Chứng khoán

Tâm điểm chứng khoán: Thị trường bước vào tuần giao dịch bản lề sau khi xuất hiện sự hồi phục

Mai Hương 18/03/2024 - 06:42

Tuần hồi phục của VN-Index đã xuất hiện bất chấp Ngân hàng Nhà nước quay lại phát hành tín phiếu để làm hạ nhiệt tỷ giá. Các chuyên gia chưa vội lạc quan với sự bật lên của thị trường và đưa các quan điểm thận trọng trước cuộc họp của FED.

"Thị trường hồi phục nhưng chưa hoàn toàn thoát pha điều chỉnh"

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Thị trường có sự phục hồi khi tiếp cận đường trung bình động 20 kỳ, khi đó dòng tiền bắt đáy có xu hướng quay trở lại và giúp hầu hết các cổ phiếu lớn có sự phục hồi. Tuy nhiên, còn quá sớm để cho rằng pha điều chỉnh của thị trường đã kết thúc khi thanh khoản không gia tăng tương ứng, hàm ý về sự thận trọng nhất định từ một số nhà đầu tư. Nên giai đoạn phục hồi trong tuần qua có thể nhanh chóng kết thúc. Bên cạnh đó, chỉ số cũng gặp áp lực bán khi tiếp cận vùng đỉnh gần nhất (1.275 điểm). Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng với giai đoạn hiện tại.

Dòng tiền cũng đang có sự luân chuyển từ nhóm cổ phiếu Large cap sang Small cap và Mid cap. Hiện tượng này thường xuất hiện khi thị trường bước vào giai đoạn cuối của sự tăng trưởng. Theo đó, khi thị trường phục hồi nhóm cổ phiếu Large cap sẽ dẫn dắt thị trường chung đi lên hầu hết các nhóm cổ phiếu (Mid cap và Small cap) đều đi lên tương ứng.

Tuy nhiên, khi thị trường đạt đỉnh, thì dòng tiền sẽ có sự luân chuyển, từ nhóm cổ phiếu Large cap sang cổ phiếu Mid cap và Small cap. Theo đó, nhóm cổ phiếu Large cap sẽ điều chỉnh trước trong khi Mid cap và Small cap vẫn đi lên. Cuối cùng, thì cả 3 nhóm này đều điều chỉnh theo xu hướng chung. Đây có thể được xem là sự phân kỳ giữa các nhóm cổ phiếu một tín hiệu cảnh báo về sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư có thể luân chuyển theo dòng vốn chung nhưng cần lưu ý, thị trường đang có những tín hiệu về sự điều chỉnh, do đó cần cân nhắc tỷ trọng cổ phiếu đầu tư ở mức hợp lý.

Trong tuần giao dịch tới, sẽ diễn ra các sự kiện đáo hạn phái sinh và cuộc họp của FED. Với đáo hạn phái sinh, thị trường có thể biến động mạnh khi hợp đồng đáo hạn do các vị thế trên thị trường này được tất toán. Đây là tác động mang yếu tố nhất thời đến xu hướng vì thế không ảnh hưởng lớn đến xu hướng chung.

Bên cạnh đó, hiện FED đang được dự báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp lần này nhưng sẽ giảm lãi suất trong quý II/2024. Nên các thông tin từ cuộc họp của FED sẽ có tác động từ trung tính đến có phần tích cực.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên quan tâm đến những yếu tố tác động đến thị trường trong ngắn hạn theo đó một số yếu tố đang có phần không tích cực như (1) tỷ giá đang có xu hướng tăng, quanh vùng đỉnh lịch sử (2) khối ngoại tiếp tục bán ròng. Những yếu tố này có thể làm thị trường điều chỉnh trong giai đoạn tới.

chuyengiachungkhoan173bizlive.jpg
Từ trái qua: ông Trần Trương Mạnh Hiếu, ông Bùi Văn Huy, ông Đinh Quang Hinh.

"Thị trường sẽ có một tuần giao dịch bản lề, nhà đầu tư cần quan sát sự suy yếu nhóm trụ"

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC

Nhịp phục hồi trong tuần vừa qua không quá bất ngờ khi khi tiền đã vào thị trường thì vẫn loanh quanh và không thể rút ra ngay được. Tuy nhiên ngay trong nhịp hồi cũng đã có những dấu hiệu suy yếu nhất định, thể hiện qua thanh khoản trong những phiên hồi kém hơn so với các phiên ghi nhận những dấu hiệu phân phối.

Độ rộng cũng yếu đi, số lượng cổ phiếu duy trì xu hướng tăng ngắn hạn kém đi, giảm từ mức 80% về chỉ còn 60%.

Về cổ phiếu dẫn dắt, nhóm Ngân hàng vẫn suy yếu trong khi các cổ phiếu trụ kém thanh khoản lại được duy trì để neo chỉ số.

Nhìn chung bối cảnh đã xuất hiện những rủi ro nhiều hơn. Đối với tình hình thế giới, tâm điểm sẽ là kỳ họp của FED, số liệu CPI vẫn tiếp tục cao hơn một chút so với dự báo, trong khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng trở lại.

Đối với trong nước, áp lực tỷ giá kèm với việc lợi suất trái phiếu tăng nhẹ trở lại là tín hiệu đáng chú ý. Do đó tuần sau sẽ là tuần bản lề, tâm điểm là cuộc họp của FED vào ngày 20-21/3.

Tôi vẫn thiên về kịch bản thị trường chưa thể bứt phá và bỏ ngỏ kịch bản thị trường điều chỉnh khi hình thành mô hình 2 đỉnh. Kháng cự thị trường hiện tại là vùng quanh 1.280-1.300, hỗ trợ là vùng 1.235-1.240 điểm, hỗ trợ mạnh hơn quanh 1.160-1.180 điểm.

Trong khi đó, dòng tiền cũng đang có dấu hiệu luân chuyển sang các cổ phiếu Midcap và Penny. Thông thường, một vòng luân chuyển của thị trường sẽ là cổ phiếu trụ, sau đó qua cổ phiếu Midcap và Penny.

bvh173bizlive.png

Trong đợt tăng lần này, tâm lý vẫn chưa quá hưng phấn khi ngay cả các cổ phiếu "rác" cũng tăng, do đó rủi ro chưa phải quá lớn.

Tuy nhiên các cổ phiếu trụ yếu đi là dấu hiệu cần quan sát. Có thể thấy nhóm Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản (trong đó có Thép) đang suy yếu là dấu hiệu cần quan sát.

Nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng vừa phải, không nên quá căng cứng trong một tuần bản lề với nhiều sự kiện quan trọng.

"Xu hướng tăng từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm"

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT

Thị trường chứng khoán hướng tới tuần giao dịch quan trọng khi FED sẽ có cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra trong ngày 20-21/3 tới và chỉ số VN-Index có thể “test” lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm.

Nếu như khả năng FED giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tới là gần như chắc chắn, sức nóng của sự kiện này vẫn không thuyên giảm do sự quan tâm sẽ đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch FED.

Thị trường đang kỳ vọng những hé lộ mới về hướng đi tiếp theo của FED, cụ thể là thời điểm dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành và mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay. Nếu kịch bản của FED đưa ra không quá “diều hâu” so với kỳ vọng trước đó của thị trường (bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 và có ít nhất 3 đợt cắt giảm trong năm 2024) thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực của các thị trường tài chính trên toàn cầu.

Quay lại các vấn đề trong nước, thị trường chứng khoán phản ứng không quá tiêu cực về động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Điều này là nhờ thị trường hiện tại đang có nhiều yếu tố hỗ trợ so với thời điểm cơ quan điều hành có động thái tương tự vào năm ngoái (tháng 9 đến tháng 11), bao gồm: triển vọng phục hồi kinh tế rõ rệt hơn, bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2024 dự kiến tích cực và là bệ đỡ cho thị trường (trái ngược hoàn toàn với bức tranh quý III năm ngoái) và dòng tiền trong nước đang khá quyết liệt, được hậu thuẫn bởi môi trường lãi suất thấp và tâm lý kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường.

Nhìn chung, xu hướng tăng từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm trong tuần tới. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phiếu, ưu tiên phân bổ vào những nhóm cổ phiếu đang có yếu tố cơ bản hỗ trợ như nhóm cổ phiếu chứng khoán, tiêu dùng, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm điểm chứng khoán: Thị trường bước vào tuần giao dịch bản lề sau khi xuất hiện sự hồi phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO