản phẩm này được giám sát chặt chẽ để kiểm soát các tạp chất nguy hại như Nitrosamine (chất gây ung thư), dung môi tồn dư và kim loại nặng.

Với sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, Imexpharm đã xuất khẩu thành công sang các thị trường mới như Mông Cổ và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường: Singapore, Malaysia, Philippines, Hong Kong... Những bước đi này không chỉ giúp công ty tiếp cận công nghệ tiên tiến mà còn mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm trong và ngoài nước, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

“Những chiến lược tiên phong về công nghệ đã đặt nền móng vững chắc cho tầm nhìn đến năm 2030, khi Imexpharm dự kiến đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu gấp ba lần. Điều này sẽ tạo ra bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Imexpharm trên thị trường toàn cầu, Việt Nam và khu vực”, lãnh đạo của Imexpharm cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
R&D chiều sâu giúp Imexpharm mở rộng chuỗi cung ứng dược toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO