Các Hiệp hội ngành, nghề

Sửa đổi Luật Kế toán: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài

Minh Nhật 30/09/2024 - 10:33

Liên quan đến Luật Kế toán, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kế toán, đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

luat-ke-toan.jpg

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực từ năm 2017 đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; tạo cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận hơn các thông lệ quốc tế. Đồng thời, đã hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước và thực tiễn thực hiện. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; đạt mục tiêu Việt Nam được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chống xói mòn thuế toàn cầu; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn; phòng chống rửa tiền.

Liên quan đến áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, Ban soạn thảo đề xuất quy định làm rõ khái niệm Chuẩn mực về kế toán gồm chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam, trong đó, chuẩn mực quốc tế về kế toán là chuẩn mực do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành. Đồng thời, đề xuất giao Bộ Tài chính quy trình cụ thể về đối tượng, phạm vi, thể thức và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán tại Việt Nam theo lộ trình phù hợp.

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn, Ban soạn thảo đề xuất cho phép các tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài thì chỉ phải dịch sang tiếng Việt khi công bố ra bên ngoài theo quy định của pháp luật hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Đối với Báo cáo tài chính, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép các đơn vị có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ áp dụng chế độ kế toán đơn giản để tiết kiệm thời gian, chi phí của đơn vị kế toán; làm rõ phạm vi của báo cáo tài chính với các loại báo cáo khác để nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính.

Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm quy định chứng từ điện tử có thể được xác nhận bằng các phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật (trong trường hợp không sử dụng chữ ký) để phù hợp với thực tiễn hiện nay khi giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng số đang phát triển, đồng thời, đảm bảo phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và quy định của pháp luật khác liên quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, gồm: tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật về kế toán; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngoài các nhiệm vụ như các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chịu trách nhiệm xây dựng ban hành chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực về kế toán quy định trong Luật này.

Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán thuộc phạm vi quản lý tại địa phương: chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán; tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kế toán và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định; giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực kế toán thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong khu vực công khi thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị.

Một nội dung đáng lưu ý khác tại dự thảo Luật là việc đề xuất bổ sung quy định Người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã báo cáo với cấp trên và bảo lưu ý kiến của mình thì "không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên". Quy định này sẽ giúp cho người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác, mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp, từ đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại đơn vị...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Kế toán: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO