(thitruongtaichinhtiente.vn) - "Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I/2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực".
Dự báo trên được ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra tại Tọa đàm: “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức chiều ngày 18/2 tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của hơn 120 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế... cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Triển vọng trung hạn duy trì tích cực
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao Ngân hàng Standard Chartered phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm nhằm thông tin và trao đổi về báo cáo vừa hoàn thành trong tháng 2/2022 của Ngân hàng Standard Chartered về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh các hoạt động nghiên cứu, tham mưu và đối thoại chính sách kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng khi các quốc gia trên toàn cầu và Việt Nam đứng trước những lựa chọn chính sách có tính bước ngoặt, tác động không chỉ đến triển vọng kinh tế trước mắt mà còn quyết định khả năng phục hồi, phát triển bền vững trong dài hạn.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19. "Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Michele Wee chia sẻ.
Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đồng thời thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và hàm ý đối với Việt Nam.
Ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2022, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái. Nền kinh tế đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vắc-xin được thúc đẩy và các gói kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, mức nền cao trong năm ngoái, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Tim Leelahaphan cho rằng, trong ngắn hạn Covid vẫn là một rủi ro chính. Đặc biệt, nếu làn sóng hiện tại tiếp tục (nghiêm trọng hơn do biến thể Omicron), nguồn tài chính có thể được phân bổ lại cho những khoản chi tiêu liên quan đến đại dịch thay vì chi tiêu cho phát triển. Lo ngại lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh các yếu tố từ phía cung do sự gián đoạn liên quan đến Covid, áp lực nhu cầu.
Dù đánh giá COVID là rủi ro chính trong ngắn hạn nhưng các chuyên gia của Standard Chartered đều tin rằng triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Đồng thời cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí lương gia tăng ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc sử dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Quá trình này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn và Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là một một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I/2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023", ông Tim Leelahaphan chia sẻ.
Dự báo của Standard Chartered |
Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia của Standard Chartered nhận định, áp lực lạm phát đang gia tăng sẽ làm giảm tính linh hoạt trong chính sách của NHNN. Bên cạnh đó, sự thay đổi toàn cầu theo hướng thắt chặt tiền tệ cũng hạn chế sự linh hoạt trong chính sách của NHNN. Trong bối cảnh đó, Standard Chartered kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,0% để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm 2022.
Về tỷ giá, Standard Chartered dự báo: "tốc độ tăng giá VND sẽ chậm lại, USD/VND đang tiến gần đến giới hạn của biên độ tỷ giá hối đoái và dự báo USD/VND ở mức 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022".
Kinh tế theo hướng xanh và bền vững sẽ tăng niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư
Diễn giả tham gia phiên thảo luận tại tọa đàm |
Tại Phiên thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách với Việt Nam, các diễn giả đều có chung nhận định tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững. Các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đất.
Tọa đàm cũng đưa ra các cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều đối tác và các doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.
Ông Ben Hung, Tổng Giám đốc, khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, để xây dựng một tương lai bền vững và hành trình tiến tới mức phát thải các- bon bằng 0 yêu cầu sự nỗ lực và hành động của tất cả chúng ta. Việc Chính phủ chú trọng vào phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững sẽ giúp tăng cường niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy họ đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam trong dài hạn.
"Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới hoạt động của Standard Chartered tại châu Á. Chúng tôi cam kết đầu tư vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình phát triển bền vững và tạo dựng sự thịnh vượng”, ông Ben Hung chia sẻ và cho biết thêm: "Standard Chartered sẽ tiếp tục đóng vai trò kết nối Việt Nam với thế giới, đồng thời cung cấp tài chính cho những khu vực có thể tạo ra những tác động tích cực".
Lãnh đạo Standard Chartered cũng cho biết thêm, tọa đàm là một phần trong những nỗ lực của Standard Chartered nhằm đóng góp vào việc triển khai các chính sách về phát triển bền vững của Việt Nam. Vào tháng 11/2021, Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh tổ chức Hội nghị “Đối thoại tại COP26 với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam: Kiến tạo tương lại thịnh vượng và bền vững thông qua đầu tư tư nhân” tại Glasgow, Vương quốc Anh, bền lề của Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26. Trong khuôn khổ của Hội nghị, Ngân hàng đã trao các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững.
Với mong muốn trở thành Ngân hàng phát triển bền vững nhất thế giới, Standard Chartered đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được mức phát thải các-bon bằng 0 từ các hoạt động cấp vốn do ngân hàng thực hiện vào năm 2050, trong đó có các mục tiêu cho năm 2030 đối với các lĩnh vực phát thải nhiều các-bon. Đến năm 2030, ngân hàng có kế hoạch huy động 300 tỷ USD để phục vụ quá trình chuyển đổi và phát triển xanh.