(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng nay (27/8), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tham dự tọa đàm trực tuyến có ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đại diện lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách - Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thành viên CLB Pháp chế Ngân hàng, nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài (VBF) và các thành viên.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), việc xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, được căn cứ trên các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và NHNN.
Cũng theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư số 52 là cần thiết nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các TCTD thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52 cũng là bước đi hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các TCTD; từ đó tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng TCTD nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD. Bởi, các chỉ đạo, định hướng của các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng đều tập trung vào việc tăng cường hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các TCTD.
Từ thực tiễn cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2015-2020 cho thấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Trong quá trình triển khai Quyết định số 1058, một số cơ chế đặc thù như cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu… đã được cấp có thẩm quyền cho phép TCTD thực hiện nhằm hỗ trợ công tác cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD này.
NHNN cũng xác định công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình, do ảnh hưởng phát sinh khó lường từ dịch bệnh COVID-19 gây ra, thực hiện nhiệm vụ của NHNN trong năm 2021 tại Phụ lục số 04, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ về việc: “Xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 (Nhiệm vụ số 59)” và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo NHNN về vấn đề này, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền xây dựng Đề án nêu trên cho giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở, thông tin để thực hiện nhiệm vụ trên cần nắm được đầy đủ thực trạng hoạt động, mức độ rủi ro của TCTD thông qua kết quả xếp hạng theo quy định tại Thông tư số 52. Do đó, yêu cầu phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư số 52 nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các TCTD thời gian vừa qua là cần thiết.
Trong đó, các chỉ tiêu phục vụ xếp hạng cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các TCTD trong trường hợp không được chấp thuận thực hiện các cơ chế đặc thù (cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu...).
Do nội dung Thông tư ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng đồng thời căn cứ đề nghị của TCTD hội viên, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức hội nghị trực tuyến hôm nay để các hội viên có thể tham gia góp ý với dự thảo Thông tư, trao đổi về một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai và đề xuất, kiến nghị cơ quan soạn thảo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động.