Ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư 02 và Thông tư 03 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Hai chính sách quan trọng này có tác động trực tiếp đến thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích các thị trường phát triển qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp. Mới đây nhất, ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư 02 và Thông tư 03 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Hai chính sách quan trọng này có tác động trực tiếp đến thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp. Mục tiêu và hiệu quả của 2 chính sách này được phản ánh trên 3 phương diện chính sau:
1. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất: lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi ngắn hạn (không kỳ hạn và loại kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống). Đây là sự điều chỉnh có tác động trực tiếp đến lãi suất tiền gửi của các Ngân hàng. Trên cơ sở lãi suất huy động vốn giảm để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay. Đây là nguyên tắc trong quá trình khai thác và sử dụng vốn của các TCTD, cũng là nguyên tắc quản trị và kế toán tài chính về xác định chi phí vốn. Vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và khách hàng là thực tế khách quan và phản ánh hiệu ứng chính sách lãi suất của NHTW, nhờ đó chi phí sử dụng vốn, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ giảm, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ở góc độ thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ. chính sách lãi suất luôn là một chính sách quan trọng, một công cụ điều hành được NHTW sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, song cũng là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi nghệ thuật và yêu cầu sử dụng linh hoạt, hiệu quả trong mối liên hệ với nhiệm vụ và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua thực hiện cơ chế cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn). Đây là cơ chế rất hiệu quả trong trường hợp doanh nghiệp, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng, do thiên tai dịch bệnh… và những biến động khó lường từ yếu tố bên ngoài, khách quan cần thiết thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp mạnh. Theo đó, cơ chế này sẽ trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay (do khó khăn về dòng tiền, do thu nhập và doanh thu sụt giảm, từ những khó khăn phát sinh về thị trường, về tiêu thụ và trong hoạt động sản xuất kinh doanh...). Việc được gia hạn nợ, giãn nợ… nhưng không chuyển nhóm nợ, vừa giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Ý nghĩa mang lại này có giá trị rất lớn trong bối cảnh các thị trường gặp khó khăn và yêu cầu về tạo động lực mới cho tăng trưởng.
3. Xét ở góc hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về vốn tín dụng, gồm chi phí sử dụng vốn (lãi suất) và việc trả nợ vay, thời hạn nợ…, thì 2 chính sách này của NHNN có tác động trực tiếp và hỗ trợ toàn diện. Việc thực hiện tốt các chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất hợp lý, giảm áp lực về chi phí, về việc trả nợ, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất và tạo lập dòng tiền. Nhờ đó tạo động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.
Hai chính sách mới ban hành được đánh giá là thiết thực, hỗ trợ trực diện doanh nghiệp thông qua công cụ chính sách. Song để thực hiện được hiệu quả đòi hỏi quá trình thực thi phải tuân thủ các quy định của chính sách, không chỉ từ phía các NHTM mà còn từ chính các doanh nghiệp, người dân được hỗ trợ vốn, hỗ trợ cơ cấu lại nợ. Khi các khoản vay được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai minh bạch sẽ không chỉ đảm bảo tạo dòng tiền, trả nợ vay, phục hồi và tăng trưởng mà còn tạo hiệu ứng chính sách thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng. Bài học sử dụng hiệu quả các công cụ này trong giai đoạn khó khăn kinh tế vĩ mô do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (giai đoạn 2012-2014) và giai đoạn đại dịch lịch sử COVID-19 còn nguyên giá trị, các NHTM và doanh nghiệp cần quan tâm, thực hiện trách nhiệm để đồng hành phát triển.