Chứng khoán

Sự kiện “Thiên Nga đen” có thể là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán năm 2025

Tú Anh 24/12/2024 - 14:16

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty CP Chứng khoán VPBank, đầu tư chứng khoán chúng ta chỉ sợ rủi ro lớn nhất là suy thoái. Không suy thoái thì những đợt điều chỉnh thông thường cứ mua vào, kiểu gì cũng thắng. Nhưng suy thoái xảy ra thì chúng ta sẽ mất rất nhiều tiền.

nguyen-viet-duc-vpbanks-02-1-.jpg
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã đưa ra những dự báo về thị trường chứng khoán năm 2025 và quan điểm đầu tư trong bối cảnh thị trường có thể gặp rủi ro trong năm 2025 tới đây.

Theo ông Đức, thị trường đã có hai năm tăng trưởng khá chậm, mỗi năm tăng khoảng 10 – 12%. Nếu nhìn vào năm 2025, khả năng tăng mạnh sẽ nhiều hơn khả năng giảm mạnh. Rất nhiều yếu tố tích lũy trong hai năm vừa rồi. Năm 2024 doanh nghiệp phục hồi rất tốt, tăng trưởng 18%, định giá thị trường rẻ, chỉ vào khoảng 11 – 12 lần nhưng khối ngoại bán ra mạnh.

“Tuy nhiên đến gần cuối năm, xu hướng này đã được đảo chiều: nước ngoài bán ít đi, nhiều phiên mua lại. Năm sau khi được nâng hạng, dòng tiền nước ngoài trở lại, cộng với kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 6,5 – 7%, cung tiền vào khoảng 15% thì tôi nghĩ là rủi ro có thể là chúng ta đang định giá thị trường quá thấp. Thị trường vượt được 1.400 điểm thì có thể vượt 1.500 điểm trong năm tới”, ông Đức nói.

Ông Đức liệt kê “Black Swan” (sự kiện Thiên Nga đen) là rủi ro lớn trong năm 2025, lý giải về vấn đề này, chuyên gia VPBankS cho biết, nếu thấy "Thiên Nga đen" và không chuẩn bị thì sẽ bị rất bất ngờ. Nhưng nếu nhìn được rủi ro trong năm tới, nhà đầu tư chuẩn bị sẵn tâm lý thì những rủi ro này có thể không xảy ra nữa. Chúng ta có sự chuẩn bị thì “Thiên Nga đen” sẽ trở thành “Thiên Nga xám” hoặc thậm chí có thể là “Thiên Nga trắng”.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Việt Đức, rủi ro đầu tiên là liệu ông Trump lên nhậm chức có áp dụng chính sách thương mại một cách cực đoan như đã nói hay không. Ông Trump đã tuyên bố áp thuế 60% với Trung Quốc và 25% với các nước khác.

“Theo tôi, điều này sẽ không xảy ra. Trong bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên, ông cho biết thuế quan chỉ là công cụ đàm phán. Nếu đồng ý xử lý vấn đề như ngăn chặn nhập cư hay trả lại kênh đào Panama hay những quốc gia có nhiều thặng dư chịu nhập nhiều hàng hóa mà Mỹ có lợi thế như dầu thì kịch bản trên sẽ không xảy ra”, chuyên gia VPBankS đưa ra dự báo.

Tuần trước, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ không hạ lãi suất nhanh như thị trường từng kỳ vọng. Ban đầu, nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm 2025 nhưng sau đó FED dự phóng chỉ hạ lãi suất hai lần, khiến thị trường phản ứng tiêu cực. Đây là điều đáng lo ngại hơn chính sách thuế của ông Trump.

Một “Thiên Nga đen” được ông Đức đề cập chi tiết là câu chuyện tỷ giá. Năm 2024, những đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán vào tháng 4, tháng 6 và tháng 10 đều do tỷ giá.

Ở những quốc gia mới nổi, không chỉ Việt Nam mà cả Trung Quốc, Brazil thì tỷ giá, chứ không phải lạm phát, mới là yếu tố quan trọng nhất. Những thay đổi trong tăng trưởng, CPI, lạm phát … sẽ được phản ánh ngay vào tỷ giá.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Khi xuất khẩu đi nước ngoài, với độ mở lớn như vậy không chỉ cần nhìn vào tỷ giá VND mà còn quan tâm tới tỷ giá nhân dân tệ.

Chẳng hạn, Trung Quốc hay Indonesia điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Câu chuyện tỷ giá năm tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ thế giới. Tuy nhiên, tỷ giá năm sau sẽ không chịu tác động quá lớn và ít hơn.

Trong từng giai đoạn tỷ giá nóng lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái nhanh chóng để xử lý. Câu chuyện năm sau, NHNN đã nhìn nhận được vấn đề và các chính sách tiền tệ, tài khoá sẽ nhịp nhàng để làm sao tỷ giá ổn định.

"Nếu muốn giữ tỷ giá, tăng trưởng tiền tệ sẽ không thể quá lớn được bởi chúng ta cần đảm bảo lãi suất thực dương hoặc lãi suất trong và ngoài nước. Những người kỳ vọng chính sách tiền tệ tăng rất mạnh như 18 – 20% thì sẽ không xảy ra. Chính sách tiền tệ sẽ chỉ khoảng 13 – 15% để đảm bảo GDP tăng trưởng tốt và tỷ giá duy trì", ông Đức nói.

Cẩn trọng với kịch bản suy thoái

Theo chuyên gia VPBankS, chứng khoán Việt Nam và nhiều nước khác thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi chứng khoán Mỹ điều chỉnh thì chuyện gì sẽ xảy ra.

Hiện có hai luồng ý kiến, thứ nhất chứng khoán Mỹ điều chỉnh thông thường vì quá đắt thì tiền sẽ chảy lại các nước như Việt Nam, hay châu Á. Khi đó thị trường Việt Nam sẽ hưởng lợi vì dòng tiền sẽ trở lại.

Còn nếu Mỹ hạ cánh cứng thì tiền sẽ rút khỏi toàn bộ kênh đầu tư, không phải về các nước định giá rẻ. Tiền sẽ về những kênh phòng thủ như nhà đất, vàng chứ không ở lại chứng khoán. Do đó, luôn luôn phải phân biệt thế nào là điều chỉnh và thế nào là suy thoái.

“Đầu tư chứng khoán chúng ta chỉ sợ rủi ro lớn nhất là suy thoái. Không suy thoái thì những đợt điều chỉnh thông thường cứ mua vào, kiểu gì cũng thắng. Nhưng suy thoái xảy ra thì chúng ta sẽ mất rất nhiều tiền. Suy thoái xảy ra chỉ với tần suất từ 3 – 4 năm một lần. Chúng ta có suy thoái 2020, 2022 cũng có thể coi một đợt suy thoái và 2025 – 2026 có thể đủ chu kỳ 4 năm”, ông Đức nói.

“Cũng có thể chứng minh ngược lại rằng trong một chu kỳ 4 năm không bao giờ có suy thoái. Sau khi đã có hai năm 2023 và 2024 rất tích cực, bước sang 2025, có thể vẫn tích cực nhưng sang 2026 là đến hạn của chứng khoán Mỹ và có khả năng suy thoái xảy ra. Chúng ta nên cẩn trọng kịch bản này”, ông Đức cho biết thêm.

Trước sự kiện “Thiên Nga đen”, theo ông Đức, cần giảm bớt tỷ trọng đầu tư trong một số khoảng thời gian nhất định. Xu thế là đi lên và tích cực, nhưng trong một số thời gian nhất định chúng ta có thể bán bớt, dành khoảng 30% danh mục. Margin thì bán bớt phần margin, không thì bán khoảng 30% cho từng đợt điều chỉnh ngắn.

Thứ ba, rất khó để đoán biết thị trường lên xuống như nào. Do đó, thay về tập trung vào lướt sóng, chúng ta cần tập trung vào phân bổ.

“Trong năm tới, nếu thị trường định giá thấp, trong trường hợp tăng trưởng nhanh, nhà đầu tư có thể phân bổ thêm vào công nghệ, công nghiệp hay hàng xa xỉ. Ngược lại, nhà đầu tư thận trọng có thể tập trung vào bán lẻ, chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm, đồ uống.

Nhìn nhà đầu tư hiện nay, tôi thấy có vẻ mọi người đang thận trọng nhiều hơn là tích cực. Gần đây, nhóm chăm sóc sức khỏe tăng rất tốt. Cổ phiếu DBD, DHG, IMP đều rất tích cực. Thực phẩm, đồ uống cũng tăng rất tốt (như SAB) hay bán lẻ cũng hồi phục”, chuyên gia VPBankS nêu khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự kiện “Thiên Nga đen” có thể là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO