Một số thị trường khu vực đã áp sát lại MA100, đặc biệt thị trường Nhật Bản đóng cửa trên ngưỡng này. Dù vậy, VN-Index chưa thể đạt được sự tích cực tương tự do lực đẩy nhóm trụ vẫn còn yếu.
Định vị thị trường
VN-Index đang trong vị thế đi sau các thị trường chứng khoán châu Á trong đợt hồi phục ngắn hạn. Ở phiên hôm nay (ngày 12/10), chỉ số mạnh nhất châu Á là NIKKEI 225 đã đóng cửa trên đường xu hướng trung hạn với việc tăng 1,75%. Đài Loan với TWSE (+0,92%) cũng đã áp sát MA100. Trong khi đó, KOSPI (+1,21%), CSI 300 (+0,95%), Hang Seng (+1,88%) cũng đều có sự khẩn trương.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn khá "thong dong", dù đây đã là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp và chênh lệch với MA100 gần 15 điểm.
Chất xúc tác
Vận động của tỷ giá ở thời điểm hiện tại chưa có thêm diễn biến mới. Trong sáng nay (11/10), tỷ giá trung tâm đang được niêm yết ở mức 24.065 VND/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với phiên liền trước.
Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) vẫn tiếp tục có những nỗ lực can thiệp vào hoạt động đầu cơ chênh lệch lãi suất. Phiên hôm qua, đã có 10.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 0,68%. Như vậy, NHNN hút ròng 10.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 165.700 tỷ đồng.
Qua biến động lãi suất liên ngân hàng, hệ thống ngân hàng vẫn cho thấy thanh khoản dồi dào dù lượng tín phiếu đang lưu hành đã đạt quy mô tương đương gần 7 tỷ USD. Lãi suất qua đêm VND theo thống kê của Refinitiv Eikon đã giảm 13 điểm cơ bản xuống 0,28%.
Trong khi đó, mối liên hệ giữa tỷ giá và hành vi của khối ngoại vẫn không thực sự rõ ràng. Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá lớn trên HOSE, đạt 659 tỷ đồng.
Tâm điểm bán ra là các mã MWG (-237 tỷ đồng), HPG (-113 tỷ đồng), FUEVFVND (-51 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Sự giằng co của VN30 đã diễn ra trong cả phiên giao dịch. Dù có VIC (+2,3%), VNM (+1,5%), SAB (+1,3%) đứng ra đỡ điểm số, VN30 vẫn đóng cửa dưới tham chiếu do nhiều cổ phiếu Ngân hàng như VCB (-0,6%), MBB (-0,8%), STB (-0,5%), SHB (-0,5%), HDB (-0,5%) triệt tiêu ảnh hưởng.
Thực tế, xu hướng của hầu hết các mã ngân hàng kể trên đều không xấu nhưng những chuyển động giá gần đây đang tạo ra sức ì cho VN30 trong những phiên trước kỳ đáo hạn phái sinh tháng 10/2023. Chỉ số đóng cửa giảm 0,15% xuống 1.165,49 điểm.
VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhưng thành quả hầu như không đáng kể khi chỉ tăng 0,07% lên 1.151,61 điểm. Độ rộng của sàn đạt 40,3% mã tăng so với 41,21% mã giảm cho thấy tâm lý thận trọng.
Các mã chiều tăng như VCI (+1,2%), PDR (+3,84%), DIG (+1,71%), HCM (+1,12%), FTS (+0,2%), TV2 (+1,86%), DGW (+2,02%)… đều có lực cầu mua vào trong phiên nhưng hành động giải ngân lại không quyết liệt để giúp thị giá đóng cửa ở mức tốt nhất phiên.
Trong khi đó, các mã chiều giảm như VCG (-0,19%), PC1 (-2,24%), NKG (-0,98%), VND (-0,68%), GMD (-1,21%), HAH (-1,35%), cũng không ghi nhận những lệnh bán dứt khoát từ các vị thế nắm giữ.
Thế tiến thoái của thị trường vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thanh khoản của cả HOSE có phiên thứ 7 liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên. Tổng khối lượng của sàn đạt 647,17 triệu đơn vị, tương đương 14.433 tỷ đồng.
2 sàn còn lại vẫn chỉ duy trì tổng giá trị giao dịch quanh mức 2.500 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,61% còn UPCoM-Index tăng 0,38%.