Cả năm 2023 Habeco đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lãi sau thuế 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với năm 2022 song vẫn vượt chỉ tiêu đề ra.
Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 2.246 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 542 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, kéo biên lãi gộp từ mức 25,2% của cùng kỳ xuống 24% trong quý này.
Bù lại doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi lại tăng 21% lên 69 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm đáng kể. Nhờ đó, lãi sau thuế quý IV/2023 của Habeco vẫn tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 64 đồng, lãi ròng cũng tăng nhẹ hơn 2%, lên 57 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 8% và 30% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận gần như thấp nhất kể từ năm 2009 của Habeco (nếu không tính năm 2021 do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19).
Dù vậy với kế hoạch thận trọng đặt ra cho năm 2023 là doanh thu 7.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng, kết quả trên vẫn giúp Habeco vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt tới 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo lý giải của doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng giảm, cộng thêm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023.
Habeco hiện là 1 trong 4 thương hiệu nắm phần lớn thị phần thị trường bia tại Việt Nam, cùng với Heineken, Sabeco và Carlsberg. Trong đó, Sabeco và Habeco là hai thương hiệu lâu đời trên thị trường bia Việt Nam và đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong những năm qua để giành thị phần, các hãng bia này đều không tiếc tiền chi cho quảng cáo, khuyến mãi. Tuy nhiên, trong năm 2023, do tình hình kinh doanh khó khăn, Habeco đã cắt giảm 17% khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại, chỉ còn gần 580 tỷ đồng.
Ngược lại, công ty phải đẩy khoản chiết khấu thương mại lên 143 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, dù doanh thu giảm. Đồng thời, công ty cũng tăng khoản chi cho nhân viên lên 158 tỷ đồng (tăng 14%).
Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Habeco đạt 7.140 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tới hơn một nửa tài sản là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng (3.889 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm). Khoản tiền này giúp Habeco thu về 228 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Habeco tại thời điểm cuối năm 2023 là 1.826 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Nợ vay tài chính ngắn tăng 15% lên 110 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu đạt 5.313 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 2.318 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển khoảng 1.544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 765 tỷ đồng.