Thứ Tư, 2/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Sáng ngày 2/4/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chính thức ra mắt Cẩm nang Quản trị công ty 2025.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với sự hỗ trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Chí Dũng - Trưởng ban Pháp chế và Đối ngoại, UBCKNN nhấn mạnh: Nhận thức về vai trò và lợi ích của quản trị công ty (QTCT) tốt ngày càng được nâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cả doanh nghiệp niêm yết nói riêng.
Theo Trưởng ban Pháp chế và Đối ngoại của UBCKNN, hiện Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi của FTSE Russell và MSCI để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc này sẽ mang lại cơ hội thu hút thêm từ 5 đến 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng việc nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm 25 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế vào năm 2030.
“Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư quốc tế mà còn tạo thêm động lực cần thiết để cải thiện QTCT của các doanh nghiệp niêm yết. Do đó, việc cải thiện QTCT trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết,…”, ông Dũng khẳng định.
Theo đại diện UBCKNN, có 4 lý do chính:
Thứ nhất, cải thiện QTCT giúp tăng cường minh bạch và báo cáo tài chính và phi tài chính. Theo đó, việc nâng hạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo tài chính, phi tài chính và QTCT nghiêm ngặt hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Sự minh bạch không chỉ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư mà còn giảm thiểu rủi ro về thông tin sai lệch và gian lận.
Thứ hai, tăng cường quản lý rủi ro và tuân thủ quy định. Để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản lý rủi ro và tuân thủ các quy định pháp lý. Việc áp dụng các hệ thống kiểm soát nội bộ mạnh mẽ hơn sẽ giúp đảm bảo tuân thủ các quy định về giao dịch và báo cáo tài chính, từ đó nâng cao uy tín và sự tin cậy của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ ba, việc cải thiện QTCT sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn quản trị. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng các thực hành QTCT tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu nâng hạng. Những cải thiện này giúp tăng cường hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
Thứ tư, cải thiện QTCT giúp phát triển bền vững. Các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) sẽ trở nên quan trọng hơn khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kỳ vọng của các nhà đầu tư toàn cầu.
“Việc tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế….”- Trưởng ban Vũ Chí Dũng quả quyết.
Cẩm nang QTCT lần đầu tiên ra mắt vào năm 2010 là tập hợp và phân tích một cách có hệ thống, đầy đủ và toàn diện các quy định pháp luật hiện hành về QTCT ở Việt Nam, đưa ra các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phù hợp, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho các cổ đông, doanh nghiệp và chính phủ trong việc thực hiện và giảm sát các tiêu chuẩn quản trị tốt. Đây cũng là thời điểm mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần được hướng dẫn chi tiết về quyền cổ đông, họp cổ đông, biểu quyết cổ đông và một khung pháp lý về các vấn đề QTCT.
Tuy nhiên, trong 15 năm qua, quy định QTCT của Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn với sự ban hành của Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020. Và gần đây nhất, Bộ Nguyên tắc QTCT G20/OECD được G20 thông qua vào tháng 9/2023 đánh dấu chuẩn mực toàn cầu cho khuôn khổ pháp lý, quy định và thể chế cho QTCT lên một tầm cao mới trong đó nhấn mạnh vào trách nhiệm của doanh nghiệp và Hội đồng quản trị về các vấn đề phát triển bền vững; trách nhiệm quản lý rủi ro và lợi ích của các bên liên quan không phải là cổ đông cũng như nghĩa vụ công bố kịp thời và chính xác tất cả thông tin trọng yếu, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính và công tác quản trị của công ty.
“Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện quản trị công ty. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, thu hút đầu tư mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, việc cải thiện QTCT trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới…”
Ông Vũ Chí Dũng- Trưởng ban Pháp chế và Đối ngoại, UBCKNN
Trong vai trò là một cơ quan xây dựng và quản lý, giám sát thị trường chứng khoán hướng tới các chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về quản trị công ty, UBCKNN cùng với IFC, với sự hỗ trợ của SECO, cập nhật và tái bản cuốn Cẩm nang QTCT – ấn bản 2025 với những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế, và thông lệ tốt nhất về QTCT, so sánh với thực tế ở Việt Nam giúp cho các công ty đại chúng có định hướng, nâng cao hiểu biết và cải thiện tình hình quản trị công ty của mình.
Cùng với cuốn Cẩm nang này, trong năm 2025, UBCKNN với sự hỗ trợ của IFC-SECO sẽ xem xét nâng cấp Bộ Nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam (VN CG Code) để định hướng cho các doanh nghiệp đại chúng thực hành QTCT tiệm cận với chuẩn của ASEAN và Bộ Nguyên tắc QTCT G20/OECD 2023.
Theo đại diện UBCKNN, tiêu chuẩn quản trị cao cần trở thành nền tảng quan trọng của thị trường vốn Việt Nam, đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế liên tục của đất nước.