Doanh nghiệp

Sabeco báo lãi sau thuế giảm 23%, thu gần 1.400 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023

Đinh Thơm 31/01/2024 - 11:24

Năm 2023, trong bối cảnh sức mua giảm và cạnh tranh gay gắt, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco đã sụt giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục năm 2022, lần lượt đạt 30.461 tỷ đồng và 4.255 tỷ đồng.

sab1.png

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 8.520 tỷ đồng, giảm15% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 2.456 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, song biên lãi gộp lại tăng nhẹ lên mức gần 29%.

Trong kỳ doanh thu tài chính gần như đi ngang so với cùng kỳ, ở mức 347 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính được tiết giảm một nửa còn gần 26 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm 17%, còn 1.339 tỷ đồng, song chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7% lên 214 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Sabeco báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 967 đồng, giảm 10% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 947 tỷ đồng, cũng giảm 10%.

Lũy kế cả năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 30.461 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.255 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 13% và 23% so với mức cao kỷ lục đạt được năm 2022.

Đáng chú ý, sau năm 2022 tăng trưởng tích cực, Sabeco tham vọng năm 2023 sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận với mục tiêu đạt 40.272 tỷ đồng doanh thu và 5.775 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15,1% và tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, với kết quả trên, Sabeco mới hoàn thành gần 76% kế hoạch doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

sab-2298.png

Theo lý giải của Sabeco, doanh thu thuần năm 2023 của doanh nghiệp thấp hơn năm ngoái là do cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn, phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết thấp hơn, mặc dù được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính cao hơn.

Việc phải cạnh tranh ngày càng gay gắt cộng thêm xu hướng tiêu dùng của người dân giảm cũng là lý do khiến kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp trong ngành bia nói chung kém khả quan. Trước đó, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) cũng chứng kiến doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sụt giảm lần lượt 8% và 30% so với năm 2022, đạt 7.757 tỷ đồng và 355 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận gần như thấp nhất kể từ năm 2009 của Habeco (nếu không tính năm 2021 do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19).

bhn-1594-9971.png

Sabeco và Habeco hiện là 2 trong 4 thương hiệu nắm phần lớn thị phần thị trường bia tại Việt Nam, cùng với hai "ông lớn" ngoại là Heineken và Carlsberg. Trong đó, Sabeco và Habeco là 2 thương hiệu lâu đời trên thị trường bia Việt Nam và đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Trong những năm qua để giành thị phần, các hãng bia này đều không tiếc tiền chi cho quảng cáo, khuyến mãi. Tuy nhiên, trong năm 2023, do tình hình kinh doanh khó khăn, Sabeco đã cắt giảm hơn 8% khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại, còn 2.814 tỷ đồng; trong khi Habeco cũng cắt giảm 17% khoản chi phí này, còn gần 580 tỷ đồng. Ngược lại, Sabeco phải tăng khoản chi phí bán hàng của nhân viên lên 1.002 tỷ đồng (tăng 13%) và Habeco tăng lên 158 tỷ đồng (tăng 14%).

Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Sabeco đạt 34.057 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tới gần 67% là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng (hơn 22.700 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm). Khoản tiền gửi lớn giúp Sabeco thu về 1.390 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023, tăng gần 36% so với năm 2022.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Habeco tại thời điểm cuối năm 2023 là 8.571 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Theo đó, khoản vay nợ giảm đáng kể so với đầu năm, trong đó nợ vay ngắn hạn giảm 20% xuống 530 tỷ đồng và nợ vay dài hạn giảm 56% còn 171 tỷ đồng.

Trong năm qua công ty đã đi vay hơn 4.130 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2022) và đã trả gốc nợ vay 4.461 tỷ đồng (tăng hơn 53% so với năm liền trước). Chi phí lãi vay trong năm 2023 của công ty là 50 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.

Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Sabeco đạt 25.485 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 12.825 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển khoảng 1.122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn tới 10.217 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sabeco báo lãi sau thuế giảm 23%, thu gần 1.400 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO