Tâm lý của thị trường chứng khoán Việt Nam khác thường so với xu hướng hồi phục của khu vực. Dù còn 2 phiên nữa mới tới kỳ đáo hạn phái sinh nhưng rung lắc mạnh trong quãng cuối của phiên khớp lệnh liên tục và ATC đã xuất hiện khiến nhiều cổ phiếu giảm sàn.
Định vị thị trường
Sự hồi phục của chứng khoán Mỹ khi chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 đã giúp cho các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm hôm nay. NIKKEI 225 (+1,2%), KOSPI (+0,98%), CSI 300 (+0,35%), SET (+0,85%) đều tăng khá tốt.
Chỉ có thị trường Việt Nam đi ngược lại xu hướng với phiên giảm gần 20 điểm. Thất thoát điểm số tập trung vào quãng giao dịch cuối phiên khớp lệnh liên tục và ATC mà không hề xuất phát từ yếu tố tiền ngoại.
Chất xúc tác
Thực tế, các biến số được thị trường quan tâm giai đoạn vừa qua như tỷ giá vẫn chưa có xáo trộn lớn. Chỉ số DXY vẫn chỉ đang neo lại trên 160 điểm và chưa có tác động mạnh lên tỷ giá trong nước. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, sáng nay (17/10), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.093 VND/USD, tăng 4 đồng so với phiên liền trước.
Hôm qua, hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN ghi nhận 19.999,7 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 1,0% từ mức 0,95% của phiên trước đó. Số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 225.700 tỷ đồng và giúp lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng được kéo lên 0,8%.
Nhà đầu tư ngoại đã không có hành động rút ròng khi HOSE được khối này bơm trở lại hơn 20 tỷ đồng. Đóng góp của khối ngoại ở 2 chiều mua/bán chỉ là 7,3%.
Vận động thị trường
Với gần 93% giao dịch đến từ tiền nội, vận động của HOSE bị chi phối mạnh về yếu tố tâm lý hơn. Đặc biệt, trong khoảng thời gian 15 phút cuối phiên khớp lệnh liên tục và phiên ATC. Chỉ số đã bất ngờ đảo chiều và bị kéo giảm mất gần 20 điểm.
Tại nhóm VN30, MWG (-4,7%), GVR (-5,8%), FPT (-3,8%), VHM (-2,31%), VIC (-2,22%) chỉ đột ngột lao xuống trong khoảng thời gian rất ngắn dù trước đó đều tăng điểm. Đây là diễn biến thường chỉ xuất hiện trong các phiên đáo hạn phái sinh nhưng điều này đã xảy ra trước 2 ngày.
Nhóm cổ phiếu Midcap và Penny phải chịu tổn thương nhất bởi đây cũng là nơi tập trung của dòng tiền cá nhân. Có tới 28 mã giảm sàn như PC1, KBC, CII, ANV, VCG, FTS, GEX, DGC, DIG, IDI, PVT, VCI, KSB, SZC, GIL, LCG, AGR, CSV, IDI. Cùng với đó là nhiều mã giảm trên 5% như DGW, PVD, HHV, VGC, NVL, HAH, DXG…
Nhiều mã kể trên có yếu tố hỗ trợ về triển vọng kinh doanh nhưng vẫn lao dốc theo sự bất ổn tâm lý của nhà đầu tư điển hình như Dầu khí. Hiện giá dầu vẫn neo sát 90 USD/thùng và chưa có tín hiệu đảo chiều giảm.
Độ rộng của cả sàn có 68% mã giảm giá. VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, mất 19,77 điểm xuống 1.121 điểm (-1,73%). Giá trị giao dịch đạt 13.362 tỷ đồng trong đó có khoảng 3.000 tỷ đồng đến từ phiên ATC.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều giảm điểm theo khi HNX-Index mất tới 2,72% còn UPCoM-Index mất 0,8%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.