Kết nối

Sức hấp dẫn của Việt Nam trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

T.H 04/05/2024 14:56

Ngày 4/5, Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys, Đại học Arizona (Mỹ) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ; lãnh đạo TP. Đà Nẵng; Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam; các doanh nghiệp lớn ngành công nghệ, công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước (Synopsys, Qualcomn, Panasonic, CoAsia, Qorvo,…); cùng các chuyên gia, kĩ sư hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học trong nước và quốc tế: Đại học Arizona (ASU) - Mỹ, Chang Gung University (CGU) – Đài Loan, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội…

2a1a0639.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo

Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là bộ phận cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay.

“Công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; là tiền đề, là động lực thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Ở chiều ngược lại chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thế giới đã chứng kiến thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế; môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn; nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cơ bản và khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên-vật liệu thuận lợi…

Một điểm mạnh, làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư hàng đầu, là vị thế và uy tín quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

“Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tao và công nghệ cao; Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ và cho biết thêm: “Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam”.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa đánh giá, bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.

2a1a0592.jpg
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ tịch Phenikaa đánh giá, Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ, cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.

“Chúng tôi nhận thức rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất”, ông Hồ Xuân Năng nhấn mạnh.

Nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn là bài toán mấu chốt dẫn tới thành công

Thông tin tại hội thảo cho thấy, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tính toàn cầu hóa. Với các đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực canh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.

Hiện nay, trong chuỗi giá trị của sản xuất vi mạch, chưa có quốc gia hoặc lãnh thổ nào đạt được quyền tự chủ chiến lược hoàn toàn mà có sự phụ thuộc, phân công lẫn nhau. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “cuộc đua” mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21.

Sức nóng của thị trường toàn cầu về nhu cầu vi mạch, bán dẫn cho các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, điện toán, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,… đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tri thức, các ứng dụng thông minh… đang đặt ra thách thức to lớn về mặt thời gian, tính sẵn sàng và quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

“Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề và môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này; từ chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến những nỗ lực vượt bậc trong ưu tiên phát triển hạ tầng, như năng lượng, logistics…”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

804a6358.jpg
Quang cảnh hội thảo

Để tạo ra những bước đi đột phá trong ngành công nghiệp này, Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Phó Thủ tướng đánh giá: “Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia tốt vào chuỗi giá trị nghìn tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn”.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới… Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam...

Với mong muốn đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp hàng đầu, Tập đoàn Phenikaa cùng các đối tác đã tuyên bố những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình: (1) Thành lập công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; (2) Thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng; (3) đồng thời, Trường Đại học Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm 2024-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu theo nhu cầu xã hội.

Tại sự kiện cũng đã diễn ra lễ kí kết hợp tác giữa Liên minh đào tạo và nghiên cứu bán dẫn VASA với Synopsys/SiCADA; kí kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Trường Đại học Phenikaa và Đại học Bang Arizona - Hoa Kỳ, hợp tác với Đại học Chang Gung - Đài Loan; hợp tác giữa Công ty S-Phenikaa và Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holding nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức hấp dẫn của Việt Nam trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO