Cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail đang là mã thủng sâu nhất khỏi đường xu hướng dài hạn trong rổ VN30. Liệu vận động giá bất thường của VRE có phải là một cú rũ bỏ của dòng tiền trước khi trở lại đường MA200?
Cổ phiếu thủng đáy 4 năm về gần sát đáy COVID-19
Dù là cổ phiếu nằm trong rổ VN30 nhưng thành tích của VRE đang khá yếu với 5/6 tháng giảm giá. Tính đến hết phiên giao dịch 19/6, VRE đã giảm 11,37% và hiện đã xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. So với đáy COVID-19, thị giá của VRE cũng chỉ cách khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu.
Theo thống kê, hiện có 9 mã trong VN30 tạm thời đánh mất xu hướng tăng dài hạn trong đó VRE chính là cổ phiếu thủng đường MA200 sâu nhất với tỷ lệ chênh lệch 15,3%.
Một trong những nguyên nhân khiến VRE rơi vào vận động bất lợi đến từ việc khối ngoại đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng từ đầu năm 2024, mức cao nhất từng được ghi nhận trong một năm. Dù vậy, điều này cũng không hoàn toàn lý giải cho đà giảm bởi nhiều cổ phiếu lớn như FPT (+58,45%), MSN (+12,84%) vẫn ghi nhận thành tích khá ấn tượng bất chấp việc bị bán mạnh hơn VRE.
Dù sao, mức độ chiết khấu mạnh của VRE sẽ thu hút sự chú ý của dòng tiền lớn bởi trong quá khứ vẫn xuất hiện các nhịp đảo chiều trung bình (Mean Reversion). Theo đó, cổ phiếu có xu hướng trở về đường trung bình MA200 sau khi đã dao động đi quá xa. Đây là điều đã xảy ra trong tháng tăng duy nhất từ đầu năm 2024, cụ thể VRE đã tăng 18,04% trong tháng 2/2024.
Do đó, diễn biến tới đây của VRE sẽ rất đáng chú ý nhưng có thể sẽ không dành cho số đông nhà đầu tư đang tham gia trên thị trường.
Khai trương 4 trung tâm thương mại trong quý II/2024
Trong quý I/2024, VRE ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định so với quý trước với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2,25 nghìn tỷ (+16% so với cùng kỳ và -3,8% so với quý trước) và 1,08 nghìn tỷ đồng (+5,7% so với cùng kỳ và +1,4% so với quý trước).
Doanh thu cho thuê trung tâm thương mại duy trì ổn định so với quý trước và so với cùng kỳ với doanh thu đạt 1,93 nghìn tỷ đồng (+0,8% và -1,2% so với quý trước). Doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 277 tỷ đồng (+98,5 lần so với cùng kỳ và +3,5% so với quý trước) khi VRE bàn giao 45 căn nhà phố trong quý I/2024 (so với 54 căn nhà phố và 1 căn nhà phố lần lượt được bàn giao trong quý IV/2023 và quý I/2023).
Được biết vào đầu tháng 6/2024, VRE đã tổ chức lễ khai trương kỹ thuật Trung tâm thương mại Vincom Megamall Grand Park tại Thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Sau hai năm không có trung tâm thương mại mới nào được khai trương, việc khai trương Trung tâm thương mại Vincom Megamall Grand Park giúp củng cố vị thế dẫn đầu của VRE trên thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam. Trong năm 2024, và theo kế hoạch của công ty, 5 trung tâm thương mại mới khác dự kiến sẽ khai trương, nâng tổng diện tích sàn cho thuê của VRE từ gần 1,75 triệu m2 lên gần 1,92 triệu m2.
Ngoài Vincom Megamall Grand Park tại TP.HCM, đã ra mắt với lễ khai trương kỹ thuật vào ngày 1/6/2024, ba trung tâm thương mại mới khác dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 6/2024.
Ngoài ra, hai trung tâm thương mại mới dự kiến ra mắt trong quý IV/2024 sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh cho thuê trung tâm thương mại của VRE trong năm 2024. Mặc dù tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại đang hoạt động giảm nhưng với việc ra mắt các trung tâm thương mại mới trong năm 2024 với tỷ lệ lấp đầy tốt, CTCK SSI kỳ vọng hoạt động cho thuê trung tâm thương mại của VRE sẽ chiếm 89,6% tổng doanh thu trong năm 2024, với mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2024. Tuy nhiên, doanh thu kinh doanh bất động sản năm 2024 có thể giảm -61,3% so với cùng kỳ khi phần lớn doanh số kinh doanh bất động sản đã được ghi nhận trong năm 2023.
Trong năm 2025, SSI kỳ vọng VRE sẽ ra mắt hai trung tâm thương mại mới ở các dự án Vinhomes ở TP. Hải Phòng và Hà Nội. Do đó, doanh thu và LNST năm 2025 dự kiến sẽ lần lượt đạt 9,57 nghìn tỷ đồng (+3,5%) và 4,62 nghìn tỷ đồng (+11,8%).