(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 12/12/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam - VMFWG) tổ chức tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện” và Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam năm 2018 (CMA 2018).
Hơn 100 đại biểu tới từ cơ quan chính phủ, Ban Công tác Tài chính vi mô của chính phủ, Ban chỉ đạo Fintech, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các cơ quan đoàn thể, nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các đơn vị đầu tư, và các chương trình/tổ chức tài chính vi mô đã tham dự chương trình.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu khai mạc tọa đàm |
Trong phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tài chính vi mô ra đời nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế cho nhóm khách hàng nghèo, giúp họ có cơ hội phát triển, cải thiện cuộc sống, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo. Bên cạnh mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ tài chính và phi tài chính, các tổ chức tài chính vi mô còn hướng tới mục tiêu là giúp khách hàng có đủ năng lực tiếp cận bền vững với dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, tài chính vi mô được coi là công cụ phát triển của người nghèo, chứ không chỉ là dịch vụ tài chính đơn thuần.
Tại Việt Nam, Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của tài chính vi mô. Điều này thể hiện thông qua việc Chính phủ đã phê duyệt đề án của NHNN về “Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020”. Chương trình này là cơ hội để có thể đề xuất, trao đổi về những sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính vi mô như một trụ cột quan trọng hướng tới phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế Việt Nam toàn diện, bền vững.
Đại diện các tổ chức tài chính vi mô tham gia trình bày tại tọa đàm |
Phần trình bày của các tổ chức tài chính vi mô tại tọa đàm đã đưa ra bức tranh tổng thể về thực tiễn hoạt động, chỉ rõ tác động của tài chính vi mô trong công tác xóa đói giảm nghèo, cung cấp dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu người nghèo/người thu nhập thấp và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ tại khu vực nông thôn; Chỉ ra những vấn đề cần quan tâm cải thiện để các tổ chức tài chính vi mô chính thức có thể mở rộng đối tượng phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu người nghèo, đặc biệt tại phân khúc thị trường nông thôn, thông qua kênh phân phối dịch vụ tài chính phù hợp nhất.
Trao đổi tại tọa đàm của các khách mời |
Bên cạnh đó, tọa đàm còn cho thấy mô hình tài chính vi mô bán chính thức cũng phát triển hiệu quả tại Việt Nam, đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện hoạt động chính thức và được giám sát theo Quyết định số 20/QĐ-TTg. Thực tiễn phát triển của khu vực tài chính vi mô này đã được minh chứng từ bài trình bày của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM). Những chia sẻ từ Quỹ MOM chỉ ra tiềm năng phát triển mô hình hoạt động, tiềm năng mở rộng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính/phi tài chính tại phân khúc thị trường nông thôn với phạm vi hoạt động rộng khắp tại toàn bộ 173 xã phường trên toàn tỉnh. Tiếp nối bằng những chia sẻ về hoạt động từ Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt Nam (Viet ED) - đã khắc họa rõ nét thực tế: những mô hình TCVM với sự tham gia của các tổ chức xã hội/tổ chức phí chính phủ.
Đặc biệt, minh chứng thực tiễn nhất cho hiệu quả của hoạt động tài chính vi mô, được thể hiện thông qua Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam năm 2018. Đây là một hoạt động thường niên toàn cầu do Quỹ Citi - Ngân hàng Citibank Việt Nam tài trợ từ năm 2007 tới nay, nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nhân vi mô đã có những sáng kiến trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, các cán bộ tín dụng xuất sắc và các tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô bền vững tại Việt Nam đến năm 2020, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Thay mặt ban tổ chức, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo CMA 2018 - đã công bố quyết định giải thưởng. Theo đó, CMA 2018 ghi nhận và vinh danh 30 khách hàng TCVM và 4 tổ chức TCVM tiêu biểu từ hơn 100 hồ sơ tham dự chương trình CMA 2018 trên cả nước.
4 giải dành cho Tổ chức Tài chính vi mô gồm:
1- Giải Tổ chức TCVM xuất sắc CMA 2018: Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM); 2- Giải Tổ chức TCVM tiêu biểu CMA 2018 cam kết thực hiện hiệu quả xã hội: Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hoá (Thanh Hoa MFI); 3- Tổ chức TCVM tiêu biểu CMA 2018 hoạt động hiệu quả và bền vững: Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình thương (TYM); 4- Tổ chức TCVM tiêu biểu CMA 2018: Quỹ phát triển An Phú.
30 giải cá nhân gồm:
1 giải Doanh nhân vi mô xuất sắc: Chị Lý Thị Quyên, Quỹ chung sức vì cộng đồng huyện Bạch Thông, Bắc Kạn
1 giải doanh nhân vi mô trẻ tiêu biểu: Chị Lò Thị Tú, Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa
1 giải Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo: Chị Nguyễn Thị Vân, Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình thương (TYM)
Và 27 cá nhân nhận giải Doanh nhân vi mô tiêu biểu thuộc nhiều tổ chức tài chính vi mô khác nhau.
Dưới đây là một số hình ảnh lễ trao giải:
Trao Giải Tổ chức TCVM xuất sắc CMA 2018 cho đại diện Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM); |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh trao giải, chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện 4 tổ chức tài chính vi mô tiêu điểm CMA 2018 |
Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo CMA 2018 và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, trao giải thưởng cho Doanh nhân vi mô tiêu biểu CMA 2018 |
Chụp ảnh kỷ niệm cùng các doanh nhân vi mô tiêu biểu CMA 2018 (đợt 1) |