VN-Index kết thúc năm 2024 với 1 phiên điều chỉnh giảm hơn 5 điểm, xuống 1.266,78 điểm. Năm 2024, VN-Index ghi nhận mức tăng gần 137 điểm so với cuối năm 2023, tương đương tăng 12,1%.
Chỉ số chung dao động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Một số cổ phiếu blue-chip xanh nhẹ đứng ra nâng đỡ VN-Index trong khi giao dịch trầm lắng ở cả hai phía cung cầu. Trong bối cảnh như vậy, điểm sáng là dòng tiền vẫn thể hiện được diễn biến phân hóa rõ nét tới các nhóm ngành/cổ phiếu riêng lẻ.
Diễn biến chính của VN-Index tiếp tục là những nhịp giằng co ở phiên chiều. Mặc dù giảm điểm, thị trường chưa ghi nhận biến động mạnh và vẫn có sự nâng đỡ từ cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, TCB nên có thể thấy chỉ số chung vẫn vận động bình thường.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 13/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành truyền thông dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành bảo hiểm, dầu khí,… Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin có phiên giao dịch tích cực hôm nay.
Áp lực chốt lời trong phiên hôm nay dồn vào các cổ phiếu ngân hàng lớn. 5 cổ phiếu khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất đều thuộc nhóm này và đều có dấu ấn bán ra khá lớn của khối ngoại. CTG giảm 2,83%, BID giảm 1,83%, VCB giảm 0,87%, HDB giảm 4,32%, STB giảm 2,51% đã lấy đi tới hơn 4,8 điểm. Các cổ phiếu này đều xuất hiện giao dịch lớn ở đợt ATC.
Khối ngoại kết thúc một năm bán ròng bằng 1 phiên “xả hàng” với giá trị ròng đạt 278 tỷ đồng, tập trung bán các mã VCB, BID và STB. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua FRT, CTG và MCH.
Kết thúc giao dịch cuối cùng của năm 2024, sàn HOSE có 155 mã tăng và 254 mã giảm, VN-Index giảm 5,24 điểm (-0,41%), xuống 1.266,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 480,5 triệu đơn vị, giá trị 11.560,3 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 73,3 triệu đơn vị, giá trị 1.989,6 tỷ đồng.
Kết năm 2024, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức tăng gần 137 điểm từ 1.229,9 điểm, tương đương tăng 12,1%. Trong đó, mức đỉnh trong năm ghi nhận ở hơn 1.300 điểm thiết lập vào phiên 13/6.
Sàn HNX có 76 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,71 điểm (-0,31%), xuống 227,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,1 triệu đơn vị, giá trị 588,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị 50,3 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 95,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,3 triệu đơn vị, giá trị 518 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,33 triệu đơn vị, giá trị 156,1 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2501 nhích nhẹ 0,3 điểm, tương đương +0,02% lên 1.345,5 điểm, khớp hơn 134.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.400 đơn vị.
CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, VN-Index đang lùi dần về các vùng hỗ trợ ngắn hạn và cũng có tín hiệu chững lại tại các mốc này, thêm vào đó, dòng tiền vẫn có sự phân hóa mạnh nên nhìn chung thị trường chưa có tín hiệu gì tiêu cực.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư theo dõi sát diễn biến thị trường, có thể lực chọn duy trì hoặc gia tăng tỷ trọng danh mục ở các nhịp rung lắc với mục tiêu trung bình giá vốn và đạt lợi nhuận tốt hơn khi có nhịp hồi phục.